MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều “cốt tử” trong tinh giản biên chế

14-02-2014 - 09:07 AM | Xã hội

Hai điều “cốt tử” trong tinh giản biên chế là phải đúng đối tượng và đúng thực chất - đúng ý nghĩa của đổi mới công tác cán bộ..

Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ, hai điều “cốt tử” trong tinh giản biên chế đợt này là phải đúng đối tượng và phải đảm bảo được đúng thực chất, đúng ý nghĩa của đổi mới công tác đánh giá cán bộ.    

Xin ông cho biết những thông tin cơ bản về dự thảo nghị định tinh giản biên chế Bộ Nội vụ đang đưa ra lấy ý kiến của các bộ ngành, địa phương?


Nhằm cụ thể hóa quan điểm, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, Bộ Nội vụ đã xây dựng Dự thảo Nghị định về việc tinh giản biên chế với các nội dung như đối tượng tinh giản, số lượng tinh giản, thời gian, cơ quan tổ chức thực hiện, giám sát... Dự thảo nghị định được xây dựng trên cơ sở những quan điểm của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước và khảo sát, đánh giá thực tiễn.

Hiện Dự thảo đang trong giai đoạn nhận những ý kiến đóng góp để tiếp tục hoàn thiện rồi trình Chính phủ. Việc dư luận đặc biệt quan tâm đóng góp những ý kiến tâm huyết cho Dự thảo Nghị định sẽ góp phần quan trọng vào nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nghị định. Bộ Nội vụ sẽ nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp đúng đắn, hoàn thiện nghị định trước khi trình các cấp có thẩm quyền.

Cơ sở nào để Bộ Nội vụ đưa ra con số tinh giản là 100.000 biên chế? Theo ông, ban hành Nghị định sẽ tạo được sức bật đáng kể trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước?

Tôi nghĩ không nên hiểu một cách máy móc phải tinh giản một con số cụ thể bao nhiêu. Đừng nặng nề về số lượng tinh giản 100.000 biên chế hay một con số nào khác, quan trọng là tinh giản đúng đối tượng, đúng chế độ chính sách, thực sự khách quan. Qua đó, tạo cơ sở để xây dựng một đội ngũ cán bộ công chức trong sạch, vững mạnh, tinh thông nghiệp vụ đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ, phục vụ dân ngày một tốt hơn.

Để tinh giản đúng đối tượng cần thực hiện tốt được vấn đề mấu chốt đó là xác định vị trí việc làm. Chỉ khi nào xác định được vị trí việc làm, đánh giá được một cách thỏa đáng việc thực hiện nhiệm vụ của công chức thì khi đó chúng ta mới có cơ sở để tính tới việc tinh giản biên chế đúng người, đúng việc.

Chúng tôi kỳ vọng khi nghị định được ban hành, việc tinh giản biên chế sẽ có khung pháp luật, cơ sở pháp lý hoàn thiện hơn, trên cơ sở đúc kết những vấn đề lý luận thực tiễn để đưa ra những giải pháp có hiệu lực, nhằm tinh giản biên chế theo đúng yêu cầu đặt ra.

Nhưng vẫn có nhiều ý kiến hoài nghi về tính công bằng, khách quan, hiệu quả của việc tinh giản lần này, như ý kiến của nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc, người phương Đông thường “duy tình hơn duy lý”...

Với tư cách là người phát ngôn của Bộ Nội vụ, tôi chia sẻ những ý kiến bày tỏ sự quan tâm tới quá trình thực hiện những quy định này khi được ban hành. Việc thực hiện tinh giản biên chế đương nhiên là khó khăn. 

Vì vậy, chúng tôi đã tổng hợp những khó khăn của công việc này để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xây dựng Nghị định. Hiện, Nghị định đang trong quá trình lấy ý kiến, chúng tôi rất mong nhận được những ý kiến mang tính giải pháp giúp cơ quan soạn thảo đưa ra những giải pháp thỏa đáng để có thể triển khai tổ chức thực hiện tốt sau khi Nghị định được Chính phủ thông qua.

Nghị định mới chỉ bàn tới việc giảm biên chế mà không hề bàn tới siết đầu vào của công chức, như vậy, liệu có mang lại được kết quả khả thi không, thưa ông?

Nghị định này là một văn bản tiếp nối Nghị định 132 trước đây để điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong quá trình tinh giản biên chế. Do vậy có đối tượng, phạm vi điều chỉnh riêng của nó. Những vấn đề khác có liên quan đến đầu vào của công chức nằm trong một giải pháp tổng thể cho việc tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức chứ nó không nằm ở khâu tinh giản.

Những vấn đề tuyển dụng, sử dụng cán bộ không được nhắc tới trong nghị định không có nghĩa vấn đề này không được lưu tâm mà sẽ được điều chỉnh ở những nghị định, đề án khác. Hay nói một cách khác, giải quyết những vấn đề liên quan đến cán bộ, công chức không chỉ giải quyết bằng một nghị định mà bằng hệ thống tổng thể các văn bản quy pháp pháp luật về vấn đề này.

Thưa ông, cơ quan nào sẽ giám sát việc tinh giản biên chế để đảm bảo công việc này được thực hiện một cách tốt nhất, hiệu quả nhất? Theo kế hoạch, thời điểm thông qua Nghị định này là khi nào?

Theo quy định thì mỗi một nghị định khi được ban hành, đều có quy định rõ cơ quan nào có trách nhiệm tổ chức thi hành, cơ quan nào có trách nhiệm giám sát những quy định đó. Với nghị định này cũng vậy. 

Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, để một nghị định quan trọng như nghị định này, một nghị định điều chỉnh những vấn đề liên quan đến công chức đi vào cuộc sống, cần sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Theo đó, cần có sự giám sát của các cơ quan có trách nhiệm và của cả người dân để việc thực hiện nghiêm túc, khách quan.

Hiện Nghị định đang trong quá trình lấy ý kiến nhân dân (trong vòng 60 ngày) sau đó Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp lại trình các cấp có thẩm quyền.

Theo Đoàn Trần

cucpth

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên