MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đua xây trụ sở hành chính nghìn tỉ: Ngân sách khó, nợ công cao, nên dừng!

14-11-2015 - 11:20 AM | Xã hội

Trong lúc ngân sách đang khó khăn, hàng loạt địa phương lại trình lên Trung ương xây trụ sở hành chính lên tới hàng nghìn tỉ đồng.

 Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Trần Đức Thắng cho biết: Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để trình Chính phủ kiến nghị Quốc hội (QH) đưa vào Luật Quản lý công sản để hạn chế các trụ sở công hoành tráng.

Còn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thẳng thắn: Nên tăng cường năng suất lao động, trách nhiệm làm việc của công chức các cơ quan công quyền, chứ không phải là xây trụ sở to đẹp.

Bán đất vàng, vẫn không... đủ tiền

Trước những quan ngại về việc tiền lấy ở đâu để xây trung tâm hành chính hàng nghìn tỉ, theo Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ - Trưởng đoàn ĐBQH Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân: “Việc xây Trung tâm hành chính (TTHC) Khánh Hòa đã được ghi trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV, đến nay được 7 năm. Quan điểm của Tỉnh ủy là xây dựng đô thị hành chính trong một vùng đô thị dân cư, tránh trường hợp hành chính một nơi, dân cư một ngả.

Vùng định xây TTHC lâu nay không phát triển được kinh tế. Khi tỉnh làm tuyến đường từ Nha Trang lên Lâm Đồng, có hơn 10km đi qua khu vực làm TTHC sẽ tạo ra quỹ đất hai bên đường. Tỉnh sẽ kêu gọi các nhà đầu tư vào theo hình thức BT (xây dựng, chuyển giao), doanh nghiệp xây dựng hạ tầng cơ sở, tỉnh sẽ giao đất hai bên tuyến đường cho doanh nghiệp. Khánh Hòa chọn thời điểm thực hiện đúng lúc Chính phủ cho phép thực hiện giai đoạn 3 tuyến đường Cao Bá Quát - Cầu Lùn chạy thẳng lên Lâm Đồng, tạo ra quỹ đất hai bên tuyến đường và dùng chính quỹ đất ấy để kêu gọi nhà đầu tư vào BT.

Với TTHC nghìn tỉ mà TP.Hải Phòng dự định đầu tư, ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng - cho biết, 7.000 tỉ đồng Hải Phòng dự kiến xin từ ngân sách Trung ương là để xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ và kè đê sông Cấm. Đây là 2 công trình nằm trong hạng mục Trung ương đầu tư xây dựng, thành phố chỉ làm thay.

Số tiền còn lại 3.000 tỉ đồng, Hải Phòng huy động bằng nhiều nguồn lực, trong đó sử dụng nguồn tiền bán đất dự án; tổ chức bán đấu giá các khu đất vàng vốn là trụ sở các sở, ban ngành cũ nằm trong danh sách di chuyển... Ông Nam nói việc xin 7.000 tỉ đồng từ T.Ư là hợp lý vì Hải Phòng thu ngân sách lớn, mỗi năm trên 50.000 tỉ đồng và đều nộp hết về Trung ương nên Hải Phòng xứng đáng được đầu tư để đáp ứng tốc độ phát triển kinh tế của địa phương.

Sẽ đưa thẳng vào luật

Theo số liệu khảo sát của Hội Kiến trúc sư VN, hiện có khoảng 15 TTHC tập trung đã đưa vào sử dụng, đang triển khai. Các dự án đều có mức dự toán trên 1.000 tỉ đồng, cao hơn nữa là trên 5.000 tỉ đồng. Không dừng ở đó, sắp tới hàng loạt các địa phương khác cũng đang lên kế hoạch xây trụ sở mới.

Dự kiến tổng vốn đầu tư mỗi công trình cũng lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Ngoài Hải Phòng và Khánh Hoà, trong “cuộc đua” xây TTHC còn có Bình Thuận, Bình Định, Nghệ An và Hà Tĩnh. Hiện nay, quy hoạch chi tiết 1/500 khu hành chính tập trung của tỉnh Bình Thuận (rộng hơn 80.000m2 tại P.Phú Thủy, TP.Phan Thiết) đã được tỉnh này phê duyệt. Đối với dự án TTHC tỉnh Hà Tĩnh, dự kiến mức đầu tư khoảng 1.500 tỉ đồng.

Trước thông tin về hàng loạt địa phương đang lên kế hoạch xây trụ sở hành chính nghìn tỉ, ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) - cho biết: Hiện nay cũng chưa có quy định cụ thể, rõ ràng ràng buộc các sở, ngành về xây trụ sở công, nên các địa phương tự làm, trình trực tiếp Thủ tướng.

Tuy nhiên, trong tình hình ngân sách khó khăn như hiện nay, để hạn chế các địa phương xây dựng trụ sở hàng nghìn tỉ, theo ông Thắng, tới đây, Cục Quản lý tài sản công cũng đang nghiên cứu quy định về xây dựng trụ sở công. “Sắp tới phải đưa việc xây dựng trụ sở hành chính vào thẳng Luật Quản lý công sản. Dự kiến tháng 10.2016 sẽ trình ra Quốc hội theo hướng siết lại” - ông nói.

“Nên dừng”

Trong lúc chưa có quy định cụ thể về việc xây dựng trụ sở, TTHC tập trung tại các địa phương thì ĐBQH Cao Sỹ Kiêm thẳng thắn cho rằng: Trong lúc này nợ công đang đe dọa, bội chi ngân sách tăng lên quá xa thì tinh thần là thắt lưng buộc bụng và phải chuẩn bị trước. “Theo tôi, nên dừng xây dựng các trụ sở hành chính. Bây giờ xây dựng thế này thì làm cho nền kinh tế yếu đi” - ông Kiêm nói.

Theo ông Kiêm, việc cần làm ngay lúc này không phải xây trụ sở hoành tráng mà cần xây dựng năng suất làm việc, thái độ phục vụ của bộ máy công quyền. “Bây giờ chất lượng phục vụ của bộ máy công quyền là yếu, kể cả ý thức trách nhiệm và kể cả đạo đức nên rất trì trệ. Sắp tới hội nhập, nên tập trung vào thay đổi cách phục vụ của các cơ quan công quyền chứ không phải trụ sở. Vì trụ sở chỉ là hình thức thôi, không tạo giá trị gia tăng bằng nâng cao năng suất, ý thức trách nhiệm công việc”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm cho rằng, xây các trụ sở hành chính lên tới hàng nghìn tỉ là lãng phí. Ông Liêm cho hay, các địa phương đều thiếu hạ tầng cả về kinh tế lẫn xã hội; bệnh viện thì quá tải, đường sá ách tắc. “Các tỉnh không bỏ tiền đầu tư đường sá, bệnh viện mà cứ thích đi xây trụ sở to, đẹp, nguy nga là có lỗi với dân” - ông Liêm nói.

PV

Theo Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên