MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Nặn” hình hài tàu metro

02-03-2015 - 09:25 AM | Xã hội

Dự kiến, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM sẽ lấy ý kiến các sở - ngành, nhà khoa học và người dân từ ngày 15-3 đến 15-4

Ban quản lý Đường sắt đô thị (ban quản lý) TP HCM cho biết đang hoàn thành kế hoạch để trình UBND TP về việc lấy ý kiến của các sở - ngành, nhà khoa học và người dân đối với mô hình đầu máy, toa tàu tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) do hãng Hitachi (Nhật Bản) chế tạo nhằm đi đến thống nhất, thiết kế đưa vào sử dụng từ năm 2018.

Lấy ý kiến trong vòng 1 tháng

Kế hoạch lấy ý kiến chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng, từ ngày 15-3 đến 15-4, thay vì 3 tháng như dự kiến trước đây. Trong đó, riêng ngày 15-3 sẽ dành cho các cơ quan thông tấn báo chí tham quan, đóng góp ý kiến; thời gian còn lại là các sở - ngành, đoàn thể, hội khoa học công nghệ, chuyên gia và người dân.

Mô hình tàu metro sẽ được trưng bày để các sở - ngành, nhà khoa học và người dân tham quan Ảnh: Hải Liên

Mô hình tàu metro sẽ được trưng bày để các sở - ngành, nhà khoa học và người dân tham quan Ảnh: Hải Liên

Dự kiến trong tuần này, ban quản lý sẽ báo cáo chi tiết nội dung và kế hoạch lấy ý kiến nêu trên đến các đơn vị liên quan. Riêng người dân TP HCM, muốn tham quan, đóng góp ý kiến phải thông qua MTTQ quận, huyện để đăng ký nhằm tạo thuận tiện cho việc quản lý, hướng dẫn người dân tham quan.

Hiện ban quản lý đã hoàn thành các khâu cần thiết tại khu vực depot (quận 9), nơi mô hình tàu điện ngầm đầu tiên của TP HCM được vận chuyển từ Nhật Bản về trưng bày. Ngoài ra, nhằm phục vụ tốt việc tham quan, ban quản lý sẽ trang bị các thiết bị cần thiết như máy chiếu, thuyết trình. “Chúng tôi cũng sẽ phát phiếu thăm dò ý kiến cho các sở - ngành, nhà khoa học và người dân tham quan, sau đó tổng hợp lại để hoàn thiện mô hình” - một lãnh đạo ban quản lý cho biết.

Cần có nét riêng

TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, cho rằng ban quản lý nên lấy ý kiến các sở - ngành, nhà khoa học và người dân ngay từ đầu để yêu cầu bên sản xuất thiết kế cho phù hợp. “Giờ đã có hình khối rồi, chỉ đóng góp về màu sắc, thiết kế bên trong thì bình thường quá” - TS Phạm Sanh nói.

Theo TS Phạm Sanh, việc thay đổi thiết kế ban đầu là không đơn giản vì nó còn liên quan đến bài toán về điện tử, máy móc. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ vì đoàn tàu có thể thiết kế theo những tiêu chí từ phía Nhật Bản nên sẽ không phù hợp với Việt Nam. “Nó tùy thuộc vào lượng khách, các yếu tố môi trường, sức kéo, khí động nên việc đóng góp ý kiến của các nhà khoa học nhiều khi rất khó được phía Nhật Bản đồng ý” - TS Phạm Sanh nhận định.

TS Phạm Sanh cho rằng mô hình đầu máy, toa tàu tuyến metro số 1 mà ban quản lý đưa về không hiện đại, quá đơn giản, dáng hơi thon như máy bay. Nhìn bên ngoài, màu sắc có thay đổi nhưng kết cấu bên trong thực chất là lấy những công nghệ cũ của Nhật Bản nên chưa mang màu sắc riêng của metro TP HCM. Đặc biệt, bên trong bố trí ghế ngồi, tay cầm quá đơn giản, chưa đáp ứng cho nhiều đối tượng khác nhau. Nó chẳng khác gì cách bố trí trên một xe buýt trước đây của TP HCM, rất dễ gây ra lộn xộn, nhếch nhác.

Ngoài ra, 7 tuyến metro phải có 7 màu khác nhau nên việc chỉ lấy ý kiến về tuyến metro số 1 là không ổn. Ở các nước như Ấn Độ, Trung Quốc…, những đoàn tàu được làm rất hiện đại và mang màu sắc riêng của mỗi quốc gia. Nhìn vào màu sắc đoàn tàu, người ta biết được tuyến số mấy và đi về đâu. “Chúng ta nên lấy ý kiến một cách bài bản, có mô hình người tham gia để các nhà khoa học nghiên cứu, đóng góp về vấn đề tâm sinh lý, khoảng cách cần thiết giữa các hành khách…” - TS Phạm Sanh góp ý.

Trong khi đó, một chuyên gia khác lại cho rằng tàu điện ngầm hiện được các nước trên thế giới sử dụng đều có tiêu chuẩn quốc tế chung. Nếu có điều chỉnh thì cũng chỉ về nội thất, ghế ngồi cho phù hợp để sau này tiện lợi trong việc bảo trì, sửa chữa. “Cần nghiên cứu kỹ các tiêu chuẩn đáp ứng với điều kiện lưu hành đường ray trên cao vì mang tiếng là tàu điện ngầm nhưng tuyến đường sắt metro tại TP HCM có chiều dài trên cao khá lớn” - chuyên gia này phân tích.

Theo một số người dân, TP HCM nên chọn những loại tàu metro có tiêu chuẩn hiện đại, tránh phải đầu tư nhiều lần, thiếu đồng bộ. “Ngoài việc mang tính hiện đại, kinh phí sản xuất cũng là mối quan tâm của chúng tôi” - anh Trần Văn Đình, ngụ quận 9, bày tỏ.

Chỉ góp ý về màu sắc, nội thất và kiểu dáng

Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM cho biết các sở - ngành, nhà khoa học và người dân chỉ đóng góp ý kiến về màu sắc, nội thất và kiểu dáng của toa tàu. Theo ban quản lý, mô hình được trưng bày ở quận 9 mới chỉ là thiết kế ban đầu. Dự kiến sau 3 tháng, đơn vị này sẽ đưa ra bản thiết kế hoàn chỉnh để phía Nhật Bản tiến hành sản xuất.

Hiện ban quản lý đã làm nhà che nhằm bảo quản toa tàu và phục vụ cho việc tham quan, đóng góp ý kiến.

Theo Thành Đồng

PV

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên