MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đóng cửa bãi rác Phước Hiệp: Nguy cơ bị nhà đầu tư Hàn Quốc kiện

04-02-2015 - 10:10 AM | Xã hội

Không chỉ vậy, rất có thể ngân sách của TP.HCM sẽ phải bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để bồi thường trong vụ đóng cửa bãi rác Phước Hiệp này.

Ông Huỳnh Minh Nhựt - giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị (Công ty Môi trường đô thị) - cho biết như vậy tại cuộc họp ngày 3-2 với Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà.

Ông Nhựt cho hay bãi chôn lấp số 3 tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp (bãi rác Phước Hiệp, huyện Củ Chi) là dự án hợp tác giữa Công ty Môi trường đô thị và nhà đầu tư KBEC (Hàn Quốc), được UBND TP phê duyệt, thời gian hoạt động trong chín năm và 19 năm vận hành bảo dưỡng, công suất tiếp nhận 2.000 tấn/ngày.

Hiện cả hai bên đã đầu tư hơn 800 tỉ đồng (một nửa vốn của Công ty Môi trường đô thị) và tiếp nhận rác từ tháng 10-2013.

Chỉ một năm bãi chôn lấp số 3 tiếp nhận rác, UBND TP.HCM có chủ trương giảm dần cho đến ngưng chôn lấp tại đây để chuyển rác sang Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (huyện Bình Chánh, do Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn VN - VWS - đầu tư).

“Nếu theo đúng tiến độ tới ngày 1-3 việc vận chuyển toàn bộ rác về Đa Phước thì coi như Công ty Môi trường đô thị và nhà đầu tư Hàn Quốc mất khoản tiền đã đầu tư, hơn 300 công nhân bị mất việc và nguy cơ nhà thầu Hàn Quốc sẽ khởi kiện vì vi phạm hợp đồng” - ông Nhựt nói.

Phó chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà vặn hỏi: “Vậy trách nhiệm này thuộc về ai? Tiền của Công ty Môi trường đô thị là tiền của TP, suy cho cùng cũng là tiền của dân, nghe sao xót ruột quá”.

Phó chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà yêu cầu Công ty Môi trường đô thị phải báo cáo lại bằng văn bản liên quan đến tất cả nội dung như tình hình đầu tư, vận hành... và những khả năng xảy ra nếu bãi rác Phước Hiệp phải đóng cửa để TP xem xét lại thấu đáo.

“Chủ trương làm sao không để xảy ra lãng phí, hàng trăm lao động không phải mất việc làm” - ông Hà nhấn mạnh.

Trước đó, VWS đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng xin điều chỉnh giấy phép đầu tư, trong đó đề nghị được nâng công suất xử lý rác lên 10.000 tấn/ngày (công suất hiện tại 3.000 tấn/ngày).

Tuy nhiên trong văn bản phản hồi, UBND TP yêu cầu VWS không được chôn lấp rác vượt quá công suất cho phép (3.000 tấn/ngày).

Cũng theo nội dung văn bản của UBND TP, nếu VWS được tiếp nhận thêm 2.000 tấn/ngày từ bãi rác Phước Hiệp thì khối lượng rác do đơn vị này xử lý lên đến 5.000 tấn/ngày, chiếm khoảng 75% lượng rác của TP.

Ðây là dấu hiệu vi phạm Luật cạnh tranh.

>>>Hơn 80 tỷ đồng xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại Thái Nguyên

Theo Nhóm PV

PV

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên