MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đào mỏ vàng cũng kêu lỗ: Không làm được thì giải thể!

05-08-2014 - 09:31 AM | Xã hội

Hoạt động của Phước Sơn và Bồng Miêu doanh nghiệp không để lại cho Việt Nam điều gì ngoài sự thất thoát tài nguyên quốc gia.

Ths. Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới cho biết trước sự việc đang diễn ra tại Quảng Nam khi 2 công ty Vàng Phước Sơn và Khai thác vàng Bồng Miêu của Tập đoàn Besra liên tục kêu thua lỗ, tạo áp lực lên Cục thuế địa phương để đòi được hưởng những ưu đãi về thuế, phí và sau đó lại được tạo cơ chế như doanh nghiệp yêu cầu.

Không được gì ngoài mất mỏ vàng

Sau khi được Bộ Tài chính hủy quyết định truy thu 250 tỷ đồng tiền thuế xuất khẩu vàng đối với hai Công ty Vàng Phước Sơn (tại huyện Phước Sơn) và Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu (tại huyện Phú Ninh), Besra Việt Nam thay vì khôi phục sản xuất kinh doanh và đóng các khoản thuế, phí khác phải nộp cho chính quyền địa phương Quảng Nam đơn vị này lại “chây ỳ” khiến Cục Thuế tỉnh Quảng Nam quyết định phong tỏa tài khoản và thông báo hóa đơn của Công ty Vàng Phước Sơn không còn hiệu lực nhằm thu hồi các khoản thuế quá hạn từ đầu tháng 4 vừa qua.

Bị Cục Thuế vô hiệu hóa, Besra Việt Nam tiếp tục la làng. Vì không đạt được “thỏa thuận” để Cục Thuế Quảng Nam xóa nợ thuế, phía Besra Việt Nam ra thông báo tạm ngừng hoạt động sản xuất tại hai mỏ vàng Bồng Miêu và Phước Sơn. Thậm chí, tập đoàn Besra còn tiếp tục đề nghị miễn thuế , phí các loại với số tiền hơn 300 tỷ đồng mà các Công ty này nợ đọng trong những năm qua.

Nhận định về vấn đề này, Ths. Bùi Ngọc Sơn cho biết, nếu ưu đãi nhiều như vậy, sẽ tạo tiền lệ cho các doanh nghiệp làm ăn kêu thua lỗ xin là được.

Ths. Bùi Ngọc Sơn cũng đặt câu hỏi: "Nếu hoạt động của công ty không liên quan đến lợi ích quốc gia tại sao lại có những ưu đãi nhiều như vậy, nếu sụp đổ ảnh hưởng gì đến quốc gia?".

Ths. Bùi Ngọc Sơn lấy ví dụ về trường hợp diễn ra tại Mỹ năm 2005-2006, 3 doanh nghiệp đứng đầu ngành sản xuất ô tô của Mỹ đồng thời đã thành lập phái đoàn gặp Tổng thống Bush để cầu cứu nhưng trước đó Tổng thống Mỹ đã gạt phắt đi và cho rằng đây là việc của doanh nghiệp, làm ăn không hiệu quả phải tự tìm lối thoát.

Nhưng đến năm 2008 khi khủng hoảng tài chính nổ ra, 3 doanh nghiệp này lại kêu cứu lúc này Tổng thống Obama mới dùng khoản cứu trợ để cứu và người ta thừa nhận việc này là hợp lý.

Điểm đặc biệt là cách mà Chính phủ Mỹ cứu là mua cổ phiếu của doanh nghiệp để doanh nghiệp có vốn và trang trải các khoản nợ nần, bắt tái cấu trúc mạnh mẽ để làm ăn có lãi và khi có lãi Chính phủ sẽ bán lại phần cổ phiếu đã mua để rút vốn ra.

"Còn trường hợp của Việt Nam, đóng góp của doanh nghiệp hầu như không có, lao động tạo ra chỉ khoảng 1.000 lao động và đây thực chất không phải cứu mà là cho không, làm ăn thua lỗ lại xin. Hoạt động của công ty được thua phải tự chịu trách nhiệm không thể xin xỏ để được ban phần thưởng ", Ths. Bùi Ngọc Sơn nói.

Cũng theo Ths. Bùi Ngọc Sơn, hoạt động của Phước Sơn và Bồng Miêu doanh nghiệp không để lại cho Việt Nam điều gì ngoài sự thất thoát tài nguyên quốc gia, điều này trái ngược hoàn toàn với hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện thoại.

“Các doanh nghiệp nước ngoài xây dựng nhà máy tại Việt Nam để sản xuất điện thoại như Samsung có thể có được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp vì đây là doanh nghiệp mang lại lợi ích quốc gia, có đóng góp cho nền công nghiệp, sau này Việt Nam còn được hưởng những lợi ích lan tỏa khác điều này trái ngược với doanh nghiệp khai thác vàng sẽ để lại cho Việt Nam những gì hay chỉ còn là sự thất thoát tài nguyên quốc gia”, Ths. Bùi Ngọc Sơn nói.

Không làm được thì giải thể!

Báo cáo của Cục Thuế Quảng Nam tính đến 30/6 vừa qua, tổng nợ thuế của 2 nhà máy Phước Sơn và Bồng Miêu là 231,6 tỷ đồng. Trong đó, nợ thuế trên 90 ngày thuộc diện phải cưỡng chế để thu hồi là 191 tỷ đồng. Công ty chỉ thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào Ngân sách Nhà nước số tiền là gần 12 tỷ đồng, đạt 12,7% số phải nộp.

Trong buổi làm việc gần đây với doanh nghiệp, lãnh đạo Cục thuế đã đề nghị công ty nộp các khoản nợ vào ngân sách. Tuy nhiên, phía Besra đề nghị ngành thuế phải tháo gỡ ngay lập tức các biện pháp cưỡng chế thì công ty mới thanh toán đầy đủ, đúng hạn các khoản thuế phát sinh từ tháng 9/2014, còn đối với các khoản nợ thuế cũ, công ty không cam kết trả.

Được biết, hoạt động ở Việt Nam hơn 20 năm qua, sản lượng khai thác vàng của Besra tại Việt Nam đã tăng đều đặn qua từng năm. Năm 2013, sản lượng vàng theo dự đoán Besra làm ra hơn 60.000 ounce (khoảng 2 tấn).

Ths. Bùi Ngọc Sơn cho biết, xét trên tổng thể được mất khi không đưa ra giải pháp miễn truy thu thuế, các nhà máy vẫn tiếp tục đóng cửa hoặc đóng cửa hẳn không khai thác vàng và hoạt động tại Việt Nam thì rõ ràng không cần đưa ra giải pháp để cứu doanh nghiệp này vì nếu tiếp tục cứu các doanh nghiệp vẫn tiếp tục kêu lỗ triền miên tiếp tục đòi hưởng những ưu đãi về thuế phí và Việt Nam không được lợi gì từ điều này.

“Doanh nghiệp kêu thua lỗ nếu không làm được giải thể. Bởi vì đóng góp tương lai của doanh nghiệp chưa thấy, chưa có giải trình nhưng vẫn cứu thì sẽ rất vô lý! Phải nhìn thấy vai trò, triển vọng thoát chết của doanh nghiệp như 3 công ty ô tô của Mỹ. Khi giúp phải giúp doanh nghiệp có triển vọng thoát ra được, còn đây vai trò chưa thấy, triển vọng cứu sau đó đóng góp cũng chưa thấy”, Ths. Bùi Ngọc Sơn nói.

Chính những động thái từ phía Bộ Tài chính cũng như Tổng Cục thuế trong trường hợp này, Ths. Bùi Ngọc Sơn khẳng định, điều này tạo nên sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước, sự bất bình đẳng này khiến các doanh nghiệp trong nước không thể nào chấp nhận được.

>>>

Theo Nguyên Thảo

cucpth

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên