MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dương Chí Dũng nhận quyết định thôi việc sau khi lĩnh án tử

25-06-2014 - 14:16 PM | Xã hội

Việc trả lương vẫn duy trì từ thời điểm Dương Chí Dũng bị bắt cho tới khi bản án kết tội có hiệu lực pháp luật, một lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết.

Xung quanh việc Bộ Giao thông Vận tải cách đây ít ngày vừa có quyết định buộc thôi việc với ông Dương Chí Dũng (nguyên Cục trưởng Hàng hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinalines) hai năm sau ngày ông Dũng bị khởi tố, đã có nhiều băn khoăn được đặt ra.

Theo giải thích của vị quan chức nói trên thì sở dĩ vẫn duy trì trả lương cho Dương Chí Dũng từ khi bị khởi tố (tháng 5/2012), bắt giam (tháng 9/2012) đến khi bị Tòa án Nhân dân Tối cao kết án tử hình, là bởi theo quy định một người chỉ bị coi là có tội khi có bản án có hiệu lực của tòa án.

Dù quyết định buộc thôi việc xác định thời điểm có hiệu lực thi hành là từ 10/6, nhưng thời điểm tòa tuyên án phúc thẩm là coi như có đủ căn cứ khẳng định hành vi vi phạm pháp luật của Dương Chí Dũng, vị này giải thích.

Vẫn theo đại diện của Vụ, khoản 1 điều 24 nghị định 34 năm 2011 quy định: trong thời gian tạm giữ tạm giam để thực hiện công tác điều tra truy tố xét xử hoặc tạm đình chỉ công tác để xét kỷ luật thì cán bộ được hưởng 50% lương theo ngạch cộng với phụ cấp lãnh đạo, phụ cấp thâm niên nếu có, nên Dương Chí Dũng vẫn được trả lương.

Thậm chí, theo quy định, cùng với việc áp dụng thí điểm mức chi đặc thù cho cán bộ, công chức, viên chức tại Cục Hàng hải Việt Nam từ tháng 9/2013, cựu Cục trưởng Dương Chí Dũng có thể được tăng lương theo mức chung tại cơ quan này: tiền lương bình quân được áp dụng hệ số tiền lương 1,8 lần mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định (lương ngạch, bậc và các loại phụ cấp).

Việc buộc thôi việc với người đã bị kết án tử hình được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nhìn nhận là “vô duyên” vì rất hình thức.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng giải thích, "thực ra anh em vận dụng quy định, một người chưa bị coi là có tội khi toà chưa tuyên án, bản án chưa có hiệu lực pháp luật".

Song ông cũng cho rằng, hiểu thế là hơi máy móc, vì vẫn có thể xử lý hành chính khi cán bộ có vi phạm chứ không cần chờ xử lý hình sự.

Bởi vậy ông không giấu thái độ bất bình khi cấp dưới trình ký quyết định buộc thôi việc Dương Chí Dũng vì thấy “quá vô lý”.

Từng giữ chức Chánh thanh tra Bộ Nội vụ, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói, pháp luật hiện nay cũng không có quy định rõ ràng về thời điểm xử lý kỷ luật, buộc thôi việc đối với cán bộ. Vì thế khi bản án của tòa đã có hiệu lực rồi cơ quan quản lý cán bộ mới thực hiện quyết định buộc thôi việc thì chắc chắn hơn.

Hoặc khi thấy bị bắt thì cơ quan chủ quản cũng có thể quyết định tạm đình chỉ rồi buộc thôi việc sau. Tuy nhiên cũng có những trường hợp ra quyết định buộc thôi việc ngay thì không đảm bảo chắc chắn lắm, ông Cương bình luận.

Riêng đối với trường hợp Dương Chí Dũng, ông Cương cho rằng có thể xử lý sớm hơn nữa, vì đã qua quá trình bị bắt, quá trình điều tra. Nên ngay sau khi có quyết định truy tố, đưa ra tòa xét xử là hoàn toàn có thể thực hiện quyết định xử lý kỷ luật về hành chính được.

"Xử lý như thế sẽ hay hơn là chờ đến giờ bị cáo bắt, đi tù đến hai năm nay rồi, tòa tuyên tử hình đến lần thứ hai rồi, mà giờ mới ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc”, ông Cương nhìn nhận.

Với việc trả lương, ông Cương phân tích là cho đến trước khi quyết định buộc thôi việc thì Dương Chí Dũng vẫn phải được trả lương. Tuy nhiên, chỉ được trả một tỷ lệ phần trăm lương cố định chứ không được hưởng nguyên lương .

>>>Dương Chí Dũng phải bồi thường 110 tỷ đồng

Theo Nguyên Hà

cucpth

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên