MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc sở ngành yếu cũng bị tinh giản!

12-11-2015 - 09:04 AM | Xã hội

Trao đổi với chúng tôi xung quanh đề án tinh giản biên chế ở TP HCM, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lê Văn Làm nhấn mạnh: Không có trường hợp ngoại lệ!

Theo đề án từ năm 2015 - 2021, TP HCM sẽ tinh giản biên chế gần 14.000 người. Điều này có gây lo lắng trong cán bộ, công chức cũng như gây xáo trộn ở các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, thưa ông?

- Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Lê Văn Làm: Việc tinh giản biên chế ở TP HCM có lộ trình cụ thể chứ không phải làm đột ngột hay nhìn cái mặt thấy ghét là cho nghỉ đâu. Vì thế, tôi nghĩ cán bộ, công chức sẽ không bị bất ngờ.


Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lê Văn Làm

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lê Văn Làm

Hơn nữa, chế độ chính sách cho người bị tinh giản vừa ưu đãi vừa tạo điều kiện cho họ được đào tạo lại cũng như giới thiệu việc làm mới. Theo đó, khi người bị cắt giảm mà còn tuổi làm việc thì bắt buộc phải đào tạo lại, lớn tuổi quá thì cho về hưu.

Theo quy định cứ 2 người nghỉ thì tuyển vô 1 người nên các cơ quan phải rà soát để đánh giá chất lượng cán bộ của cơ quan, đơn vị mình, tự đào thải những người không có trình độ. Trong 6 tháng đầu năm 2016, Sở Nội vụ TP sẽ gương mẫu làm trước, trước mắt tinh giản 4 người ở bộ phận văn phòng.

Làm thế nào để xác định được người không đáp ứng yêu cầu công việc khi cách đánh giá cán bộ, công chức còn quá chung chung?

- Các văn kiện Đảng nêu “một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ”. Một bộ phận không nhỏ này không biết là bao nhiêu. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời trước Quốc hội là 1%. Tại sao nghị quyết nói một bộ phận không nhỏ nhưng người đứng đầu ngành nội vụ nói 1%. Cái này là do từ trước đến giờ công tác đánh giá cán bộ, công chức hằng năm mình chưa xây dựng tiêu chí cụ thể.

Có người làm rất tích cực, chưa tích cực, có người không làm gì nhưng cuối năm vẫn được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng lần này Nghị định 56 về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức quy định cách đánh giá cụ thể hơn, rạch ròi hơn nên sẽ biết ai không hoàn thành nhiệm vụ.

Cán bộ, công chức bị tinh giản được giới hạn đến chức vụ nào, thưa ông?

- Việc tinh giản là công bằng, kể cả chủ tịch quận huyện, giám đốc sở ngành, phó trưởng phòng các sở ngành trở lên cũng thuộc diện tinh giản. Không có đối tượng nào ngoại lệ trong đợt tinh giản này, ai không hoàn thành nhiệm vụ đều là đối tượng tinh giản biên chế, thậm chí tiến sĩ, thạc sĩ không làm được việc cũng sẽ bị tinh giản. Nhất là không có chuyện người không giữ chức vụ thì bị tinh giản, còn người giữ chức vụ thì không bị tinh giản. Việc thực hiện tinh giản không có rào cản nào cả.

Nếu trong quá trình rà soát lại, thấy con của lãnh đạo mà nằm trong diện phải cắt giảm, sở sẽ tham mưu cho UBND TP xử lý vấn đề này thế nào, thưa ông?

- Cán bộ lãnh đạo, học hàm học vị đã không có rào cản thì dù là “con ông cháu cha” cũng không có rào cản. Mấy chục năm làm cán bộ quản lý nhà nước, tôi chưa gặp trường hợp nào mà có thư tay gửi bênh vực cho con, cháu của các vị lãnh đạo làm sai. Chúng tôi cũng không có áp lực nào đối với việc này. Rất mừng là lãnh đạo ý thức được và tích cực dạy con mình làm trong cơ quan nhà nước phải tích cực làm việc.

Sở Nội vụ chưa có áp lực này bao giờ. Nếu có thì chúng tôi cũng phải thực thi đúng trách nhiệm của mình. Điều này không những người đứng đầu TP ủng hộ mà người dân cũng sẽ đồng tình với cách làm của chúng tôi.

Cũng có nhiều người nói một bộ phận cán bộ, công chức chưa nhiệt tình với công việc, chứ chưa nói đến tiêu cực. Trong đội ngũ cán bộ chúng ta không thể nào không có những con sâu làm rầu nồi canh. Do đó, đợt tinh giản này là dịp để cán bộ công chức tự soi rọi lại mình, đối chiếu lại mình có xứng đáng ngồi vị trí này không.

Sở Nội vụ là đơn vị xây dựng đề án tinh giản biên chế, với cương vị là lãnh đạo của đơn vị này, ông kỳ vọng thế nào vào đề án tinh giản biên chế này?

- Đợt tinh giản biên chế này cũng là dịp để rà soát lại cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước có trùng lắp hay không và tổ chức lại cho phù hợp. Ví như trước đây, Sở Nội vụ có 9 phòng, 3 đơn vị trực thuộc thì nay sắp xếp lại còn 7 phòng, 3 đơn vị trực thuộc. Một số dự án giống nhau, trùng lắp chức năng sẽ được tổ chức lại một đơn vị đầu mối, sắp xếp, lựa chọn người có năng lực; người không có năng lực sẽ được đào tạo lại, bố trí, giới thiệu công việc khác.

Hướng sắp tới nhà nước chỉ định hình thôi, còn lại giao cho xã hội làm, chứ không phải cái gì cũng làm. Cái gì mà xã hội làm tốt thì nên giao cho xã hội làm, không ôm đồm. Còn nếu ôm đồm thì bộ máy dù có phình bao nhiêu cũng không đủ. Muốn bộ máy mạnh mà cái gì nhà nước cũng “ôm” hết thì không bao giờ mạnh được. Hơn nữa, xã hội hóa thì thu nhập cán bộ, công chức sẽ cao hơn. Người ăn lương từ ngân sách ít đi.

Không còn ề à

Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Lê Văn Làm chia sẻ: Từ trước tới nay, nhiều người bình luận “cứ sau đợt tinh giản biên chế thì bộ máy không co lại mà phình ra” bởi muốn cho nghỉ một cán bộ, công chức phải hội tụ đầy đủ sai phạm của người ta, nhắc nhở nhiều lần, góp ý, rồi tái phạm mới cho nghỉ chứ không phải muốn cho nghỉ là được, vô đã khó nghỉ còn khó hơn.

Thế nhưng, với đề án lần này và với lộ trình được triển khai, tổ chức thực hiện một cách căn cơ, tôi tin tưởng từ nay đến 2021, tinh giản biên chế sẽ thực chất hơn, bộ máy ngày càng tinh gọn hơn, đội ngũ cán bộ công chức sẽ ngày càng mạnh hơn.

 

Theo Phan Anh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên