MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỳ này, đại biểu chất vấn Thủ tướng những gì?

19-11-2013 - 10:36 AM | Xã hội

Vừa bằng kỳ họp Quốc hội thứ 5, kỳ họp này cũng mới có 5 chất vấn bằng văn bản được gửi tới Thủ tướng, tính đến 17h ngày 18/11.

Con số này khá ít ỏi so với nhiều thành viên Chính phủ khác, nhưng lại là quá nhiều so với các phó thủ tướng. Ngoài Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận được một chất vấn thì chưa có văn bản chất vấn nào được gửi đến các phó thủ tướng khác.

5 chất vấn dành cho Thủ tướng đề cập các nội dung rất khác nhau, nhưng đều có câu hỏi về trách nhiệm.

Một đại biểu chuyên trách ở Trung ương nêu, ở Việt Nam, Chính phủ quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Văn bản pháp lý cao nhất là Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011. Khi Chính phủ ban hành Nghị định, chính quyền địa phương và nhân dân rất đồng tình khi nhiều chính sách dân tộc được nhà nước đề ra. Nhưng đến nay, gần hai năm qua có rất nhiều chính sách chưa được Chính phủ ban hành, các bộ hướng dẫn (khoản 14 chính sách trong Nghị định 05 của Chính phủ), các địa phương không tổ chức thực hiện được chính sách.

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết nguyên nhân và giải pháp trong thời gian tới? Trách nhiệm này thuộc về ai?

Nội dung thứ hai được vị đại biểu nói trên chuyển đến người đứng đầu Chính phủ là, năm 2013, được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách mới, đồng bào dân tộc rất phấn khởi. Hiện nay, có ba chính sách ban hành nhưng ngân sách không bố trí thực hiện (Quyết định số 775/QĐ-TTg về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc nghèo; Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg về hỗ trợ đất ở và việc làm đồng bào dân tộc đồng bằng Sông Cửu Long; Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg về chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất cho hộ dân tộc thiểu số) và Chương trình 135 hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng theo Quyết định số 551/QĐ-TTg.

Đề nghị Thủ tướng cho biết vì sao nhà nước ban hành chính sách nhưng ngân sách không bố trí ngân sách thực hiện và năm 2014 có bố trí ngân sách thực hiện không? Đại biểu đặt câu hỏi.

Vị đại biểu khác thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang ghi phiếu chất vấn gửi Thủ tướng: qua tiếp xúc cử tri tại kỳ họp thứ 5 và trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13, cử tri tỉnh Tuyên Quang cho rằng hiện nay Bộ Y tế chậm trễ trong việc triển khai ban hành danh mục bệnh tật để làm cơ sở giải quyết chế độ, chính sách cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học theo quy định tại khoản 2, Điều 39 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ.

Hiện nay, qua rà soát, tỉnh Tuyên Quang có 186 đối tượng và con đẻ của người hoạt động kháng chiến, tham gia trong vùng Mỹ rải chất độc hóa học còn tồn chưa được giải quyết, lý do là tại văn bản số 4515/BYT-KCB ngày 25/7/2013 về việc thực hiện Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định về điều kiện xác nhận đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học của Bộ Y tế trả lời: “Hiện nay Bộ chưa có cơ sở khoa học thực tiễn để ban hành danh mục bệnh tật dị dạng, dị tật do nhiễm chất độc hóa học…”.

Cử tri tỉnh Tuyên Quang mong muốn Thủ tướng chỉ đạo sớm giải quyết vì trong số đối tượng này có một số người đang mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, đang chờ được giải quyết chế độ.

Trong 3 năm (2010 đến 2012), nhiều địa phương tại các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Bắc Cạn, có kết dư quỹ bảo hiểm y tế. Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế và Nghị định 62 của Chính phủ, thì các địa phương trên được hưởng phần kết dư. Nhưng đến nay chưa có tỉnh nào được hưởng, một vị đại biểu khác phản ánh.

Sau đó chất vấn Thủ tướng: việc không thực hiện chuyển phần kết dư địa phương được hưởng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế cho địa phương được hưởng thì Chính phủ có vi phạm quy định trên hay không? Nguyên nhân chậm chuyển trả phần kết dư địa phương được hưởng? Giải pháp truy trả cho địa phương như thế nào?

Sốt ruột vì dự án điện hạt nhân chậm tiến độ, một vị đại biểu chuyên trách cũng ghi phiếu chất vấn chuyển đến người đứng đầu Chính phủ.

Ông viết, tại Nghị quyết số 41/2009/QH12, Quốc hội đã quyết định dự kiến lộ trình triển khai thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận: "Khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào năm 2014, đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020".

Ngày 23/10/2012, Chính phủ có báo cáo số 297/BC-CP nêu: "dự kiến tháng 3/2013 sẽ hoàn thành hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.

Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 6, báo cáo số 370/BC-CP ngày 14/10/2013 lại nêu: sẽ hoàn thành lập hồ sơ phê duyệt địa điểm xây dựng và dự án đầu tư nhà máy này vào tháng 12/2013 và không đề cập đến việc khởi công nhà máy vào 2014. Còn tại báo cáo thẩm tra số 1049/BC-UBKHCNMTQH13 ngày 23/10/2013 của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội lại khẳng định: "...đến năm 2014 sẽ chỉ có thể khởi công các công trình hạ tầng phục vụ thi công như đường giao thông, điện, nước. Và mẻ bê tông đầu tiên cho tâm lò phản ứng chỉ được đổ sớm nhất vào cuối năm 2017, đầu năm 2018 khi TKKT được duyệt và có giấy phép xây dựng".

Như vậy, cho đến nay có thể khẳng định dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ bị chậm, không đạt tiến độ như Nghị quyết 41/2009/QH13 yêu cầu.

Đại biểu đặt câu hỏi: "Kính đề nghị Thủ tướng cho biết: 1. Nguyên nhân, trách nhiệm của sự chậm trễ này. 2. Sự chậm trễ này có làm tăng chi phí đầu tư và làm giảm hiệu quả của dự án không?".

Theo Nguyên Vũ

cucpth

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên