MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không đồng tình tăng thu bảo hiểm xã hội

30-05-2014 - 11:37 AM | Xã hội

Ngày 29-5, tại phiên thảo luận ở tổ về nội dung dự án Luật BHXH (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình với đề nghị tăng thu bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ trút gánh nặng lên người lao động.

Trong khi đó, một số tướng quân đội lại lên tiếng phản đối cách tính lương hưu mới được đưa ra trong dự án luật.

Cần có chế tài với doanh nghiệp trốn đóng BHXH

“Có chứng kiến cuộc sống của công nhân ở khu công nghiệp mới hiểu họ rất đáng thương, ở nhà trọ, cơm gần như chỉ có cơm trắng. Bây giờ luật đặt ra mục đích tăng thu BHXH thì cuối cùng vẫn là người lao động phải đóng. Đóng bây giờ để 25-30 năm sau hưởng thì đúng là quan trọng, nhưng cuộc sống từ nay đến đó còn quan trọng hơn” - đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nói.

Ông cho rằng nguy cơ vỡ quỹ BHXH là hiện thực và cần giải bài toán này, nhưng đây không phải là thời điểm giải bài toán bằng cách tăng thu.

“Cần phải cân nhắc việc tăng thu nhằm vào người lao động” - đại biểu Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) lên tiếng. Theo ông Quang, hiện nay số công ty trốn đóng BHXH cho người lao động còn cao, thậm chí trong từng công ty thì tỉ lệ người lao động được đóng BHXH rất khó đạt 100%.

Nhiều chủ sử dụng lao động coi việc né tránh đóng BHXH là lợi thế cạnh tranh. “Tôi mong muốn bổ sung các điều luật tăng chế tài với chủ lao động vi phạm pháp luật, tăng quyền lực cho đội ngũ thanh tra lao động. Từ đó sẽ tăng được số tiền thực thu hằng năm” - ông Quang nói.

Theo đại biểu Trần Thanh Hải (phó chủ tịch thường trực Tổng liên đoàn Lao động VN), một trong những nguyên nhân làm cho quỹ BHXH hoạt động không đạt yêu cầu là tình trạng chưa chế tài được người sử dụng lao động trốn thực hiện nghĩa vụ của mình.

Ông Hải ghi nhận dự án luật mở ra nhiều quy định để giảm thiểu tình trạng vi phạm nói trên, nhưng cần bổ sung quyền được biết của người lao động về kết quả đóng BHXH bất cứ lúc nào, thay vì định kỳ sáu tháng và một năm. “Quỹ BHXH có vỡ hay không vỡ?” - đại biểu Hải cho rằng điều này đang gây nên nhiều băn khoăn, trong khi những biện pháp được đề xuất để khắc phục vấn đề này lại đổ trách nhiệm lên đầu người lao động.

Tướng quân đội lên tiếng

Thiếu tướng Nguyễn Văn Hưng (TP.HCM) dẫn những nội dung của nghị quyết Trung ương 6 khóa X (năm 2008) có liên quan đến những chủ trương về BHXH, để cho rằng dự án luật nói trên đi ngược lại với tinh thần của nghị quyết này, đồng thời nhấn mạnh “đây là điều rất đáng tiếc”.

Đại biểu Hưng đưa ra nhiều phân tích, dẫn chứng cho rằng cách tính lương hưu mới như dự thảo luật sẽ làm giảm tiền lương hưu, ảnh hưởng lớn đến đời sống cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang khi nghỉ hưu.

Trước mắt là ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm và chất lượng của bộ máy công quyền, sẽ không thu hút được cán bộ giỏi vào khu vực nhà nước bởi chế độ tiền lương, chế độ BHXH đều không còn hấp dẫn. “Cụ thể, theo cách tính mới đề xuất, lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức giảm khoảng 51% và lực lượng vũ trang giảm khoảng 42% so với cách tính lương hưu hiện tại. Như thế là không thể chấp nhận được, cần giữ nguyên như hiện nay” - ông Hưng nói.

Cũng viện dẫn nghị quyết trung ương, đại biểu - trung tướng Nguyễn Văn Thanh (Hà Nội) nói: “Tôi thấy rằng nếu tính như vậy thì lương hưu của cán bộ công chức sẽ giảm 25-30%, lương của quân đội giảm 35-46%. Luật ra đời phải hợp lòng dân, phải khuyến khích được những người làm việc trong bộ máy công quyền, lực lượng vũ trang. Tôi đề nghị phải tách nhóm này ra để tính BHXH riêng. Còn người lao động thì đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu” - tướng Thanh bày tỏ.

Thực chất của câu chuyện trên là gì? Theo quy định hiện hành, người lao động thuộc lực lượng vũ trang (quân đội, công an) và công chức, viên chức được tính lương hưu trên cơ sở mức đóng trung bình của năm năm cuối đóng BHXH. Cứ theo hệ số thang, bảng mà lên lương, các đối tượng trên nhận lương vào những năm cuối (trước khi về hưu) cao hơn rất nhiều so với những năm đầu. Vì vậy nếu lấy mức trung bình những năm cuối đóng BHXH để nhận lương hưu thì mức lương hưu sẽ cao.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) bình luận: “BHXH là nguyên tắc đóng - hưởng, mức đóng phải tương đương với mức hưởng thì quỹ mới không bị vỡ. Vì vậy mới đưa ra phương pháp tính từ lúc bắt đầu đóng đến lúc hưởng lương hưu thì mới đúng, chứ còn nếu chỉ tính mấy năm cuối tức là mức lương cao thì quỹ hưu trí sẽ vỡ. Tôi cho rằng việc điều chỉnh luật BHXH đến thời điểm này là không thể lùi được nữa”.

Theo Lê Kiên - Quốc Thanh

cucpth

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên