MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giấc mơ 2.500 km đường cao tốc

24-02-2015 - 10:42 AM | Xã hội

“Khát vọng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cần thêm thời gian để đủ nguồn lực thực hiện vì đây là dự án khổng lồ. Nhưng mục tiêu này luôn cần đặt ra một cách nghiêm túc” - “tư lệnh” ngành giao thông vận tải bộc bạch

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường cao tốc để đến năm 2020 hoàn thành 2.500 km đường cao tốc, trọng tâm là mở rộng Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh và đường cao tốc Bắc - Nam. Ngành GTVT sẽ tập trung những biện pháp gì để đạt được mục tiêu?

- Bộ trưởng Đinh La Thăng: Hệ thống đường cao tốc là ước mơ của bất cứ quốc gia nào muốn phát triển, muốn hiện đại hóa bởi tính chất ưu việt của nó trong lưu thông và mở rộng giao thương, liên kết các vùng miền.

Con số đường cao tốc của chúng ta hiện tại còn thấp so với nhiều nước trong khu vực, chỉ khoảng trên dưới 1.000 km. Nguyên nhân do nguồn lực dành cho đường cao tốc rất lớn. Nếu chỉ trông vào ngân sách thì còn rất lâu giấc mơ có khoảng từ 4.000-6.000 km đường cao tốc mới thành hiện thực.

Bộ trưởng Đinh La Thăng khảo sát dự án Cải tạo, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 đoạn đi qua tỉnh Thanh HóaẢnh: BẢO TRÂN

Bộ trưởng Đinh La Thăng khảo sát dự án Cải tạo, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 đoạn đi qua tỉnh Thanh HóaẢnh: BẢO TRÂN

Chúng tôi đang gặp một bài toán nan giải nhưng chỉ đạo của Thủ tướng cũng là mong ước của người dân. Vì vậy, chúng tôi sẽ phải tìm mọi cách để thực hiện. Khó nhất vẫn là tiền ở đâu? Rất may là Nghị quyết số 13-NQ/TW của trung ương đã là cơ sở để bộ triển khai mạnh mẽ các biện pháp đồng bộ.

Sẽ có thêm nhiều kênh huy động nguồn lực. Bên cạnh dự án triển khai bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc từ vốn vay là vốn của các doanh nghiệp, các tổ chức tư nhân trong nước. Nguồn lực này còn rất dồi dào. Vấn đề là làm sao có cơ chế tốt, hợp lý để huy động. Bộ cũng đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút, kéo vốn ngoại vào đầu tư đường cao tốc. Nếu kế hoạch thành công sẽ mở ra cả một chân trời mới trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng nghĩ gì về đề xuất tìm kiếm các hình thức đầu tư mới, hợp tác công tư, bán đường cao tốc... chứ không trông chờ vào ngân sách nhà nước?

- Bộ GTVT đã chủ động làm việc này chứ không còn là ý tưởng nữa. Trong mấy năm qua, bằng nhiều hình thức khác nhau, chúng tôi đã huy động hơn 178.000 tỉ đồng vốn ngoài ngân sách, chiếm khoảng 50% tổng số nguồn lực sử dụng. Việc bán một số tuyến đường cao tốc cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tạo thêm một kênh huy động vốn quan trọng, hiện còn chờ Chính phủ xem xét phê duyệt.

Nhưng ngay từ giờ đã có thể thấy đề án đó là hết sức cần thiết và có tính khả thi cao. Muốn tăng tốc xây dựng hệ thống hạ tầng, bảo đảm cho mục tiêu hiện đại hóa đất nước thì phải có đột phá về cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực, tất nhiên là trên cơ sở an ninh, chủ quyền quốc gia và lợi ích cao nhất của đất nước.

Như vậy ước mơ lớn nhất của bộ trưởng là làm cho được đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã có thể thành hiện thực?

- Với địa hình như Việt Nam, một tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại chạy xuyên đất nước là điều mơ ước của bất cứ ai muốn có một loại hình vận tải vừa nhanh vừa kinh tế và an toàn cao chứ đâu chỉ của cá nhân tôi.

Với cương vị của tôi, tìm mọi cách để hiện thực hóa giấc mơ đó của người dân còn là trách nhiệm nữa. Tuy nhiên, giữa ý muốn và việc đạt được ý muốn luôn có khoảng cách nhất định. Trong chuyện đường sắt tốc độ cao thì khoảng cách đó hiện còn rất lớn. Có thể cần phải thêm nhiều thời gian nữa mới đủ tiềm lực để thực hiện dự án khổng lồ đó nhưng mục tiêu này luôn cần được đặt ra một cách nghiêm túc.

Bộ trưởng sẽ chốt hạn chót cho ban quản lý các dự án đường sắt đô thị tại TP HCM và Hà Nội thế nào?

- Lần đầu được triển khai xây dựng ở Việt Nam, lại là loại hình giao thông hiện đại, đòi hỏi năng lực quản lý, vận hành rất cao nên chúng ta chưa có kinh nghiệm, việc lập dự án chưa lường hết những vấn đề xã hội phát sinh như việc giải phóng mặt bằng.

Thêm vào đó, môi trường địa chất, thủy văn phức tạp, điều kiện thi công khó khăn dẫn đến hầu hết các công trình loại này đều chậm tiến độ, gây đảo lộn đời sống của người dân và khiến dư luận bức xúc, nghi ngờ về năng lực thực hiện của các nhà thầu.

Nếu người dân sốt ruột một thì ngành giao thông sốt ruột mười. Lãnh đạo Hà Nội và TP HCM chắc cũng cùng tâm trạng. Chúng tôi đã bàn bạc tìm mọi cách để đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng. Hiện đã có những giải pháp thúc đẩy và đang được thực hiện. Tuy nhiên, khó khăn vẫn hiện hữu ngay trước mắt mọi người.

Có không ít vấn đề không phải lúc nào cũng trong tầm tay xử lý của chúng tôi. Tuy nhiên, mọi việc đang được xốc lại và tôi tin rằng các công trình này không có lý do gì để chây ì thêm. Tôi mong người dân thông cảm. Về phần mình, chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể cho việc hoàn thành sớm nhất các công trình.

Theo Thế Dũng

PV

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên