MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dấu ấn của Ngành Giao thông Vận tải

18-02-2015 - 09:24 AM | Xã hội

Người dân đang đặt niềm tin ngành giao thông với “4 xin” và “4 luôn” tức là luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu…

Những công trình giao thông trọng điểm được hoàn thành, những giải pháp đưa ra đã giảm tai nạn giao thông năm thứ 3 liên tiếp, những quyết sách kịp thời xử lý điểm nóng, sự thay đổi trong tổ chức cán bộ với việc thi tuyển hàng loạt chức danh cấp cục, vụ và  việc chậm tiến độ, đầu tư dàn trải, gây ô nhiễm môi trường… đang được khắc phục trên các công trường giao thông. Đây là những điểm sáng trong bức tranh của ngành giao thông trong năm 2014.

Từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông

Với ý tưởng thiết kế là hình ảnh bông hoa đào Nhật Tân, cầu Nhật Tân gồm 5 nhịp dây văng liên tục như những cánh hoa đào của làng hoa Nhật Tân tỏa ngát hương giữa trời Hà Nội.

Đứng ở trên cao, nhìn từ xa, cầu Nhật Tân như khăn hoa đẹp vắt qua dòng sông Hồng êm đềm. Đến thời điểm này, cầu Nhật Tân là cầu dây văng dài nhất Việt Nam và cũng là 1 trong 3 cầu trên thế giới có 5 nhịp cầu dây văng.

Cùng với tuyến đường cao tốc Nhật Tân - Nội Bài và tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai (245 Km) làm thay đổi diện mạo đô thị cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô nói riêng và hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Bắc và Tây Bắc.

Người dân Thủ đô tự hào có thêm công trình giao thông khẳng định tầm vóc giàu đẹp của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Anh Trần Mạnh Hùng, ở xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, nói: “Từ khi có cây cầu Nhật Tân cuộc sống của chúng tôi có nhiều thay đổi, thời gian đi từ Đông Anh sang Trung tâm Hà Nội được rút ngắn nhiều, thuận lợi cho chúng tôi kinh doanh buôn bán. Bộ mặt của nông thôn cũng có nhiều thay đổi nhà cao tầng đã mọc lên nhiều, cuộc sống của dân ở đây được nâng cao hơn”.

Cùng với cầu Nhật Tân, 75 công trình, dự án giao thông trên cả nước đã được hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm qua. Trong đó, có một số những dự án trọng điểm như: Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cao tốc Nội Bài – Lào Cai, cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây… Việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông tiếp tục được đẩy mạnh.

Năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải đã huy động được gần 40.000 tỷ đồng đầu tư 19 dự án theo hình thức BOT. Các giải pháp nhằm quản lý chặt giá thành, tiết giảm và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư, qua rà soát 25 dự án giảm được hơn 5.200 tỷ đồng.

Tai nạn giao thông giảm liên tục trong năm thứ 3

Năm 2014, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí: số vụ, số người bị thương và số người chết, là năm thứ 3 liên tiếp tai nạn giao thông trên cả nước giảm. Giao thông tại các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục được cải thiện với nhiều giải pháp như: xã hội hóa xe buýt, quy hoạch hạ tầng giao thông tĩnh, triển khai những tuyến xe buýt nhanh, điều tiết giữa các phương thức vận tải…

Anh Nguyễn Văn Dũng, ở Quận Cầu Giấy, Hà Nội, chia sẻ: “Tôi thấy giao thông ở Hà Nội trong những năm gần đây đã có nhiều thay đổi. Nhiều cây cầu vượt được xây dựng, giải quyết được một phần ùn tắt giao thông, tiết kiệm thời gian lao động. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã có nhiều quyết sách quyết liệt như: xử lý các vi phạm về xây dựng giao thông, người dân có niềm tin hơn về ngành giao thông hơn”.

Tuy nhiên, trong năm qua còn xảy ra một số vụ  tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe chở công ten nơ... công tác kiểm soát tải trọng phương tiện chưa đạt kết quả như mong muốn.

Đây là thách thức đặt ra đối với công tác đảm bảo trật  tự an toàn giao thông trong năm 2015. Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, các bộ, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho biết: “Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia quyết định lựa chọn, siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện là nhóm giải pháp nền là trụ cột, có tính chất đột phá trong công tác đảm bảo an toàn giao thông năm 2015. Với mục tiêu, tính mạng con người là trên hết, tất cả các địa phương, các đơn vị kinh doanh vận tải sẽ có kế hoạch hành động để thực hiện mục tiêu này. Chúng tôi tin tưởng rằng, có thể hoàn thành nhiệm vụ Quốc hội giao giảm từ 5-10% tai nạn giao thông tất cả các địa phương trên cả nước có thể thực hiện được”. 

Chuyển biến toàn diện trong ngành

Tiến sỹ Phạm Sanh, chuyên gia ngành giao thông đánh giá: Năm 2014 ngành Giao thông Vận tải đã có sự chuyển biến tích cực, tạo lòng tin của nhân dân. Trong khi nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, ngành giao thông đã huy động nguồn vốn xã hội hóa triển khai dự án bằng những hình thức hợp đồng BOT, PPP là một giải pháp hữu hiệu.

Trong sự chuyển biến  tích cực của ngành giao thông vận tải có dấu ấn đặc biệt của vị Tư lệnh ngành - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng. Tiến sỹ Phạm Sanh nói: “Hiếm có Bộ trưởng nào đi hiện trường thực tế nhiều, chỉ đạo những việc rất cụ thể như Bộ trưởng Đinh La Thăng. Qua đó, lực lượng cán bộ trong ngành cũng phải đổi mới và năng động hơn.

Bộ trưởng Đinh La Thăng có những cải cách lớn trong ngành như tuyển chọn, thi tuyển cán bộ lãnh đạo để những người có thực tài có quyết tâm trách nhiệm làm. Công tác tổ chức cán bộ, thể chế, tôi cho rằng con người Bộ trưởng Đinh La Thăng hết sức năng động. Trong công tác ngành giao thông, không còn những cán bộ, những đơn vị lề mề nữa, các lĩnh vực đã bắt đầu khởi sắc như ngành đường sắt, hàng không, hàng hải…”.

Đổi mới công tác tổ chức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo cũng là một điểm nổi bật của Bộ Giao thông Vận tải trong năm 2014. 5 vụ trưởng và cục trưởng đã được tuyển chọn thông qua các kỳ thi.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng khẳng định: Những lãnh đạo cục, vụ sau khi thông qua thi tuyển sẽ phải thực hiện những đề án cải cách, thi tuyển chỉ là bước đầu việc đánh giá hiệu quả công việc trên thực tế mới thực sự đánh giá được năng lực của cán bộ đã trúng tuyển.

Bộ trưởng Đinh La Thăng nói: “Năm 2014 chúng ta cổ phần hóa được 48/76 doanh nghiệp của cả nước, chiếm trên một nửa. Việc này có vai trò rất quan trọng của Vụ trưởng Quản lý doanh nghiệp được bổ nhiệm thông qua thi tuyển. Cho nên chúng ta tổ chức thi tuyển lãnh đạo cục, vụ được dư luận, nhân dân đánh giá cao nhưng chỉ kết quả cuối cùng mới khẳng định việc thi tuyển là đúng đắn. Đây chính là kết quả công việc sẽ trả lời việc Hội đồng chấm thi có đúng không và bản thân người thi có đúng không?”.

Một năm nhìn lại, Ngành Giao thông Vận tải đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ. Những việc làm của Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chứng minh bản tính quyết liệt, tinh thần trách nhiệm, dám làm, dám chịu của vị tư lệnh ngành, trở thành vị Bộ trưởng ghi dấu ấn đặc biệt trong năm 2014.

Người dân đang đặt niềm tin ngành giao thông với “4 xin” là xin chào, xin lỗi, xin phép, xin cảm ơn và “4 luôn” là luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu và luôn giúp đỡ.

>>>Cận cảnh Nhà ga T2 Nội Bài ngày đầu đưa vào khai thác

Theo Hoài Lam

 

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên