MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hạn, mặn ở đồng bằng Sông Cửu Long: Giữa thiên tai lộ ra nhân tai!

22-03-2016 - 10:48 AM | Xã hội

2011, khả năng trữ lũ của vùng Tứ Giác Long Xuyên đã bị giảm đến khoảng 4,7 tỉ mét khối do việc xây dựng ô đê bao khép kín ở vùng này với diện tích hơn 1.000km2. Như vậy, ĐBSCL mất đi 4,7 tỉ mét khối nước để đẩy mặn trong mùa khô cho vùng ven biển. Giữa cơn “đại hạn” lần này, hệ lụy của nhân tai đã lộ rõ…

Mất 4,7 tỉ mét khối nước để đẩy mặn

Hằng năm khi nước lũ sông Mê Kông từ thượng nguồn đổ về ĐBSCL, đến Biển Hồ (Tonle Sap) của Campuchia, nước chảy vào làm hồ này nở ra 5-6 lần, từ 300.000ha trong mùa khô lên 1.500.000ha trong mùa nước và chảy vào vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên làm cho 2 vùng này ngập sâu 3-4 mét. Chính ba “túi nước” này điều hòa nước cho ĐBSCL. Lượng nước sau đó sẽ từ từ nhả ra, bổ sung cho dòng sông Tiền, sông Hậu để đẩy mặn cho vùng ven biển trong mùa khô.

Chuyên gia nghiên cứu độc lập Nguyễn Hữu Thiện cho biết: Trong khoảng 2 thập niên trở lại đây, rất nhiều diện tích trong hai “túi nước” Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên đã được bao đê khép kín để canh tác lúa ba vụ mỗi năm. Trong mùa lũ, bên trong các ô đê bao này không có nước, trong khi bên ngoài nước ngập 3-4 mét. Các ô đê bao này chiếm không gian rất lớn.

Nước không vào được thì phải tìm nơi khác, gây tăng ngập những vùng bên ngoài đê bao và các làng mạc, thành phố phía bên dưới, và thoát ra biển nhanh hơn. Trong hệ thống do con người “tái thiết kế” lại này, đến mùa khô, ngoài chuyện biến đổi khí hậu, thì 2 vùng trũng ở ĐBSCL không còn nước cất giữ để bổ sung cho sông Tiền, sông Hậu đẩy mặn nữa, làm cho vấn đề trầm trọng hơn khi có hạn hán xảy ra ở phần lưu vực phía trên.

“Từ năm 2000-2011, khả năng trữ lũ của vùng Tứ Giác Long Xuyên đã giảm từ 9,2 tỉ mét khối xuống còn khoảng 4,5 tỉ mét khối, tức giảm khoảng 4,7 tỉ mét khối do diện tích của khoảng 1.100km2 ô đê bao khép kín ở vùng này. 4,7 tỉ mét khối này không vào được trong đồng, đã gây tăng ngập ở phía hạ lưu trong mùa lũ và cũng đồng nghĩa với việc chúng ta không có 4,7 tỉ mét khối để đẩy mặn trong mùa khô cho vùng ven biển. Đó chỉ là ví dụ của vùng Tứ Giác Long Xuyên, chưa tính đến Đồng Tháp Mười” - chuyên gia Thiện dẫn chứng.

Chuyển “thù” thành “bạn”!

Theo chuyên gia Hồ Long Phi - Giám đốc Trung tâm Quản lý tài nguyên nước và biến đổi khí hậu (BĐKH) - ĐH Quốc gia TPHCM - thì suốt một thời gian dài, các đô thị ở Việt Nam chạy theo đà phát triển mất kiểm soát; rất nhiều “không gian” được dành cho việc phát triển cơ sở hạ tầng: Đô thị, giao thông…, nhưng không có một “không gian” nào dành cho nước. “Sông rạch đã có tự ngàn xưa, được hình thành trên những vị trí tốt nhất theo quy luật của tự nhiên.

Khi bị con người chiếm chỗ, sông rạch (nước) tất yếu sẽ quay lại chiếm chỗ của con người và gây ngập. Thêm vào đó, chúng ta luôn xem nước (ngập) như là kẻ thù phải tìm cách thoát đi cho bằng được. Việt Nam cần học cách sống chung với ngập, không nên áp dụng tư duy phải thoát nước triệt để cho bằng được, mà có thể giữ lại một phần trong không gian được quy hoạch thích hợp, từ đó tận dụng hữu ích cho đời sống xã hội như: Tưới cây, tưới đường…

Nguồn nước hiện nay vốn đã rất khan hiếm, và giữa những mùa khô hạn khốc liệt như năm nay thì nó lại càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Theo các chuyên gia, “cứu nguy” cho vùng ĐBSCL cần có một cách nhìn tổng thể, trong đó, toàn bộ hệ thống của vùng: Vùng ngập lũ, vùng phù sa giữa, vùng ven biển, kể cả sông ngòi, đất đai, hệ thống canh tác, kinh tế, xã hội phải được “đối xử” như là một tổng thể và đặt trong một tổng thể lớn hơn là lưu vực Mê Kông thì mới có chiến lược hài hòa. Đặc biệt là nên tránh việc từng địa phương phát triển riêng mà không quan tâm đến ảnh hưởng đến vùng khác.

Các chuyên gia cũng cảnh báo, trong lâu dài, khi xâm nhập mặn do nước biển dâng và BĐKH là xu hướng tất yếu, thì việc cố giữ cây lúa ven biển, đặc biệt là trồng lúa trong mùa khô ven biển, xem mặn như là “kẻ thù” là không hợp xu thế và không hợp lý về kinh tế, trong khi đó nước mặn có thể mang lại cơ hội canh tác nuôi trồng thủy sản.

Người dân ven biển, đặc biệt là người nghèo, sẽ không đủ nguồn lực để tự chuyển mà cần được Nhà nước hỗ trợ, nhất là hỗ trợ hệ thống thủy lợi ven biển khi chuyển sang nuôi thủy sản, để giải quyết vấn đề nước thải để tránh ô nhiễm môi trường và ô nhiễm lẫn nhau.

Theo Trần Lưu

Lao động

Trở lên trên