MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Màn đổ tội “kinh điển” và chuyện “rút tiền ở đâu không nhớ”

30-04-2014 - 22:24 PM | Xã hội

Tổng Giám đốc Mai Văn Phúc không những chối tội cho mình mà còn một mực đổ tội sếp Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng.

 Còn Trần Hải Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines khai “đưa cho Dũng, Phúc và Chiều số tiền 20 tỷ 340 triệu đồng”. Còn rút tiền ở ngân hàng thời điểm nào thì “đến bị cáo còn không nhớ rõ thì sao ngân hàng nhớ được”.

Đúng một tuần trôi qua kể từ ngày Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án tham ô tài sản và cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải (Vinalines) liên quan đến nguyên Chủ tịch HĐQT Dương Chí Dũng, nguyên Tổng Giám đốc Mai Văn Phúc và các đồng phạm đã sắp kết thúc. Suốt quá trình xét xử vụ án này, chúng tôi thấy có một số điểm nhấn sau và đây có thể là mấu chốt của vụ án.

Sợ Chủ tịch HĐQT kỷ luật nên phải thực hiện

Giữ cương vị Tổng Giám đốc Vinalines, trực tiếp ký các văn bản, chứng từ mua ụ nổi 83M và các vấn đề kinh tế liên quan đến việc mua ụ nổi gây thất thoát cho Nhà nước số tiền hơn 366 tỷ đồng, thế nhưng xuyên suốt phiên xử, mỗi khi HĐXX cũng như các luật sư bào chữa xét hỏi về hành vi cố ý làm trái, Phúc không những chối tội cho mình mà còn một mực đổ tội cho Dương Chí Dũng.

Phúc cho rằng, ở Vinalines, Dũng luôn dùng quyền lực của Chủ tịch HĐQT để ép hoặc định hướng cấp dưới phải thực hiện theo ý tưởng của Dũng. Trong vụ án này, Dũng cũng nhiều lần chỉ đạo cấp dưới, trong đó có Phúc phải nhanh chóng mua ụ nổi để phục vụ công việc chung của Vinalines. “Có lần Dũng bảo, nếu tôi không thực hiện thì Dũng sẽ kỷ luật và báo cáo người có thẩm quyền cách chức tôi”, Phúc khai.

Vậy nhưng khi HĐXX hỏi Phúc “Vì sợ bị kỷ luật, vì sợ bị cách chức nên bị cáo phải làm theo cả những điều sai trái hay sao?”, thì Phúc lại biện minh: “Thực ra thì những điều Dũng chỉ đạo cũng đã được Hội đồng quản trị của Vinalines thông qua và quyết nghị. Chỉ có điều để cụ thể hóa những quyết nghị của Hội đồng quản trị thì tôi là người trực tiếp ký các văn bản, giấy tờ liên quan”.

HĐXX hỏi lại Phúc “Vậy sao bị cáo lại khai vì sợ Dũng dọa kỷ luật, vì sợ Dũng đề nghị người có thẩm quyền cách chức nên phải làm?”. Phúc trả lời chống chế “Thì quyết nghị của Hội đồng quản trị cũng là do Dũng định hướng cả thôi”. HĐXX nói với Phúc: “Bị cáo đã dám làm thì phải dám chịu chứ. Mình làm sai rõ rồi mà lại cứ đổ cho người khác chỉ đạo là sao”. Đến đây thì Phúc không nói gì nữa.

Bị cáo khai rút tiền ngân hàng, ngân hàng nói không có

Trong suốt quá trình điều tra cũng như ở cả hai tòa sơ thẩm và phúc thẩm xét xử vụ án này, bị cáo Trần Hải Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines đều khẳng định đã nhiều lần rút số tiền rất lớn từ Ngân hàng Hàng hải để đưa tiền cho các bị cáo Dũng, Phúc và Chiều. Theo Sơn khai thì đây chính là số tiền 1,66 triệu USD (tương đương 28 tỷ đồng) lại quả từ việc mua ụ nổi 83M của Công ty AP cho một nhóm người của Vinalies.

Để làm rõ vấn đề này, HĐXX đã đề nghị đại diện Ngân hàng Hàng hải trình bày kết quả xác minh việc rút tiền của bị cáo Sơn. Đại điện ngân hàng cho biết, đã tìm nhiều lần nhưng vẫn chưa tìm ra được giao dịch nào của anh bị cáo Sơn với Ngân hàng Hàng hải.

HĐXX hỏi Sơn “Ngân hàng nói không rút, vậy bị cáo lấy đâu ra số tiền lớn như thế để đưa cho Sơn, Phúc và Chiều?”. Sơn trả lời lòng vòng “Bị cáo đưa cho Dũng, Phúc và Chiều số tiền 20 tỷ 340 triệu đồng là sự thật. Còn rút tiền ở ngân hàng thời điểm nào thì đến bị cáo còn không nhớ rõ thì sao ngân hàng nhớ được”.

Đến câu trả lời này của Sơn thì bị cáo Phúc không kiềm chế nổi phải thốt lên “Thưa tòa, thời điểm vụ án mới xảy ra, bị cáo không nghĩ Sơn một mình có thể giải quyết được số tiền 1,66 triệu USD. Nhưng đến bây giờ thì bị cáo lại nghĩ khác rồi. Sơn khủng khiếp quá!”.

Kêu oan không được thì xin giảm nhẹ hình phạt

Lê Văn Dương, nguyên đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6 - Cục Đăng kiểm Việt Nam bị Tòa sơ thẩm tuyên phạt 7 năm tù về tội cố ý làm trái, buộc bồi thường 9 tỷ đồng. Sau phiên sơ thẩm, Dương kháng cáo kêu oan. Trước đó, Dương được lãnh đạo đơn vị giao nhiệm vụ theo đoàn khảo sát của Vinalines sang Nga giám định ụ nổi 83M và về báo cáo trung thực. Tuy nhiên, khi đã “cùng hội, cùng thuyền” với đoàn khảo sát của Vinalines, Dương đã không làm đúng quy định và trách nhiệm của đăng kiểm viên. Mặc dù biết rõ ụ nổi 83M khi đó không đã hư hỏng, không hoạt động nhưng Dương vẫn báo cáo là “Ụ nổi 83M có hoạt động”. Chính điều này là một trong những căn cứ để lãnh đạo Vinalines thời điểm đó quyết định mua ụ nổi.

Tại phiên tòa phúc thẩm, sau khi để Dương tự khai toàn bộ nội dung liên quan đến chuyến đi khảo sát ở Nga để giám định ụ nổi, Dương đã thừa nhận khi đó ụ nổi không hoạt động, nhưng Dương vẫn báo cáo là ụ nổi hoạt động. “HĐXX hỏi “Vậy bị cáo còn giữ nguyên kháng cáo kêu oan không?”. Dương trả lời “Bị cáo xin rút kháng cáo kêu oan. Chỉ xin HĐXX xem xét đến tình cảnh của bị cáo ở thời điểm đó để giảm nhẹ hình phạt.


Theo Nguyễn Hưng

hangnt

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên