MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ILO lý giải năng suất lao động Việt Nam ở nhóm kém nhất khu vực

25-09-2014 - 08:32 AM | Xã hội

Báo cáo của ILO được công bố mới đây cho thấy năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở châu Á-Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần.

So với các nước láng giềng ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam cũng chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan.

Kết quả xếp hạng này đã gây nên nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, ông Malte Luebker, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Châu Á-Thái Bình Dương đã giải thích nguyên nhân dẫn tới sự chênh lệch về năng suất lao động của Việt Nam so với các nước khác.

Năng suất lao động không thể hiện mức độ chuyên cần

- Thưa ông, xin ông cho biết năng suất lao động được tính như thế nào và con số này nói lên điều gì?

Năng suất lao động thường được định nghĩa là số lượng sản phẩm (GDP) được tạo ra trên một đơn vị người lao động làm việc (hoặc trên mỗi giờ lao động). Theo hướng dẫn về đo lường năng suất của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), năng suất lao động dựa trên giá trị gia tăng là thông số phổ biến nhất để tính toán năng suất lao động.

Năng suất lao động dựa trên giá trị gia tăng là một chỉ số gián tiếp tốt thể hiện mức độ phát triển của nền kinh tế của một quốc gia. Khi phân tích các thị trường lao động, chỉ số này thường được ưa chuộng hơn chỉ số về GDP trên đầu người (GDP trên đầu người được tính bằng tổng GDP chia cho tổng dân số, bao gồm cả trẻ em và người hưởng lương hưu).

Năng suất lao động là một thông số quan trọng làm cơ sở để xác định mức lương. Báo cáo mới đây của ILO/ADB về Cộng đồng ASEAN 2015 cho thấy những quốc gia có năng suất lao động cao thường có mức lương cao hơn.

- Vậy liệu năng suất lao động có cho chúng ta thấy mức độ chuyên cần của lực lượng lao động của một quốc gia hay không?

Không, không thể đánh giá năng suất lao động thông qua trực quan như vậy. Năng suất lao động của một quốc gia hầu như không thể phản ánh mức độ chuyên cần và khả năng của người lao động của quốc gia đó. Năng suất lao động tổng cũng không cho thấy được sự khác nhau về năng suất lao động giữa các ngành, nghề và đặc biệt là các nhóm doanh nghiệp.

Năng suất lao động của một quốc gia trước hết phụ thuộc vào mức độ hiệu quả sử dụng lao động kết hợp với các yếu tố sản xuất khác, như máy móc và công nghệ, và lượng máy móc và công nghệ mà một người lao động của quốc gia đó được sử dụng. Bởi vậy, nếu từ các thống kê năng suất lao động mà kết luận rằng người lao động ở Malaysia hoặc Singapore có thể tạo ra một sản phẩm cụ thể nào đó nhanh hơn người lao động ở Việt Nam là không đúng.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế sẽ tạo nên những cơ hội để tăng năng suất lao động. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Cơ hội từ chuyển dịch cơ cấu kinh tế

- Thưa ông, xin ông cho biết tại sao lại có sự chênh lệch lớn về năng suất lao động của Việt Nam và một số quốc gia ASEAN khác?


Ở một cấp độ rộng hơn, năng suất lao động là một hàm số phản ánh cơ cấu kinh tế của một quốc gia. Báo cáo của ILO/ADB gần đây cho thấy năng suất lao động trong ngành chế tạo và các dịch vụ cao cấp cao hơn rất nhiều so với ngành nông nghiệp.

Ở những quốc gia như Campuchia, Lào và Việt Nam vẫn còn một bộ phận lớn lực lượng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp, vậy nên có thể có năng suất lao động chung thấp hơn. Ngược lại, Singapore có thể có mức năng suất lao động cao hơn, bởi vì nền kinh tế của nước này chủ yếu dựa vào ngành chế tạo và các dịch vụ cao cấp như tài chính và bảo hiểm. Tương tự, những quốc gia có nhiều lao động làm việc trong nền kinh tế phi chính thức (ở đó, người lao động thường không được tiếp cận với những công nghệ mới nhất hoặc hiện đại nhất) có thể có năng suất lao động chung thấp.

- Việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 hứa hẹn sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam, vậy đây có phải cơ hội để tăng năng suất lao động của Việt Nam? Việt Nam cần chuẩn bị gì cho quá trình này?

Theo báo cáo gần đây của ILO/ADB, Cộng đồng kinh tế ASEAN tạo ra tiềm năng lớn để các nước có thể chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ các ngành có năng suất lao động thấp sang các ngành có năng suất lao động cao. Với lợi thế lực lượng lao động có trình độ giáo dục và kỹ năng vững chắc về đọc viết và tính toán, Việt Nam có thể là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều từ quá trình này.

Hiện nay, có hai con đường để tăng năng suất lao động cho các quốc gia ASEAN. Một là tăng hiệu quả của các ngành công nghiệp chính bằng cách áp dụng công nghệ mới, nâng cấp máy móc và đầu tư vào đào tạo kỹ năng và đào tạo nghề. Mặt khác, năng suất lao động có thể tăng nhiều nhất thông qua con đường chuyển dịch sang các hoạt động có giá trị gia tăng lớn hơn. Bởi vậy, Việt Nam cần chuyển dịch từ nông nghiệp và các ngành dịch vụ cấp thấp sang các ngành chế tạo và các ngành dịch vụ cao cấp.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện chất lượng giáo dục và đào tạo, đặc biệt là ở cấp phổ thông trung học và các cơ sở đào tạo nghề thì Việt Nam sẽ nắm bắt được những cơ hội này.

Theo tôi, để có thể thực hiện được hai biện pháp trên, Chính phủ cần cung cấp cơ sở hạ tầng chất lượng, hệ thống giáo dục và phát triển kỹ năng tốt và các doanh nghiệp cần có khả năng đầu tư và nắm bắt cơ hội.

- Xin cảm ơn ông!

>>>
Theo Hồng Kiều

cucpth

TTXVN/Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên