MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền buồn vì nhiều lãnh đạo dân gọi không nghe

10-02-2016 - 16:48 PM | Xã hội

Dù chất vấn các vấn đề gai góc, động chạm tới các cơ quan, bộ ngành nhưng đại biểu Nguyễn Bá Thuyền không hề nao núng, gặp sức ép vì phía sau là sự ủng hộ của cử tri, nhân dân.

Chưa bao giờ tôi lo ngại

Chia sẻ với chúng tôi, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (tỉnh Lâm Đồng), người có rất nhiều phát ngôn mạnh mẽ, ấn tượng, động chạm đến các vấn đề gai góc cho hay, ông chưa giờ né tránh hay gặp phải sức ép khi phát biểu hay chất vấn trước Quốc hội.

"Bởi những gì tôi chất vấn, phát biểu trước Quốc hội dù là gai góc, động chạm đến nhiều vấn đề, cơ quan, Bộ ngành thì đều là các ý kiến, sự quan tâm, gửi gắm của cử tri, nhân dân cả nước.

Tôi cũng chưa bao giờ ngại, không dám nói hay gặp phải sức ép trước bất cứ vấn đề gì, bởi sau tôi là cử tri, nhân dân luôn đồng hành, theo dõi, các đồng chí lãnh đạo của Trung ương và địa phương cũng luôn ủng hộ", đại biểu Thuyền nói.

Nhìn lại chặng đường đã đi qua của Quốc hội khóa XIII, đại biểu Thuyền cho biết, ông có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Trong đó, những kỷ niệm quan trọng nhất đó là ông đã đóng góp nhiều ý kiến đối với Quốc hội và nhiều vấn đề bất cập đã được sửa đổi.

Nhớ lại việc ông từng đóng góp ý kiến về Luật Tổ chức Chính phủ. Trước đây, ở luật này, trách nhiệm của Thủ tướng là 1 năm báo cáo trước Quốc hội 2 lần, nếu Quốc hội không họp thì báo cáo với Chủ tịch nước và Ủy ban thường vụ Quốc hội, khi vắng mặt thì ủy quyền.

Đại biểu Thuyền đã phát biểu: “Thủ tướng có 28 nhiệm vụ, quyền hạn rất lớn nhưng trách nhiệm nhẹ nhàng như vậy thì chưa phù hợp.

Trách nhiệm của Thủ tướng là phải hoàn thành cơ bản trách nhiệm Quốc hội giao, phải đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng và lãng phí, phải trả lời chất vấn với Quốc hội”.

Những ý kiến của đại biểu sau đã được tiếp thu và các vấn đề mà đại biểu nêu đã được chỉnh lý cho phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cũng kể, trong suốt thời gian vừa qua, ông đã nhận được vài trăm lá đơn từ các cử tri gửi tới. Đơn nào ông cũng đọc hết và chuyển đến các đơn vị chức năng giải quyết.

Ông nhớ khá rõ về một cử tri là người ở Bình Định nhưng công tác tại Lâm Đồng. Sau giải phóng, gia đình cử tri này cho mượn nhà, sau đó tỉnh lấy luôn rồi sau căn nhà vào hợp tác xã và bị bán đi mất.

Gia đình đã đòi nhiều năm và gửi đơn đi khắp nơi nhưng không được giải quyết. Họ gửi đơn đến ông với vai trò là ĐBQH như trông đợi một điều gì đó rất mong manh vì sự việc đã gần như đi vào bế tắc.

Đọc lá đơn này, ông Thuyền đã tới gặp Bí thư kiêm Chủ tịch tỉnh Bình Định lúc đó để đưa ra vấn đề ra. Cuộc gặp gỡ giữa đại biểu của dân với người đứng đầu tỉnh lo lắng công việc cho dân thúc đẩy sự việc nhanh chóng được giải quyết.

Cùng những niềm vui, niềm hạnh phúc mà ông đã làm được cho cử tri, ông cũng tâm sự, có những ý kiến cử tri được ông chuyển các ngành, các đơn vị nhưng ông chưa thực sự hài lòng với kết quả. Điều này vẫn đeo đẳng ông mỗi khi thực hiện nhiệm vụ.

Đại biểu này cũng bày tỏ, có một số phiên chất vấn, điều hành còn chưa đáp ứng được mong đợi của cử tri, ví dụ như một số Bộ trưởng không trả lời thẳng vào câu hỏi mà vòng vo.

Theo ông, vấn đề chất vấn cũng còn nhiều cử tri chưa hài lòng lắm, ví dụ như kỳ họp vừa rồi, phiên chất vấn Thủ tướng, vẫn còn tới 40 đại biểu chờ chất vấn, thời gian vẫn còn nhưng lại kết thúc bất ngờ.

Ở góc độ xây Luật, theo ông Thuyền, nhiều Luật, Bộ luật cần được tách các vấn đề cụ thể ra để thông qua bởi có những vấn đề nếu không được bóc tách riêng sẽ nảy sinh ra các rắc rối trong quá trình thực hiện.

Đại biểu Bá Thuyền cho rằng, việc thông qua luật còn có phần dễ dãi và điều này có thể dẫn tới việc thực hiện không sát với thực tế...

Buồn vì nhiều lãnh đạo dân gọi không nghe

Tâm sự thêm với chúng tôi, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cũng bày tỏ, từ những chia sẻ của cử tri, ông rất buồn vì có không ít lãnh đạo khi dân gọi thì không nghe điện thoại.

“Dân họ có nói khi xưa lãnh đạo lấy tiếp tế ở dân, lấy thông tin từ dân để đánh giặc, hòa bình lặp lại dân đóng thuế để nuôi cán bộ, trả tiền điện thoại, mua điện thoại nhưng khi dân gọi thì không nghe.

Dân người ta nhiều khi muốn phản ánh đến lãnh đạo cấp cao”, ông Thuyền nói.

Ông Thuyền cũng khẳng định, với trách nhiệm của đại biểu của mình, trong năm 2016, dù chỉ còn một kỳ họp Quốc hội nữa là kết thúc nhiệm kỳ, nhưng ông sẽ vẫn tiếp tục góp ý kiến của mình vào các vấn đề được cử tri, nhân dân quan tâm.

"Tôi năm nay cũng đã ngoài 60 tuổi và nhiều người cũng đề xuất, tôi tiếp tục tham gia nhưng có thể sau nhiệm kỳ khóa XIII này tôi sẽ nghỉ hưu, không tham gia Quốc hội khóa tới nữa mà dành cho người trẻ hơn ứng cử.

Tuy nhiên, với trách nhiệm của mình, dù có nghỉ hay tiếp tục được Đảng, nhân dân yêu cầu tham gia thì tôi sẽ vẫn tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến vào các vấn đề mà cử tri, nhân dân quan tâm.

Còn khi nghỉ hưu, với hiểu biết của mình tôi sẽ trở về làm luật sư để có thể giúp đỡ được cho những người dân nghèo, kém hiểu biết trong xã hội khi xảy ra vướng mắc hay gặp phải vấn đề liên quan đến pháp lý.

Làm sao để xây dựng xã hội ngày càng phát triển, người dân có được sự công bằng, hạnh phúc", ông Thuyền nhấn mạnh.

 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền, sinh năm 1955, quê quán: Lương Tài, Bắc Ninh.

Ông là cử nhân Luật, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XIII tỉnh Lâm Đồng, Ủy viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội.

Ông cũng là ĐBQH khóa XII và từng là Tỉnh ủy viên, Bí thư ban cán sự; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng.

 

Theo Hoàng Đan

Trí thức trẻ/Sohanews

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên