MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hiệu quả kinh tế có vượt lực cản của 7 trạm thu phí?

12-07-2015 - 19:05 PM | Xã hội

Ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên chia sẻ những thách thức từ 7 trạm thu phí trên toàn tuyến Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.

Ngày 11/7, toàn tuyến đường Hồ Chí Minh (HCM) qua Tây Nguyên được khánh thành. Cơ hội phát triển, thu hút đầu tư mở ra cho cao nguyên đất đỏ nhưng kèm theo thách thức từ 7 trạm thu phí trên toàn tuyến.Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên – cơ quan đề nghị Chính phủ bỏ tiền mua lại trạm thu phí trên tuyến.

Ông Hùng cho biết, tuy Tây Nguyên đạt được những thành tựu, kết quả quan trọng nhưng còn nhiều yếu kém. Kết cấu hạ tầng làm hạn chế sự phát triển kinh tế-xã hội và khả năng thu hút đầu tư của Tây Nguyên. Xây dựng kết cấu hạ tầng, trước hết là hạ tầng giao thông và thủy lợi được xác định là nhiệm vụ hàng đầu; trong đó, tuyến đường HCM là tuyến huyết mạch, quan trọng nhất.  Đề nghị nhưng Chính phủ chưa đủ khả năng 

- Vừa qua, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị Chính phủ dùng ngân sách mua lại các trạm thu phí trên đường HCM. Kiến nghị đó được giải quyết thế nào thưa ông?

Hiệu quả kinh tế có vượt lực cản của 7 trạm thu phí? - ảnh 1

Ông Trần Việt Hùng.

Vào tháng 4/2015, khi đường HCM qua Tây Nguyên sắp hoàn thành, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên có đề nghị với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ xem xét, cân nhắc, sắp xếp bố trí nguồn vốn mua lại một số dự án BOT nhằm giảm bớt các trạm thu phí, tạo điều kiện sớm đưa Tây Nguyên thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay, hướng đến phát triển bền vững.

Sau đó, Bộ GTVT có văn bản nêu: Do khả năng nguồn lực đầu tư công hạn hẹp, đứng trước nhu cầu cấp bách phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, được sự đồng thuận của các địa phương, các bộ, ngành và chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đang triển khai 111 dự án BOT, với 126 trạm thu phí. Trên tuyến đường HCM đi qua 4 tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước có 5 dự án đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh - chuyển giao) với 7 trạm thu phí.

Bộ GTVT lý giải, Quốc hội chưa có chủ trương cho phép phát hành bổ sung trái phiếu chính phủ (TPCP). Hàng năm, vốn Bộ GTVT được phân bổ chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu đầu tư nên chưa đủ ngân sách mua lại trạm. Trong phiên họp Chính phủ tháng 6/2015, Thủ tướng cũng nêu:  "Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách, không thu hút đầu tư toàn xã hội, chúng ta sẽ không bao giờ có được hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại".

Qua các ý kiến đó, chúng tôi thấu hiểu, chia sẻ khó khăn chung của đất nước; không thể chỉ trông chờ vào đầu tư từ Chính phủ và đồng thuận với chủ trương xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Khi có nguồn vốn, đề nghị Bộ GTVT kiến nghị với chính phủ có các giải pháp thay thế để giảm chi phí vận chuyển cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực.

- Ông có thể so sánh giữa “cái được” (đi đường mới) và “cái mất” (vì nộp phí) với dự án này?

Hiệu quả kinh tế có vượt lực cản của 7 trạm thu phí? - ảnh 2

Một trong những trạm thu phí đang hoạt động trên đường HCM qua Tây Nguyên.

Nếu nói 5 dự án BOT trên tuyến mới này sẽ tạo ra khó khăn cho đồng bào khu vực Tây Nguyên khi đi lại thì chỉ nhìn vào góc độ hẹp. Cái được vẫn lớn hơn rất nhiều.

Bình quân, lưu lượng xe qua tuyến đường này khoảng trên 4.000 chiếc/ngày đêm với khoảng 15 lít xăng dầu/xe/ngày đêm; bình quân thời gian đi đến TP HCM chậm 4 tiếng (tính từ tỉnh Đăk Lăk). Tính toán cho thấy, thiệt hại về tiêu hao nhiên liệu khoảng 2.000 tỷ đồng/năm; các lãng phí khác khoảng trên 1.000 tỷ đồng/năm. Tính sơ bộ, sự lãng phí các khoản trên 3.000 tỷ đồng/năm; hơn thu ngân sách hàng năm của một vài tỉnh ở Tây Nguyên.

Làm gì để tạo thêm cảm hứng phát triển cho Tây Nguyên?

- Ông có thể so sánh mức hấp dẫn của đầu tư vào Tây Nguyên trước và sau khi tuyến đường hình thành? 

Khi tuyến đường HCM qua Tây Nguyên đưa vào sử dụng chắc chắn tạo ra sức hấp dẫn trong việc thu hút đầu tư vào Tây Nguyên. Các nhà đầu tư đều chờ đợi sự hoàn thành của tuyến đường này từ năm 2009 khi Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ nhất (năm 2009). Tính từ năm 2013 đến nay, số vốn đăng ký đầu tư tại Tây Nguyên đạt hơn 66.000 nghìn tỷ đồng cho thấy sức hấp dẫn của Tây Nguyên.

Tất nhiên các tỉnh Tây Nguyên cần nỗ lực cải thiện ngày càng tốt hơn nữa để môi trường đầu tư thông thoáng và hiệu quả nhất, trong đó cần quan tâm đẩy mạnh về cải cách thủ tục hành chính để các dự án đầu tư được triển khai nhanh nhất.

- Hạ tầng giao thông phải luôn trước một bước, tạo cảm hứng cho các ngành khác. Tây Nguyên còn điểm nghẽn giao thông nào cấp bách cần khắc phục thưa ông?

Tuyến đường HCM qua Tây Nguyên đã nối thông từ tỉnh Kon Tum – Gia Lai – Đăk Lăk – Đăk Nông – Bình Phước – Bình Dương đến TP HCM và các địa phương phía Nam. Đây là thuận lợi rất cơ bản để tạo động lực cho sự phát triển cả vùng Tây Nguyên.

Nếu đường HCM được đầu tư đồng bộ về mặt đường, tốc độ thiết kế từ Tân Cảnh (tỉnh Kon Tum) đi TP Đà Nẵng (hiện mặt đường 7 m, tốc độ tối đa 60 km/h; trong khi, tuyến từ Kon Tum đi HCM mặt đường 12 m; tốc độ 80 km/h - PV) sẽ nối thông Tây Nguyên với các tỉnh miền Trung, mà TP Đà Nẵng là trung tâm.

Rất mong Bộ GTVT tiếp tục quan tâm phối hợp với các địa phương liên quan trình Thủ tướng có cơ chế thuận lợi để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường HCM từ Tân Cảnh (tỉnh Kon Tum) đi TP  Đà Nẵng.

Xin cảm ơn ông!

Theo Sỹ Lực

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên