MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không nên giao thêm cơ quan có thẩm quyền điều tra

01-03-2015 - 19:14 PM | Xã hội

Nhiều ý kiến không đồng tình giao Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban chứng khoán nhà nước tiến hành một số hoạt động điều tra.

Dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bổ sung quy định Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban chứng khoán nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

>>>Giao nhiệm vụ điều tra cho kiểm ngư, thuế, Ủy ban chứng khoán?

Liên quan nội dung này, Báo cáo của Ủy ban Tư pháp cho thấy vẫn còn hai loại ý kiến khác nhau trong cơ quan thẩm tra.

Theo đó, có một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định trên vì đây là những cơ quan thuộc những lĩnh vực đặc thù (thuế, chứng khoán, thủy sản trên biển) là những lĩnh vực có số vụ vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp.

Hiện nay, các cơ quan này chỉ có chức năng thanh tra các vụ việc và nếu nghi ngờ có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cho cơ quan điều tra chuyên trách. Trong nhiều trường hợp, hoạt động này không đủ sức ngăn chặn, xử lý và răn đe vi phạm.

Nếu các cơ quan trên được giao nhiệm vụ thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp giải quyết, xác minh, lấy lời khai ban đầu, trưng cầu giám định khi cần thiết, khởi tố vụ án hình sự và chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền thì sẽ kịp thời ngăn chặn, xử lý tội phạm trong các lĩnh vực này.

Ngoài ra, các ý kiến đồng tình cho rằng việc giao các cơ quan trên thẩm quyền điều tra ban đầu sẽ giảm tải cho các Cơ quan điều tra chuyên trách.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng cho biết loại ý kiến thứ 2 đề nghị giữ nguyên như quy định của pháp luật hiện hành về các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Lý do được đưa ra là khác với các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hiện nay có địa bàn hoạt động thường ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; hoạt động xác minh, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan Thuế, Ủy ban chứng khoán nhà nước chủ yếu làm việc tại trụ sở cơ quan, kiểm tra vụ việc trên giấy tờ, tài liệu, khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì có thể chuyển ngay hồ sơ vụ việc cho Cơ quan điều tra chuyên trách nên không cần thiết phải giao thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra cho các cơ quan này.

Riêng đối với cơ quan Kiểm ngư mặc dù có địa bàn hoạt động trên biển nhưng cũng trên địa bàn này đã có lực lượng Cảnh sát biển hoạt động, nên việc bổ sung Kiểm ngư là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cũng không thực sự cần thiết.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước đồng tình với cách lập luận của loại ý kiến thứ 2 và đề nghị cân nhắc kẻo chồng lấn, không rõ trách nhiệm: “Quá nhiều có khi lại buông lỏng, nên chăng quy định sự phối hợp. Tràn lan cơ quan điều tra rồi biên chế phình ra”.

Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Thuân cho rằng vì đây là luật về tổ chức, liên quan đến người có chức danh tư pháp nên cần tuân thủ theo yêu cầu trong Kết luận của Bộ Chính trị về giữ nguyên tổ chức bộ máy. Vì “nhiều ngành còn cần có hoạt động điều tra hơn chứng khoán, thuế. Xây dựng luật này phải thống nhất với hệ thống luật”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh đây là dự án luật rất quan trọng, thể chế hóa quan điểm chủ trương trong Nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa quan điểm nguyên tắc tư pháp trong Hiến pháp 2013, trên cơ sở tổng kết các pháp lệnh trước đây, nhằm khắc phục hạn chế của pháp luật hiện hành. Do đó, về đề nghị bổ sung một số cơ quan có hoạt động điều tra, Phó Chủ tịch Quốc hội kết luận thống nhất nguyên tắc trong kết luận của Bộ Chính trị, không nên mở rộng cơ quan có thẩm quyền điều tra, thu gọn cơ quan điều tra và cả bên trong nội bộ cơ quan điều tra.

Phân công, phân cấp chuyên sâu, tránh chồng chéo

Một điểm mới trong dự thảo luật đề cập thẩm quyền điều tra toàn diện các tội phạm trong cùng vụ án cũng không nhận được sự nhất trí trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Dự thảo luật quy định đối với trường hợp khi Cơ quan điều tra tiến hành điều tra tội phạm thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình mà phát hiện người phạm tội còn thực hiện tội phạm khác thì Cơ quan điều tra đó cũng được khởi tố, điều tra đối với tội phạm này.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, trên thực tế, việc phân công các cơ quan điều tra điều tra các tội trong cùng vụ án đã được áp dụng trong một số trường hợp. Tuy nhiên, việc này không phải là phổ biến và phải đảm bảo tính hợp lý, hợp pháp, chống lạm dụng để vi phạm pháp luật, đồng thời phải tuân thủ nguyên tắc tổ chức điều tra hình sự đã được nêu tại khoản 2 Điều 3 của dự thảo Luật là “phân công, phân cấp chuyên sâu, rành mạch, tránh chồng chéo, trùng giẫm và được kiểm soát chặt chẽ”.

Do đó, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, để đảm bảo hiệu quả của hoạt động điều tra tội phạm, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm thì cần quy định theo hướng thẩm quyền điều tra nói chung phải tuân thủ nguyên tắc phân công, phân cấp chuyên sâu, rành mạch, tránh chồng chéo, trùng giẫm và được kiểm soát chặt chẽ và có sự phối hợp của các cơ quan điều tra theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong một số trường hợp cụ thể cần thiết.

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh cũng cho rằng không quy định vì “không rạch ròi, không chuyên môn hóa, có phần không phù hợp với luật mới của Luật Tổ chức Viện KSND và trong thực thế không xử lý được việc khác thẩm quyền”.

Kết luận các ý kiến trong phiên họp 35 Ủy ban thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ phải đảm bảo phân công, phân cấp, tránh chồng chéo, theo thẩm quyền. Còn khi phát hiện người phạm tội còn thực hiện tội phạm khác thì thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Theo Ngọc Thành

PV

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên