MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường sắt ơi, bao cấp quá lâu rồi

07-04-2014 - 17:06 PM | Xã hội

Với bộ máy cồng kềnh lên tới 40.000 nhân viên, ngành đường sắt Việt Nam (ĐSVN) ngày càng trì trệ, kinh doanh sa sút, chất lượng dịch vụ chậm cải thiện.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề Bộ này quyết định tái cơ cấu, tách bạch khối hạ tầng và vận tải, đồng thời cổ phần hóa khối vận tải.

- PV: Mỗi năm ngành đường sắt có tới 500 nhân viên phải nghỉ việc, Bộ GTVT nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Quản lý của ngành đường sắt đang có những bất cập nhất định, chưa có sự tách bạch giữa quản lý hạ tầng và sản xuất kinh doanh, bộ máy quá cồng kềnh. Hiện đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhưng trước hết phải thực hiện Quyết định 198 của Chính phủ về tái cơ cấu, cổ phần hóa Tổng Công ty ĐSVN. Bộ GTVT đang chỉ đạo hết sức quyết liệt, song song tái cơ cấu sẽ triển khai tách hạ tầng ra khỏi hoạt động kinh doanh vận tải.

Dự kiến trong năm 2014 sẽ hoàn thành việc tách ĐSVN thành 2 khối độc lập, quản lý nhà nước ngành đường sắt và khối sản xuất kinh doanh, thành lập 2 khối vận tải Bắc Nam ở Hà Nội và TP. HCM. Sau đó, khối kinh doanh vận tải sẽ cổ phần hóa.

Về quản lý nhà nước, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát, xây dựng lại định mức bảo trì, bảo dưỡng để từ đó cải tổ quy trình, kinh phí bảo trì bảo dưỡng đường sắt. Tiền sẽ được dùng đúng mục đích bảo trì, bảo dưỡng chứ không "chảy" vào việc trả lương, trả thưởng nữa. Theo mô hình hiện hành, Tổng Công ty ĐSVN vẫn nắm hầu hết các quyền quản lý nhà nước, tự tổ chức quản lý, bảo trì xây dựng đường với số vốn được ngân sách cấp khoảng 2.000 tỷ đồng/năm, đồng thời nắm toàn bộ công tác tổ chức chạy tàu.

- Luật Đường sắt ra đời đã lâu quy định tách hạ tầng và kinh doanh nhưng sao đến nay mới rậm rịch thực hiện?

- Luật đường sắt có hiệu lực cũng đã được 5 năm. Trong quá trình thực hiện, phải căn cứ vào thực tiễn để giải quyết vấn đề một cách hợp lý nhất. Ngành Đường sắt trước đây hoạt động như một khối thống nhất, nên có sự ràng buộc, giữa kinh doanh vận tải và quản lý hạ tầng không tách được nguồn vốn dẫn đến hạch toán không minh bạch, dịch vụ ngành đường sắt không được cải thiện, tai nạn vẫn xảy ra.

- Ngành ĐSVN cho rằng, sẽ rất khó khăn trong việc tách hai khối, Bộ GTVT nghĩ sao?

- Mấy chục năm nay, hạ tầng đường sắt được Nhà nước bao cấp, vận tải cũng được bao cấp một phần. Vì vậy, việc tách bạch ra hai khối cũng rất lo không trang trải được chi phí. Tuy nhiên, Nhà nước không thể bao cấp quá lâu cho đường sắt. Nhật Bản tư nhân hóa đường sắt từ năm 1964 - 1965, ban đầu họ cũng thua lỗ, nhưng gần chục năm sau đã bắt đầu có lãi. Nếu chúng ta có một cơ chế hợp lý, đầu tư nâng cấp tăng khổ đường ray, từng bước cổ phần hóa, thậm chí cho cả tư nhân tham gia sẽ tạo cục diện khác.

- Khả năng thu hút vốn tư nhân liệu có khả thi?

- Phải có sự can thiệp quản lý nhà nước, tạo sự cạnh tranh lành mạnh thì tư nhân mới tham gia, có hiệu quả kinh tế, tạo sân chơi và có hỗ trợ nhất định. Các nước cũng đã làm như vậy và Việt Nam không thể ngoại lệ.
Đường sắt có lịch sử lâu dài, có tính công ích rất cao, lợi nhuận mang lại thấp, trừ các nước quy hoạch tốt. Vì vậy, phải sắp xếp lại các doanh nghiệp, mở ra quỹ đạo thị trường để tư nhân tham gia tiến hành xã hội hóa ngành đường sắt.

- Cổ phần hóa đường sắt đã được đề cập 10 năm nay nhưng đến nay mới bắt đầu, có quá chậm?

- Đúng là ngành đường sắt chậm cổ phần hóa. Chúng tôi đánh giá chung là đã bị chậm một nhịp. Ngay như hiện tại, cũng không ít ý kiến cho rằng, việc tách bạch khối hạ tầng và vận tải vào thời điểm này chưa hợp lý. Hơn nữa, việc tách bạch khối hạ tầng và vận tải cũng sẽ gặp khó khăn, phức tạp. Chúng ta không thể làm cùng một lúc, nhưng chắc chắn sẽ phải làm.

Theo Ngân Tuyền

cucpth

An Ninh thủ đô

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên