MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dừng thủy điện Đồng Nai 6,6A: Vẫn phải làm rõ trách nhiệm!

30-10-2013 - 11:28 AM | Xã hội

Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đã nhận được sự quan tâm của nhiều vị ĐBQH và dư luận xã hội.Hai dự án này đã được loại khỏi quy hoạch mặc dù trước đó đã nhiều lần đưa vào quy hoạch .

 Vì thế, cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc để hạn chế thất thoát và lãng phí cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đã khẳng định điều này trong Báo cáo thẩm tra quy hoạch tổng thể về thủy điện do Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng báo cáo trước Quốc hội sáng 30/10.

Phải làm rõ trách nhiệm

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, kết quả rà soát tính đến tháng 9/2013 cơ bản là đầy đủ các địa phương có dự án thủy điện, đảm bảo các yêu cầu đề ra của Quốc hội.

Theo đó, loại khỏi quy hoạch 6 DATĐ bậc thang (395 MW) và 418 DATĐ nhỏ (1.174,49 MW) do tác động tiêu cực lớn đối với môi trường, hiệu quả thấp, ảnh hưởng quy hoạch/dự án ưu tiên khác. Đồng thời, không xem xét quy hoạch 172 vị trí tiềm năng thủy điện (375,65 MW).

Về dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, ông Hoàng cho biết: sau khi có báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về hai dự án này.

“Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã loại hai dự án này khỏi qui hoạch”, ông Hoàng khẳng định.

2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trươcs đó kiến nghị xây dựng trong Vườn Quốc gia Cát Tiên
2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trước đó kiến nghị xây dựng trong Vườn Quốc gia Cát Tiên

Dù có đóng góp cho ngân sách, nhưng Chính phủ cũng nhìn nhận việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện đã gây ảnh hưởng khá lớn đến dân cư trong khu vực dự án; chiếm dụng khá nhiều đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng; phần nào làm thu hẹp không gian sống của người dân bản địa; tác động tiêu cực nhất định đến môi trường - xã hội…

Đánh giá cao sự công phu của việc rà soát các dự án thủy điện, đồng tình với việc dừng các dự án có tác động tiêu cực tuy nhiên Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm.

Theo ông Dũng, trong thời gian qua, dự án Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A đã nhận được sự quan tâm của nhiều vị ĐBQH và dư luận xã hội. Hai dự án này đã được loại khỏi quy hoạch mặc dù trước đó đã nhiều lần đưa vào quy hoạch.

“Vì thế, Báo cáo cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc để hạn chế thất thoát và lãng phí cho người dân, doanh nghiệp và xã hội. Qua các văn bản, báo cáo có liên quan đến hai dự án này, Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy cần thiết phải nghiên cứu, xem xét, sửa đổi quy định về quy trình lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho phù hợp”, ông Dũng báo cáo.

Kiến nghị trồng rừng thay thể bằng cách... nộp tiền

Báo cáo trước Quốc hội, ông Vũ Huy Hoàng cũng nói về những hạn chế của việc trồng hoàn trả rừng của các dự án thủy điện.

Theo đó ở hầu hết các địa phương tuy đã được quan tâm thực hiện theo quy định nhưng đều gặp khó khăn do quỹ đất để trồng rất hạn chế.

Tại một số địa phương, tuy đã có chủ trương nhưng việc thực hiện cũng còn lúng túng giữa trách nhiệm và nghĩa vụ của địa phương và chủ đầu tư dự án trong việc bố trí đất thực hiện trồng rừng về loại cây trồng, chế độ chăm sóc, bảo vệ; về đơn giá trồng rừng (đối với trường hợp chủ đầu tư dự án không trực tiếp trồng rừng thay thế)...

“Trong điều kiện quỹ đất khó khăn, hầu hết chủ đầu tư dự án kiến nghị thực hiện quy định trồng rừng thay thế theo hình thức nộp tiền vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng để cơ quan chức năng điều tiết, bố trí trồng rừng theo kế hoạch, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng”, ông Hoàng cho biết.

Về việc này, Ủy ban KHCN&MT nói thẳng, trách nhiệm và nghĩa vụ của địa phương và chủ đầu tư dự án TĐ trong việc bố trí quỹ đất, phương thức thực hiện, bố trí chi phí trồng rừng thay thế trong tổng mức đầu tư… chưa xác định rõ.

Nguyên nhân chính của hạn chế nêu trên là do chưa có hướng dẫn kịp thời về vấn đề này như bố trí trồng rừng tại địa phương khác hoặc nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng trong trường hợp địa phương không còn quỹ đất trồng rừng thay thế… Một số địa phương còn chậm trễ trong việc thành lập Quỹ.

Ông Dũng cũng chỉ thẳng: “Tại một số dự án, có đối tượng đã lợi dụng quyết định mở công trường cho khai quang rừng với quy mô lớn hơn so với yêu cầu; lợi dụng hạ tầng công trình để khai thác khoáng sản trái phép”.

Do vậy Ủy ban KHCN&MT cùng yêu cầu thực trạng chất lượng rừng trồng thay thế cũng cần được bổ sung trong Báo cáo.

Theo Bích Ngọc

cucpth

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên