MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Đổi mới nhân sự sau Đại hội Đảng là tích cực”

03-03-2016 - 16:34 PM | Xã hội

“Tôi nhìn sau Đại hội Đảng lần thứ 12, xu hướng đổi mới nhân sự trẻ hoá có kinh nghiệm, trình độ, năng lực, trẻ hoá từ Trung ương đến địa phương là tích cực”

TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM bình luận với chúng tôi bên lề hội thảo về kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2016 với chủ đề “Tăng trưởng kinh tế và triển vọng đầu tư trong bối cảnh mới”, diễn ra tại Tp.HCM sáng 3/3.

“Không nên quá lo mà siết”

Lạm phát tháng 2/2016 cao nhất trong 2 năm, điều này có là tín hiệu đáng lo ngại cho diễn biến cả năm không thưa ông?

Nếu phân tích cơ cấu CPI sẽ thấy những lĩnh vực tăng cao trong tháng 2 vừa qua không quá lo ngại, dĩ nhiên năm nay CPI sẽ chịu một số tác động như giá dịch vụ y tế tăng, có thể học phí tăng, những dịch vụ này có thể làm CPI tăng cao hơn.

Tuy nhiên, nếu chúng ta tính lạm phát cơ bản - loại trừ các yếu tố nhiên liệu, năng lượng, các loại thực phẩm tươi sống, giá dịch vụ (y tế, giáo dục) do Nhà nước quản lý, thì năm nay không có cơ sở để lạm phát cao.

Năm 2015 lạm phát cơ bản khoảng 1,7% trong khi CPI là 0,6%. Năm nay, theo tôi diễn biến sẽ ngược lại, tức là lạm phát cơ bản có thể thấp nhưng CPI sẽ cao.

Ngân hàng Nhà nước đang dựa vào lạm phát cơ bản để điều hành chính sách tiền tệ. Tôi cho rằng không có dấu hiệu lo ngại, và cũng đừng vì thấy lạm phát cao một chút trong năm nay, rồi siết chặt đầu tư công hay tín dụng.

Năm 2016 những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, theo tôi, sẽ đạt được, như tăng trưởng GDP 6,7%, CPI dưới 5%...

Tuy vậy, có hai vấn đề cần đặt ra. Thứ nhất là làm sao đừng để lãi suất cho vay tăng trở lại khi lãi suất huy động “rục rịch” tăng, đây là vấn đề lớn.

Thứ hai, điều hành tỷ giá dần theo hướng thị trường và phải chủ động vì biến động thị trường tiền tệ thế giới và các chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), sự phá giá của một số đồng tiền… sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam đồng.

Tôi nghĩ sẽ là thách thức trong chính sách tiền tệ sắp tới, nhưng cũng không nên quá lo lắng mà phải lo siết tín dụng, đầu tư công…

“3 đồng tín dụng, 1 đồng tăng trưởng”

Năm ngoái tín dụng tăng trưởng khá cao, năm nay mục tiêu đặt ra cũng cao, vậy việc tín dụng tăng cao liệu có là mối lo đến tác động làm lạm phát cao?

Chúng ta đều nhớ rằng Việt Nam có mô hình tăng trưởng dựa trên vốn, chưa phải năng suất. Trước đây, để kinh tế tăng trưởng 7-8% thì tín dụng phải tăng rất cao. Chúng ta cũng chưa có đột biến nào về phương diện thay đổi hệ số đầu tư ICOR.

Thứ hai, doanh nghiệp và thậm chí Chính phủ đều dựa trên tín dụng ngân hàng thương mại, một thị trường vốn trung dài hạn chưa có kênh huy động hiệu quả mà phải thông qua ngân hàng thương mại.

Việc tín dụng 18-20% là không quá lớn để đảm bảo tốc độ tăng trưởng GDP 7%. Theo tôi, cứ 3 đồng tín dụng để có 1 đồng tăng trưởng là tốt.

Vấn đề xem tăng trưởng tín dụng đi đâu, bởi vì hiện hệ thống ngân hàng thương mại chưa giám sát hiệu quả được dòng tín dụng ra sẽ đi đâu. Vấn đề nếu tăng tín dụng để bơm vào bong bóng bất động sản là nguy hiểm, còn nếu đi vào sản xuất, đầu tư công nghệ, mở rộng đầu tư thì không lo.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đã có dự thảo sửa đổi thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN, trong đó giảm việc sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn và tăng hệ số rủi ro với cho vay lĩnh vực bất động sản. Ông đánh giá thế nào về hướng sửa đổi này?

Hiện nay dù sao chúng ta đang điều hành theo hướng chung, quy định ngân hàng nào cũng như vậy là không được. Theo tôi, tiến tới cần thực hiện theo hướng ngân hàng nào khỏe thì được thế này, ngân hàng yếu hơn thì khác. Đây là vấn đề cần đặt ra.

Nếu như duy trì tỉ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung hạn cao là nguy hiểm. Không thể tránh khỏi trường hợp người ta bằng cách nào đó chuyển từ nợ ngắn hạn sang trung hạn, rồi khi đáo hạn thay đổi cơ cấu nợ để bảng kế toán đẹp, nhưng nợ vẫn là nợ.

Ngân hàng Nhà nước nhìn thấy vấn đề trên thị trường bất động sản. Có một số doanh nghiệp bất động sản lo lắng về thông tin này, nhưng theo tôi cần nghiên cứu kỹ và đừng bao giờ để “tái” lại thời kỳ bong bóng bất động sản nữa, vì hệ quả bong bóng giai đoạn năm 2007-2008 quá nặng nề.

Nhưng cũng cần nhìn nhận, doanh nghiệp bất động sản không giống nhau, ngân hàng cho vay cũng không giống nhau về mức độ tín nhiệm, khả năng kinh doanh nên không nên cứ “đan một cái lưới cho mọi loại cá”.

Nếu chúng ta cứ minh bạch, như các công cụ của các nước, không phải ngân hàng thương mại nào dự trữ bắt buộc cũng giống nhau, tiến tới thực thi không phải ngân hàng nào cũng mua phí bảo hiểm tiền gửi giống nhau, cần dần dần đi như vậy sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh. Không thể đan một cái lưới cho mọi loại cá.

“Bỏ việc nói trước, tạo kỳ vọng”

Năm nay, Ngân hàng Nhà nước không đưa ra cam kết biến động về tỷ giá, ông đánh giá thế nào về chính sách này?

Đây là hướng đi đúng tiến tới theo thị trường. Chúng ta bỏ việc nói trước, tạo kỳ vọng và để người khác chờ điều chỉnh. Thị trường giờ có thể tự đánh giá.

Trong kinh doanh có hai rủi ro hoạ vô đơn chí là sự biến động đột biến giá cả và tỷ giá, nên nhà kinh doanh nào cũng có sự phân tích, dự báo, chứ không có nền kinh tế thị trường dễ dãi kiểu chắc chắn Nhà nước cam kết năm nay tăng/giảm 1%, năm sau là 2%.

Điều đó sẽ không còn là thị trường, và chắc chắn làm kinh doanh thì phải phân tích những biến động có thể xảy ra.

Bước đi như vậy là đúng và tôi ủng hộ hoàn toàn.

Nhiều chuyên gia lo ngại kinh tế Trung Quốc sẽ “hạ cánh cứng”, quan điểm của ông như thế nào? Nếu điều này nếu xảy ra thì Việt Nam nên chuẩn bị phương án gì?

Dự báo về những bất ổn của kinh tế thế giới và khu vực thì khá nhiều, trong đó có kinh tế Trung Quốc. Đây là một thông số phải theo dõi. Quan hệ kinh tế Trung Quốc với Việt Nam, về ngoại thương là rất lớn, tuy nhiên cần phân tích quan hệ thương mại hai nước tác động cỡ nào, nhất là xuất khẩu.

Tôi cho rằng xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc có biến động giảm cũng không phải tỷ trọng quá lớn để tác động đến GDP của Việt Nam. Còn vấn đề phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu thì phải nhìn nhận rằng, dù kinh tế Trung Quốc thế nào họ cũng không cắt nguồn nguyên liệu xuất khẩu sang Việt Nam.

Nên chúng ta phải tính toán, định lượng không thể nói chung chung “hạ cánh cứng” hay “hạ cánh mềm”.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam là quan hệ giữa nền kinh tế lớn và nền kinh tế nhỏ hơn, do đó không thể nói không có tác động nếu xảy ra biến động, nhưng nói mức độ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam là quá nặng nề, thì tôi cho rằng không phải.

Điều đấy có thể nhìn vào “rổ” ngoại thương, tín dụng, đầu tư của Việt Nam so với các thị trường.

“Hãy để thị trường làm”

Sắp tới Chính phủ sẽ bước vào một nhiệm kỳ mới, với kỳ vọng giai đoạn 2016-2020 đưa nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Ông kỳ vọng gì về nhiệm kỳ mới?

Tôi nhìn sau Đại hội Đảng lần thứ 12, xu hướng đổi mới nhân sự trẻ hoá có kinh nghiệm, trình độ, năng lực, trẻ hoá từ Trung ương đến địa phương là tích cực.

Còn về điều hành, dần dần Chính phủ nên ban hành chính sách là chính, còn thì hãy để thị trường làm. Chính phủ chủ yếu điều hành chính sách và mọi ý đồ mục tiêu thể hiện qua chính sách. Nếu thay đổi thì cả Chính phủ và các bộ không quá phải cực khổ mà thị trường thì có dư địa vận hành.

Gốc vấn đề là như vậy.

Theo Duy Cường

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên