MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỳ vọng

30-11-2013 - 07:38 AM | Xã hội

Sau nhiều lần trưng cầu ý kiến, bàn thảo và điều chỉnh, Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua vào sáng 29-11 với tỉ lệ đại biểu tán thành rất cao.

Người dân cũng như các cơ quan quản lý đặt nhiều niềm tin vào tính thực tiễn của Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó một trong những kỳ vọng lớn là giúp từng bước hạn chế tình trạng khiếu kiện kéo dài liên quan đến quyền lợi về đất đai.

Yếu tố thường gây nên khiếu kiện là thu hồi đất. Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”. Đây không còn chỉ là câu chuyện thu hồi đất mà cần phải làm rõ khái niệm chỉ mua và trưng mua quyền sử dụng đất là thứ quyền tài sản, hay nói cách khác là hàng hóa chỉ được mua bán trên cơ sở tính giá thuận mua, vừa bán. Yêu cầu công khai, minh bạch trong thu hồi đất được đề cao. Thế nên, trong các văn bản hướng dẫn thi hành luật sau này cần phải nêu thật rõ các nội hàm nói trên.

Ngoài ra, bất cập hiện nay là quy định về phương pháp đánh giá không dựa trên giá trị mà sử dụng mới đưa lại, đặc biệt là nông dân luôn bị thiệt thòi bởi trình độ, kiến thức còn hạn chế, thiếu các thông tin công khai, minh bạch. Giá trị của tài sản luôn có 2 thành phần, phần hữu hình thể hiện thành cơ sở vật chất kỹ thuật cụ thể và phần vô hình được tính dựa vào lợi thế do địa điểm xây dựng và thương hiệu của chủ thể đem lại. Việc tính giá tài sản, giá đất như thế nào để giải đáp thỏa đáng mối quan hệ mua - bán quyền sử dụng đất dựa trên căn cứ khoa học và thực tiễn, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của người dân đang sử dụng đất, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích của nhà nước là bài toán cần được xem xét, phân tích một cách logic, thuyết phục.

Có những điểm mới rất đáng ghi nhận trong Luật Đất đai (sửa đổi). Đó là tăng cường các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường, thực hiện định giá đất theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước nhằm tiến tới xóa bỏ bao cấp trong quản lý, sử dụng đất đai, khắc phục tình trạng “xin - cho” trong sử dụng đất. Luật cũng hoàn thiện các quy định nhằm tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình lập, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Thực tế cho thấy riêng đất trồng lúa, cả nước mất 70 ha/năm, thường thì “bị” chuyển đổi thành đất dự án. Rất nhiều tổ chức, đơn vị được giao đất, được cho thuê đất với nhiều ưu đãi sau đó đã bỏ hoang dự án hoặc sử dụng đất sai mục đích trong khi người dân không được bồi thường thỏa đáng, thiếu đất sản xuất, không được tái định cư bài bản... Một khi luật khắc phục căn cơ nạn xin - cho đất dễ dãi và “thị trường hóa” việc định giá đất cũng như mức đền bù sẽ giúp tối ưu hóa hiệu quả khai thác, sử dụng đất, đồng thời ổn định các quan hệ xã hội.

Bên cạnh những kỳ vọng đó, vẫn còn nhiều việc phải nghĩ, phải làm để Luật Đất đai (sửa đổi) khi áp dụng vào thực tế sẽ phát huy hiệu quả như mong đợi.

Theo Tô Văn Trường

thanhhuong

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên