MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề nghị làm rõ việc Công an Hà Nội thu thập thông tin cá nhân

18-10-2013 - 09:46 AM | Xã hội

“Bộ Tư pháp đã có văn bản đề nghị Bộ Công an xem xét tính hợp pháp của việc Công an Hà Nội thu thập thông tin cá nhân của người dân”.

Đó là khẳng định của ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp - tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp sáng 17.10.

Không biết Công an Hà Nội thu thập thông tin để làm gì?


Tại cuộc họp báo, nhiều phóng viên phản ánh sự bức xúc của người dân khi tổ dân phố, cảnh sát khu vực của một số địa bàn Hà Nội đến từng hộ dân yêu cầu từng cá nhân phải khai thông tin vào 4 trang giấy với 32 mục bao gồm tất cả các thông tin cá nhân như email, điện thoại di động, cơ quan công tác, quá trình công tác, chức vụ công tác, quan hệ cá nhân... từ khi đủ 14 tuổi đến nay và đề nghị Bộ Tư pháp cho biết quan điểm như thế nào?

Ông Trần Tiến Dũng - Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Tư pháp cho biết, cơ quan này đã nhận được phản ánh của người dân và đã giao cho Cục Kiểm soát thủ tục hành chính xem xét vụ việc. Để làm rõ thêm vấn đề, ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - cũng khẳng định, cơ quan này đã có văn bản gửi Bộ CA đề nghị xem xét tính hợp pháp và mục đích của việc thu thập dữ liệu dân cư của CA Hà Nội, nhưng đến nay Bộ CA vẫn chưa trả lời.

“Nếu thu thập thông tin để nhằm bổ sung vào cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia thì phải tuân thủ theo Nghị định 90CP chứ không thể làm khác được. Đến nay Nghị định 90 của Chính phủ về cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia vẫn có hiệu lực pháp lý và là cơ sở để triển khai thực hiện thu thập thông tin dân cư. Chúng tôi cũng chưa hiểu CA Hà Nội làm việc đó để làm gì nên cũng chưa khẳng định việc làm đó là đúng hay sai, chúng tôi chờ ý kiến của Bộ CA trước rồi mới có ý kiến chính thức của mình” - ông Phan khẳng định.

1.200 tỉ của Vinashin chưa thể thi hành án

Đối với vấn đề thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp cho biết trong năm 2013, tổng số việc phải giải quyết là 732.179 việc với tổng số tiền phải giải quyết là trên 70.562 tỉ đồng, tăng trên 27.342 tỉ đồng nhưng chỉ có trên 39.584 tỉ đồng có điều kiện giải quyết và chỉ có 28.965 tỉ đồng đã giải quyết xong.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc bản án Cố ý làm trái, tham ô xảy ra tại Vinashin đã có hiệu lực thi hành vậy việc thi hành quyết định của tòa án về phần dân sự như thế nào? ông Nguyễn Thanh Thủy - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự - cho biết: “Vụ Vinashin có hai khoản các bị án phải thi hành theo bản án, khoản thứ nhất là án phí và hình phạt với số tiền trên 2 tỉ.
Cơ quan thi hành án dân sự đã buộc những đối tượng phải chấp hành bản án thực hiện được 230 triệu đồng. Còn khoản hơn 1.200 tỉ đồng bồi thường thiệt hại cho Nhà nước theo nguyên tắc thì người bị thiệt hại phải có đơn yêu cầu thi hành án nhưng sau khi án có hiệu lực, không đơn vị nào có đơn”.

“Tất cả các đơn vị bị thiệt hại đều là DN Nhà nước, trực thuộc Bộ GTVT, vì thế, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ GTVT, báo cáo Thủ tướng và đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị liên quan có đơn yêu cầu bồi thường, nhưng đến nay mới có 2 đơn vị yêu cầu bồi thường với số tiền 31 tỉ đồng. Còn 4 đơn vị chưa có đơn bồi thường, luật pháp cho phép họ thời hạn 5 năm để có đơn yêu cầu nên chúng tôi chưa thể thi hành được” - ông Nguyễn Thanh Thủy phân trần.

Tại cuộc họp báo, bà Tố Hằng - Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước - cho biết, trong năm 2013 có 82 đơn yêu cầu bồi thường nhà nước và đã giải quyết xong 37 vụ với số tiền Nhà nước phải bồi thường là 15,6 tỉ đồng. Cũng trong cuộc họp báo, Bộ Tư pháp khẳng định dự thảo Chương 9, Hiến pháp sửa đổi do Bộ Tư pháp trình Chính phủ để Chính phủ trình ra Quốc hội kỳ họp tới có nội dung tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Theo Chí Tùng

cucpth

Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên