MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lát đá lòng đường 55m, Hà Nội phải chi hơn 1,5 tỷ đồng

18-08-2015 - 15:04 PM | Xã hội

Theo lãnh đạo Ban quản lý phố cổ Hà Nội, chi phí lát đá lòng đường 55m đoạn phố Tạ Hiện là 1,5 tỷ đồng.

Trước dư luận nhiều chiều về việc UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất lát đá lòng đường 11 tuyến phố cổ, Ban Quản lý phố cổ và UBND quận Hoàn Kiếm vừa có buổi gặp gỡ báo chí để thông tin về sự việc.

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Tuấn Long, Phó Ban quản lý phố cổ cho hay, thực hiện kế hoạch bảo tồn, chỉnh trang phố cổ, từ năm 2010 UBND quận Hoàn Kiếm, cụ thể là Ban Quản lý phố cổ đã triển khai nhiều phần việc, trong đó có chỉnh trang, cải tạo hạ tầng trên các tuyến phố.

Bằng việc cải tạo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, đến nay quận Hoàn Kiếm đã cải tạo, hạ chìm cống nổi và lát đá tự nhiên vỉa hè của 77 trên tổng số 79 phố cổ.

Đặc biệt, theo Ban quản lý phố cổ, để có hạ tầng đồng bộ, trong các năm 2010, 2011 quận Hoàn Kiếm đã cải tạo kiến trúc mặt ngoài các công trình hai bên đường các tuyến phố Mã Mây, Hàng Buồm, Đào Duy Từ, Tạ Hiện...

Theo đó, cùng với cải tạo kiến trúc hai bên, mặt đường gồm vỉa hè, lòng đường đoạn từ phố Đào Duy Từ đến Lương Ngọc Quyến được lát đá xanh tự nhiên. Điều này tạo nên sự đồng bộ cho phố Tạ Hiện và khu phố trở thành điểm thu hút khách đến phố cổ.

“Chi phí lát đá lòng đường, hàm ếch thoát nước cho 55 mét phố Tạ Hiện là 1,5 tỷ đồng (thời điểm năm 2010). Đá lát lòng đường Tạ Hiện là loại tự nhiên, kích thước 10x10x10 cm. Việc chọn kích thước đá như trên để phù hợp với việc thoát nước cũng như sửa chữa nếu có hư hỏng xảy ra”, đại diện Ban quản lý phố cổ cho biết.

Đề cập đến 11 tuyến phố UBND quận Hoàn Kiếm vừa đề xuất lát đá, đại diện Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, 11 tuyến phố được đề xuất lát đá lòng đường có tổng chiều dài khoảng 2,2 km. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất và kinh phí lát phụ thuộc vào phương án thiết kế nên hiện chưa khái toán số tiền phải bỏ ra nếu thực hiện.

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi việc người dân sống trên đoạn phố đã lát đá lòng đường phản ánh khi mưa thường xảy ra tai nạn có phải do đá khi ướt trơn trượt, ông Phó Ban quản lý phố cổ phủ nhận ý kiến trên và cho biết: "Đá lát ở Tạ Hiện là đá nhám. Đặc điểm của tuyến phố này có tỷ lệ kinh doanh hàng ăn chiếm đa số nên dầu mỡ bám đá gây trơn trượt. Chúng tôi biết và đã kết hợp với chính quyền phường tuyên truyền nhắc nhở người dân".

Cũng theo ông Long, đơn vị đã đánh giá hoạt động giao thông tại 11 tuyến phố đề xuất lát đá lòng đường. Phố Tạ Hiện sau khi lát đá một đoạn đã cấm ô tô lưu thông, chỉ cho xe máy hoạt động và phần lớn thời gian chỉ có người đi bộ. Nếu các tuyến phố được đề xuất hoàn thành, phương án hạn chế phương tiện giao thông cũng có thể được tính đến.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo của đề xuất. Nếu các sở, ngành thành phố ủng hộ, thành phố thống nhất chủ trương, quận sẽ tổ chức lấy ý kiến các nhà khoa học và nhân dân trước khi thực hiện lát đá 11 tuyến phố cổ", Phó ban quản lý phố cổ khẳng định.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó trao đổi với phóng viên Infonet, ông Nguyễn Quốc Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, việc lát đá 11 tuyến phố cổ mới chỉ là ý tưởng.

Theo ông Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, việc này đang được báo cáo lãnh đạo thành phố để xin ý kiến các đơn vị liên quan vì trong thời gian tới, một số tuyến phố cổ sẽ trở thành các tuyến phố đi bộ.

Theo ông Hoa, nếu chỉ dành cho việc đi bộ thì việc lát đá lòng đường là hợp lý và được người dân đồng tình. Hơn nữa, việc lát đá này cũng đã được nhiều nước làm.

Tuy nhiên, ông Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cũng thừa nhận, ở một số tuyến phố cổ hiện nay không chỉ có đi bộ mà còn có các phương tiện giao thông khác cho nên đây mới là đề xuất về mặt ý tưởng để nghiên cứu và lắng nghe ý kiến nhiều chiều của dư luận.

“Thành phố chưa phê duyệt và đề xuất đưa ra mới dừng lại ở việc ý tưởng cho nên từ giai đoạn ý tưởng đến giai đoạn thực hiện còn rất dài”, ông Hoa nói.

Còn PGS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng cho biết, trước đây ở một số tuyến phố cổ của Châu Âu người ta cũng lát gạch đá hoa cương cho nền đường. Tuy nhiên, sau một thời gian đi lại, gạch lát nền bị bào mòn gây xóc cho các phương tiện qua lại và tạo ra những tiếng ồn lớn nên họ đã phải bới hết gạch, cát lên để trải thảm nhựa.

“Với Hà Nội, đường nhựa đang đẹp có nên làm việc tốn kém như vậy không? Việc trước tiên Hà Nội cần làm lúc này không phải là mang đá ra lát đường mà cần làm cho lòng đường, vỉa hè và cảnh quan hai bên khu phố cho tốt, giữ được nét cổ chứ không phải đưa đá vào lát thì sẽ thành cổ kính", ông Hùng nói.

Theo Vạn Xuân

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên