MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

​“Kê khai tài sản để cất vô ngăn kéo thì kê khai làm gì?”

08-03-2016 - 17:20 PM | Xã hội

Thiếu tướng Phan An Minh - phó giám đốc Công an TP.HCM, thủ trưởng cơ quan CSĐT, Công an TP - đã đặt câu hỏi như vậy về việc kê khai tài sản.

Tại hội nghị Tổng kết công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí năm 2015 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2016 do Thành ủy TP.HCM tổ chức chiều 8-3, thiếu tướng Phan Anh Minh đã làm nóng hội trường bằng những phát biểu thẳng thắn về công tác phòng, chống tham nhũng.

“Có một số giải pháp được đưa vào Luật phòng chống tham nhũng, nghị định của Chính phủ, thậm chí chương trình quốc gia phòng chống tham nhũng vẫn là ảo. Nên dù thực hiện đúng quy định, các biện pháp công của pháp luật vẫn không đủ để ngăn chặn tham nhũng”, thiếu tướng Phan Anh Minh nêu thực tế trước sự có mặt của bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong và phó Ban nội chính trung ương Lê Minh Trí.

Một trong những biện pháp ảo đó, theo tướng Minh chính là kê khai tài sản. “Cái này làm cho có, chứ không có biện pháp, ngăn ngừa gì cả” - ông nói.

Dẫn chứng ngay tại Công an TP, ông Minh nói thẳng: “Trong báo cáo của công an TP có hơn 1/3 biên chế của công an TP kê khai tài sản. Nhưng kê khai xong rồi tổ chức bộ phận đút vô ngăn cất. Kê khai đúng hay không, có hợp lý hay không thì không ai biết”.


Phó giám đốc công an TP.HCM thiếu tướng Phan Văn Minh báo cáo sơ bộ về tình hình chống tham nhũng của lực lượng công an tại hội nghị - Ảnh: Thuận Thắng

Phó giám đốc công an TP.HCM thiếu tướng Phan Văn Minh báo cáo sơ bộ về tình hình chống tham nhũng của lực lượng công an tại hội nghị - Ảnh: Thuận Thắng

Phó giám đốc Công an TP.HCM kiến nghị cấp cán bộ quản lý của cán bộ kê khai phải có kết luận kê khai đó hằng năm. Nếu có những điểm bất hợp lý thì phải yêu cầu bổ sung, thậm chí bổ sung về nguồn gốc tài sản, nộp thuế thu nhập để chứng minh là tài sản hợp pháp.

Đồng thời phải có chế tài nếu có kê khai bất minh thậm chí là phải coi là vi phạm cần phải xử lý.

Ông Minh cho rằng phải để việc kê khai tài sản trở thành một dữ liệu để có thể căn cứ vào đó tiến hành phòng ngừa và điều tra tham nhũng.

“Có một số vụ án được Thường trực Thành ủy cho ý kiến để Công an TP tiếp cận bản kê khai tài sản của một số cán bộ nhưng cho đến nay Công an TP không tiếp cận được. Thế thì bản kê khai tài sản đó đi đâu?” - phó giám đốc Công an TP đặt câu hỏi.

Nguy cơ tham nhũng lớn nhất ở hải quan và ngân hàng

Đây là nguy cơ mà thiếu tướng Phan Anh Minh cảnh báo trong năm 2016. Ông cho biết hiện nay 50% các vụ buôn lậu được phát hiện ở TP.HCM đều có bóng dáng của nhân viên hải quan.

Lĩnh vực thứ hai là ngân hàng và cho thuê tài chính, và theo ông đây là lĩnh vực gây thiệt hại lớn nhất.

Theo Viễn Sự-Mai Hoa

Tuổi Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên