MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Méo mặt với hộp đen

23-08-2015 - 10:40 AM | Xã hội

Nhiều doanh nghiệp vận tải đã chi hàng chục triệu đồng lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (hộp đen - GPS) nhưng không ít thiết bị dù gắn mác “chuẩn” vẫn hoạt động không chính xác

Sau nhiều lần phát hiện tài xế hút trộm dầu, đầu tháng 7-2015, ông Nguyễn Hồng Anh (ngụ phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) quyết định lắp đặt hộp đen cùng thiết bị đo nhiên liệu dầu cho toàn bộ dàn xe ben của công ty.

Qua tham khảo, ông chọn loại thiết bị được cấp chứng nhận hợp quy Vietmap-GPS Tracking VT 350 và cảm ứng tiêu thụ xăng dầu của Công ty TNHH Ứng dụng Bản đồ Việt (TP HCM) với giá 8,3 triệu đồng/bộ (chưa kể cước dịch vụ gần 1,5 triệu đồng/năm). Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn sử dụng, ông Hồng Anh hết sức thất vọng vì thông tin hộp đen báo không chính xác.

Giám sát… tầm bậy

“Qua các thông tin hộp đen báo, tôi thật sự choáng khi thấy kết quả mức tiêu hao nhiên liệu bình quân mỗi xe khoảng 50 lít dầu/100 km. Lúc đầu, tôi cứ nghĩ tài xế lại hút trộm dầu nên định cho nghỉ việc. Song, sợ oan cho anh em nên cuối tháng 7, tôi lái thử một chiếc xe ben để kiểm tra thực tế. Kết quả, xe này chỉ hao khoảng 36 lít dầu/100 km, trong khi hộp đen báo mức tiêu hao gần 50 lít dầu” - ông Hồng Anh cho biết.

Không chỉ báo sai về mức tiêu hao nhiên liệu, quãng đường và lịch trình xe chạy cũng được hộp đen thông tin không chính xác. Qua theo dõi thông tin hộp đen Vietmap-GPS Tracking VT 350 ghi lại quá trình hoạt động dàn xe đầu kéo của một doanh nghiệp (DN) vận tải trên địa bàn TP Quy Nhơn, chúng tôi thấy quãng đường xe chạy từ cảng Quy Nhơn (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) đến KCN Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) được máy tính báo khoảng 21 km. Tuy nhiên, thực tế quãng đường trên dài đến 27 km.

Thậm chí, có xe bị hộp đen “quên” cả lịch trình hoạt động trong ngày. “Ngày 19-7, tôi chạy 2 chuyến hàng từ cảng Quy Nhơn đi KCN Nhơn Hòa và một chuyến từ cảng Quy Nhơn đi Khu Kinh tế Nhơn Hội. Nhưng hôm đó, máy tính hiển thị xe tôi chạy chỉ có 2 chuyến đến KCN Nhơn Hòa khiến anh em công ty nghĩ tôi báo gian để kiếm thêm. Khi tôi đưa phiếu giao nhận hàng chuyến đi Khu Kinh tế Nhơn Hội thì mới được giải oan” - ông Lê Văn Khánh, một tài xế xe đầu kéo ở Quy Nhơn, bức xúc.

Theo nhiều DN vận tải ở TP Quy Nhơn, sau khi phát hiện thông tin hộp đen báo sai lệch về hoạt động của xe, họ đề nghị đơn vị lắp đặt điều chỉnh. Tuy nhiên, phía lắp đặt chỉ hứa cho qua chuyện rồi phớt lờ luôn. “Lần nào họ cũng hứa báo về công ty điều chỉnh nhưng gần tháng qua, máy vẫn tiếp tục báo sai như cũ” - ông Hồng Anh khẳng định.

Một kỹ thuật viên đại lý Công ty TNHH Ứng dụng Bản đồ Việt tại TP Quy Nhơn cho biết nguyên nhân dẫn đến việc hộp đen thông tin sai có thể do thiết bị lỗi hoặc khâu tính toán, lắp đặt chưa chính xác. Khi chúng tôi hỏi giải quyết các lỗi trên như thế nào thì vị này chỉ nói… “tùy trường hợp cụ thể”.

Thừa nhận thực tế có một số trường hợp hộp đen được lắp đặt chưa chuẩn, cho thông tin không chính xác, ông Đặng Cao Thanh, Trưởng Phòng Quản lý vận tải Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Định, nói: “Vấn đề kỹ thuật hộp đen do các bộ, ngành trung ương quản lý, cấp chứng nhận hợp quy. Bởi vậy, chất lượng sản phẩm hộp đen như thế nào thì địa phương không nắm được”.

Sẽ kiểm tra, chấn chỉnh

Không chỉ ở tỉnh Bình Định, tình trạng hộp đen hoạt động không chính xác còn xảy ra ở nhiều địa phương. Trước tình trạng này, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đề nghị DN, chủ xe phản ánh về tổng cục, đơn vị sẽ có tác động, cần thiết sẽ kiểm tra để chấn chỉnh.

Tuy nhiên, ông Quyền cũng cho biết trong quy chuẩn về thiết bị giám sát hành trình, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ quản lý nhà nước về các thông số như tốc độ và thời gian làm việc của tài xế; còn các nội dung như mức tiêu thụ nhiên liệu, quãng đường hoạt động của xe là do DN đặt hàng với nhà cung cấp thiết bị.

“Đây là các giao dịch trong hợp đồng kinh tế giữa 2 bên nên DN và bên cung cấp thiết bị phải giải quyết. Tuy nhiên, qua  phản ánh của DN ở tỉnh Bình Định, tôi sẽ cho anh em trao đổi với phía Công ty TNHH Ứng dụng Bản đồ Việt” - ông Quyền khẳng định.

Vi phạm giảm gần một nửa

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, hệ thống dữ liệu tích hợp của Tổng cục Đường bộ đang quản lý trên 130.000 ô tô gắn thiết bị giám sát hành trình. Thông qua dữ liệu từ các thiết bị này, việc xử lý vi phạm về tốc độ và giám sát thời gian làm việc của tài xế được thực hiện khá hiệu quả. “Khi mới thử nghiệm, số vi phạm về tốc độ bình quân trên 1.000 km xe chạy là gần 11 lần. Sau một thời gian xử lý, chấn chỉnh, chỉ số vi phạm đã giảm còn 5,6 lần trên 1.000 km xe chạy” - ông Quyền cho hay.

Nói về tình trạng nhiều tài xế tắt thiết bị giám sát hành trình hoặc mua bộ gây nhiễu và phá sóng thiết bị GPS để chạy quá tốc độ, ông Quyền cho biết tổng cục đã nhận được phản ánh này và đang tăng cường công tác quản lý. Theo ông, với các xe có dữ liệu truyền về tổng cục ít, bất thường, đơn vị sẽ thanh tra, kiểm tra hoạt động của DN để trích xuất thông tin về thời gian xe của DN gián đoạn việc truyền dữ liệu. “Nếu xe nghỉ để sửa chữa thì không sao nhưng nếu vẫn có lệnh xuất bến thì chế tài đã có và thanh tra giao thông sẽ xử phạt theo quy định” - ông Quyền nói.

Theo ĐỨC ANH - VĂN DUẨN

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên