MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Để cán bộ không thể, không muốn, không dám làm sai

19-02-2015 - 20:10 PM | Xã hội

Để bước đột phá về cải cách thủ tục hành chính thuế không chỉ dừng lại ở ý chí, lý thuyết mà thực tế đi vào cuộc sống, doanh nghiệp được hưởng lợi thực sự thì còn nhiều việc phải tiếp tục triển khai thực hiện.

Hâm nóng niềm tin

Có thể khẳng định năm 2014 là năm đột phá trong cải cách thủ tục hành chính thuế của ngành Thuế.

Nghị quyết 19/NQ-CP yêu cầu phải giảm số giờ nộp thuế tại báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) từ 872 giờ/năm xuống còn 171 giờ/năm theo mức bình quân của các nước ASEAN 6. Theo đó, số giờ nộp thuế  từ 537 giờ phải cắt giảm 415,5 giờ để xuống còn 121,5 giờ.

Theo tính toán của Tổng cục Thuế, về mặt lý thuyết, Thông tư số 119/2014/TT-BTC giảm được khoảng 201,5 giờ; Nghị định 91/2014/NĐ-CP (Thông tư 151/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 91/2014/NĐ-CP) giảm được khoảng 88,3 giờ.

Như vậy, năm 2014, số giờ nộp thuế giảm được khoảng 290 giờ/năm và giảm 8 lần nộp tờ khai thuế GTGT, giảm 4 lần nộp tờ khai thuế TNDN tạm tính.

Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế và Luật Quản lý thuế, trong đó có nội dung bỏ quy định doanh nghiệp phải gửi Bảng kê hóa đơn hàng hóa dịch vụ thuế GTGT mua vào bán ra kèm theo tờ khai thuế; bỏ quy định khống chế một số khoản chi phí quảng cáo, tiếp thị, giao dịch, khuyến mại, lễ tân, khánh tiết... khi tính thuế TNDN sẽ giúp giảm được khoảng 80 giờ nữa.

Như vậy, đến 1/1/2015, kết quả của việc sửa đổi chính sách thuế, về lý thuyết sẽ giảm tổng số giờ về thuế được khoảng 370 giờ, còn 167 giờ so với 537 giờ trước cải cách thủ tục.

Để đạt được mục tiêu số giờ nộp thuế là 121,5 giờ, các điều chỉnh chính sách và thủ tục hành chính thuế trong 6 tháng đầu năm 2015 của cơ quan thuế cần đạt mục tiêu giảm tiếp 45,5 giờ nữa.

Những thông tin trên đã và đang nhận được sự hưởng ứng mạnh từ xã hội và các doanh nghiệp, niềm tin của doanh nghiệp vào sự quyết tâm cải cách, đổi mới,  đơn giản hóa thủ tục hành chính của lãnh đạo ngành Thuế, từ các cơ quan quản lý Nhà nước đã được hâm nóng dần lên.

Đây là những chính sách đúng đắn và là tín hiệu đáng mừng cho cộng đồng doanh nghiệp và cho xã hội nói chung.

Tuy nhiên, để  bước đột phá về cải cách thủ tục hành chính không chỉ dừng lại ở ý chí, lý thuyết mà phải thực tế đi vào cuộc sống, doanh nghiệp được hưởng lợi thực sự thì còn nhiều việc phải tiếp tục triển khai thực hiện.

Để cán bộ thuế “ba không”

Khi quy định về thể chế thay đổi thì các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý hành thu: Quy trình hoàn, miễn giảm thuế, quy trình thanh tra, kiểm tra, xây dựng, công khai doanh thu hộ khoán... của cơ quan thuế, cũng phải được thay đổi đồng bộ để bảo đảm tính thực thi và có thể kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm minh các tổ chức cá nhân phi phạm; nhằm đảm bảo vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tổ chức thu nộp, quản lý thuế đúng chính sách, chế độ.

Trong thực tế, cũng như Nghị quyết của Đảng đã khẳng định: Con người là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của mọi cuộc cách mạng và cải cách cách thủ tục hành chính cũng là một cuộc cách mạng lớn lao, nên đương nhiên yếu tố con người vẫn là nhân tố quyết định để đưa công cuộc cải cách từ lý thuyết vào thực tế cuộc sống.

Như  một nhà tư tưởng nổi tiếng đã từng khẳng định: “tất cả những gì thuộc về con người không có gì xa lạ đối với chúng ta”, cán bộ thuế... cũng là con người, cũng đều có mặt tốt, mặt chưa hoàn thiện như những người khác. Vậy để phát huy được mặt mạnh, mặt tích cực, trí tuệ, đam mê trong mỗi cán bộ thuế, hạn chế mặt tiêu cực thì công tác tuyên  truyền, giáo duc, như với Tuyên ngôn của ngành Thuế:  MINH BẠCH - CHUYÊN NGHIỆP - LIÊM CHÍNH - ĐỔI MỚI là rất cần thiết, cần được đánh giá cao nhưng chưa đủ mà phải có các quy trình nghiệp vụ, quản lý thật chi tiết để: Cán bộ thuế không thể làm sai, không muốn và không dám làm sai.

Bên cạnh các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý thu, một số quan điểm,  quy định về công tác thanh tra, kiểm tra cũng cần phải đổi mới: Công tác thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp hiện còn chồng chéo. Ngoài Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Tài chính, Thanh tra Thuế còn có Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra địa phương, Công an kinh tế... đều có quyền thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.

Thời gian, nội dung lại độc lập với nhau, mỗi cơ quan thanh tra đều trực tiếp làm việc theo mục đích của mình, không sử dụng kết quả của cơ quan chuyên ngành, gây khó khăn phiền hà cho doanh nghiệp. Thường Thanh tra Thuế tại doanh nghiệp, buộc phải “ bóc tách” để tăng thu ngân sách nhà nước qua kết quả thanh tra, gây ra tình trạng một số doanh nghiệp chấp hành chính sách chế độ pháp luật thuế tốt, đã phải cố tình hạch toán sai một số nội dung để “có đất” cho đoàn kiểm tra tăng thu dẫn đến hạn chế tác dụng của thanh kiểm tra.

Tránh “tôn sùng hóa” hóa đơn, chứng từ

Về chế độ hóa đơn chứng từ vẫn còn nhiều nội dung phải tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện với tình hình thực tế: Không chỉ căn cứ vào hóa đơn, chứng từ để tính thuế mà cần căn cứ vào nghiệp vụ kinh tế thực tế phát sinh và luồng tiền thực tế,  tránh “tôn sùng hóa” hóa đơn, chứng từ như hiện nay. Hoặc  quy định về quản lý hóa đơn còn rất bất cập, cơ quan thuế xác định số lượng hóa đơn do doanh nghiệp sử dụng để quy định cho phép thông báo phát hành hóa đơn chỉ giới hạn trong 3 hoặc 6 tháng...

Bên cạnh xây dựng, ban hành quy trình nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra nội bộ ngành, để đảm bảo các quy định của chính sách được thực thi trong thực tế, cần tăng cường các cơ chế giám sát, tăng cường sự tham gia của tổ chức xã hội và các đối tượng bị điều chỉnh trong việc xây dựng văn bản và giám sát thực thi.  Nghiên cứu xây dựng cơ chế đánh giá của các tổ chức xã hội dân sự, của người nộp thuế về chính sách và các thủ tục hành chính thuế, đánh giá về chất lượng quản lý của cơ quan thuế và cán bộ thuế.

Tăng cường sự tham gia của các tổ chức trung gian trong quá trình tuân thủ pháp luật, giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa người nộp thuế và cơ quan thuế như: Văn phòng luật sư, tổ chức tư vấn, đại lý thuế, nhằm hỗ trợ đối tượng nộp thuế, đảm bảo thi hành pháp luật được chính xác, thuận tiện, hạn chế vi phạm, giảm thiểu thủ tục hành chính thuế, tiết kiệm chi phí xã hội và chi phí cho người nộp thuế. Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động của các tổ chức hành nghề đại lý thuế.

Nhằm công tác cải cách thủ tục hành chính có hiệu quả, ngày 4/2/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-CP (Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2015), giao trách nhiệm cho Bộ Tài chính: Thực hiện cải cách thủ tục hành chính về thuế và áp dụng cơ chế quản lý rủi ro, bảo đảm công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với đối tượng có rủi ro cao về thuế, không gây phiền hà cho đối tượng nộp thuế chấp hành tốt chính sách pháp luật về thuế; giải quyết nhanh và đúng chế độ đối với các hồ sơ hoàn thuế, đồng thời công khai quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế và các hồ sơ khiếu nại, kiến nghị về thuế....

Kế tục thành tựu to lớn đã đạt được trong năm 2014, triển khai Nghị quyết số 04/NQ-CP nêu trên, với nỗ lực, quyết tâm cao của lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, hy vọng và tin tưởng rằng công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ sớm đi vào cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng, trông chờ của cộng đồng doanh nghiệp; bảng xếp hạng về đánh giá môi trường cạnh tranh của Việt Nam từng bước được nâng cao

>>>Quy định mới về thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân

Theo Nguyễn Thị Cúc

Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam

PV

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên