MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khó bắt quả tang trộm hành lý ở sân bay Tân Sơn Nhất

12-06-2015 - 10:17 AM | Xã hội

Các đơn vị liên quan dến sân bay Tân Sơn Nhất cho biết đã ghi nhận một số trường hợp hành lý bị moi móc, mất mát...

Chỉ trong những ngày đầu tháng 6-2015, Trung tâm an ninh hàng không Tân Sơn Nhất (TSN) ghi nhận và chuyển Cảng vụ hàng không miền Nam xử lý ba trường hợp là nhân viên vệ sinh, vận chuyển có dấu hiệu ăn cắp, cầm giữ đồ gồm điện thoại, sạc pin của khách.

Đó là thông tin được đưa ra tại buổi làm việc giữa Cục Hàng không VN với Cảng hàng không TSN về công tác giám sát, phục vụ đảm bảo an ninh vào ngày 11-6.

Tại buổi làm việc, các đơn vị liên quan cho biết đã ghi nhận một số trường hợp hành lý bị moi móc, mất mát hoặc cầm nhầm giữa các hành khách.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng cho rằng không dễ bắt quả tang việc ăn cắp hành lý của khách, chưa kể nhiều trường hợp hành lý bị mất cắp trước khi về đến TSN hoặc khách bị... nhầm.

Một mất mười ngờ

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Tô Tử Hùng - phó Phòng an ninh hàng không VN - cho biết thống kê trong năm 2014 đã ghi nhận 48 vụ mất cắp hành lý, tài sản, con số này từ đầu năm 2015 đến nay là 23 vụ diễn ra tại các cảng hàng không cả nước.

“Mất mát hành lý là việc không mới do hàng hóa đi qua nhiều điểm. Riêng hàng không, việc trung chuyển hàng hóa nhanh chóng, số lượng lớn nên nguy cơ càng cao. Tuy giá trị mất mát ghi nhận không quá lớn nhưng ảnh hưởng uy tín của ngành cũng như hình ảnh đất nước đối với du khách nước ngoài” - ông Hùng chia sẻ.

Cũng theo ông Hùng, việc “một mất mười ngờ” không chỉ gây tâm lý khó chịu cho riêng hành khách mà chính những đơn vị trực tiếp tham gia quá trình vận chuyển cũng bức xúc. Việc mất cắp hành lý không dễ dàng xác định bởi cảng hàng không tập trung rất nhiều đơn vị tham gia hoạt động, bất cứ cá nhân nào cũng nằm trong diện khả nghi khi có sự cố xảy ra.

“Có rất nhiều trường hợp đồ đạc bung khóa, mất mát từ sân bay đi hoặc trung chuyển nhưng nếu không trình đầy đủ đường đi của hàng hóa sẽ rất khó thuyết phục hành khách” - ông Hùng cho hay.

Dù cho biết số lượng hàng hóa không còn nguyên hiện trạng, bung khóa trước khi được vận chuyển về sân bay TSN khá nhiều, nhưng ông Nguyễn Đức Tiến - phó giám đốc cảng kiêm giám đốc an ninh Cảng hàng không TSN - khẳng định không có bất cứ tiêu cực nào đối với nhân viên phục vụ tại cảng.

“Có trường hợp Việt kiều Mỹ về cảng phát hiện kiện hàng không còn nguyên vẹn. Ngay lập tức, hành khách này khẳng định sai phạm thuộc về phía cảng và lăng mạ trước sự chứng kiến của hàng trăm hành khách. Tuy nhiên, khi chúng tôi kiểm tra qua hệ thống giám sát, cân lại và kiểm tra hành lý thì ghi nhận mảnh giấy của Cục Hàng không Mỹ đã kiểm tra hành lý không có sự chứng kiến của hành khách này” - ông Tiến nói.

Cũng theo ông Tiến, đơn vị đang triển khai hàng loạt kế hoạch để thắt chặt an ninh hàng không, tránh mất mát hành lý, tuy nhiên để triệt tiêu 100% sự cố là điều không thể bởi đây là thực trạng chung của các cảng hàng không thế giới, dù hiện đại đến mấy.

Tính từ đầu năm đến nay Cảng hàng không TSN phục vụ khoảng 10 triệu lượt khách, tần suất 70.000 hành khách/ngày nên có thể thấy việc đảm bảo an ninh, kiểm soát mất mát hành lý được thực hiện nghiêm ngặt.

Phòng là... chính

Ông Phạm Ngọc Tùng - phó giám đốc Xí nghiệp thương mại mặt đất TSN (TIAGS) - cho biết việc bắt quả tang nhân viên có hành vi ăn cắp tài sản, hành lý của khách hàng không dễ. Do đó, công tác giám sát nội bộ được đặt lên hàng đầu.

Trong đó, công tác tuyển chọn nhân viên cùng các biện pháp nghiệp vụ theo dõi, chuyển vị trí công tác nhằm hạn chế tình trạng móc nối, tuồn hàng ra ngoài được chú trọng. Việc thực hiện lắp đặt camera giám sát khu để đồ của nhân viên cũng được tính đến nhưng đang cân nhắc vì có thể vi phạm quyền cá nhân.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Hùng - giám đốc Công ty TNHH một thành viên Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) - cho rằng ngoài việc lắp đặt thêm các điểm camera giám sát, cần có khu quản lý đồ của nhân viên. Cụ thể, tất cả đồ dùng cá nhân được để ngoài khu làm việc và được kiểm soát chặt chẽ tương tự hình thức khách hàng bỏ đồ trước khi vào mua sắm tại các khu siêu thị.

Tuy nhiên, ông Phan Ngọc Linh - giám đốc Trung tâm kiểm soát khai thác sân bay TSN - cho biết dù việc giám sát được thực hiện nghiêm ngặt nhưng rất khó kiểm soát. Do đó công tác đào tạo, huấn luyện nâng cao ý thức nhân viên phải được coi trọng.

Bên cạnh đó, việc xử lý phải mạnh tay để tạo tính răn đe. Theo ông Linh, có những trường hợp bị phát hiện, đơn vị chuyển người vi phạm qua công an địa phương nhưng việc xử lý không đủ sức răn đe.

Theo khuyến cáo của ông Linh, đối với hành lý có giá trị, hành khách nên giữ bên mình theo hành lý xách tay. Riêng hành lý ký gửi, cần kê khai loại hành lý này rõ ràng trước khi gửi. Khi xảy ra sự cố, đơn vị sẽ xác minh toàn bộ quy trình vận chuyển để bồi thường theo quy định.

Tuy nhiên, không ít trường hợp hành khách không mang theo tài sản nhưng nhớ nhầm, thậm chí kê khai khống.

Bà Bùi Thị Hằng - trưởng phòng an ninh hàng không Jetstar - cho rằng việc phòng tránh mất mát tài sản cũng cần sự chú tâm từ chính khách hàng.

Theo bà Hằng, rất nhiều khách hàng để tài sản có giá trị lớn trong hành lý ký gửi dù có thể mang theo dạng xách tay. Khi được nhắc nhở hoặc qua soi chiếu, đơn vị phát hiện khá nhiều trường hợp này.

“Chúng tôi tiến hành bàn giao lại cho khách tự bảo quản hoặc kê khai trước khi nhận vận chuyển hành lý này để tránh mất mát có thể xảy ra” - bà Hằng nói.

Theo thống kê của SAGS và TIAGS, trong tháng 1 và 2-2015 có trên 300 vụ việc hành lý của khách hàng bị rạch, bung khóa, moi móc trước khi về đến sân bay Tân Sơn Nhất, được các đơn vị lập biên bản xác nhận để thông báo rõ với khách hàng.

 

Theo Lê Sơn

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên