MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ thành nhà lưu niệm?

16-10-2013 - 12:13 PM | Xã hội

Đối với các danh nhân khi mất đi, thông thường sẽ dùng ngay nhà ở của người đó để làm nhà lưu niệm. Do vậy nhiều khả năng nhà ở nơi Đại tướng đã gắn bó nhiều năm sẽ trở thành nhà lưu niệm.

Đó là thông tin Phó Trưởng Ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long cho biết chiều 15/10 khi trao đổi với phóng viên về việc đặt tên đường, xây nhà lưu niệm cho vị tướng của lòng dân – Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ông cho biết, đối với danh nhân khi mất đi, thông thường sẽ dùng chính nhà ở, nơi vị danh nhân đó gắn bó nhiều năm để làm nhà lưu niệm. Trước đây Hà Nội cũng đã tính đến trường hợp sẽ xây dựng nhà lưu niệm cho nhà thơ Xuân Diệu tại chính nơi ở trên đường Điện Biên Phủ.

Đối với trường hợp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chắc chắn Hà Nội sẽ thành lập nhà lưu niệm, điều quan trọng là nhà đó sẽ có tầm cỡ như thế nào?

Khi Đại tướng còn sống, tại quê hương Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cũng đã xây dựng nhà lưu niệm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông Long cho biết, Hà Nội sẽ có nhà lưu niệm, và có thể sử dụng chính ngôi nhà Đại tướng nhiều năm gắn bó tại Hoàng Diệu để xây dựng nhà lưu niệm.

Đối với việc đặt tên đường, cũng như trước đó khi trao đổi với PV báo điện tử Infonet, ông Phan Đăng Long cho biết, về nguyên tắc đối với danh nhân phải sau khi mất 10 năm mới được xem xét đặt tên đường.

Đây là khoảng thời gian để đánh giá lại công lao của vị danh nhân đó một cách khách quan, đảm bảo độ chín nhất. Tại nước Mỹ người ta còn đưa ra quy định phải sau 50 năm mất mới xem xét đặt tên đường.

Tuy nhiên, đối với một số nhân vật có công lao lớn sẽ có những ngoại lệ. Một số người đã được đặt tên, mặc dù thời gian mất chưa được 10 năm, điển hình như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, dù mới chỉ mất được 5 năm, nhưng tháng 12 này, HĐND sẽ xem xét, đặt tên đường.

Trường hợp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngay khi còn sống Hội đồng tư vấn đường phố cũng đã nghĩ đến phương án đặt tên đường. Thậm chí còn ý định dành sẵn một con đường xứng tầm, để khi Đại tướng mất đi sẽ đặt tên luôn.

Tuy nhiên nếu làm vậy thì cuộc sống của người dân sẽ bị xáo trộn vì không có địa chỉ, số nhà, mặt khác làm vậy bản thân Đại tướng cũng không đồng ý. Bên cạnh đó với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, chắc chắn Hà Nội sẽ có nhiều con đường xứng tầm về vị trí, quy mô, cơ sở hạ tầng…để đặt tên cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trước ý kiến của GS Phan Huy Lê, Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội Tô Văn Động về việc lựa chọn đường Nhật Tân – Nội Bài, hay đổi tên một số con đường để đặt cho Đại tướng, Phó Ban tuyên giáo Phan Đăng Long cho biết, mặc dù hai người đều là Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn, nhưng đây chỉ là những ý kiến cá nhân, chưa có gì chính thức.

“Cuộc họp gần đây nhất chưa bàn đến việc đặt tên đường, vì lúc Đại tướng Võ Nguyên Giáp chưa mất. Từ khi Đại tướng mất đến nay Hội đồng tư vấn chưa họp lần nào”. Ông Long cho biết và giải thích quy trình đặt tên đường: Sở VH sẽ là cơ quan thường trực, giúp tổ tư vấn làm hồ sơ, rồi thông qua Hội đồng tư vấn đặt tên đường phố. Sau đó Hội đồng sẽ trình UBND TP quyết định, rồi trình để HĐND TP xem xét, quyết định.

“Hà Nội sẽ không cần phải đến 10 năm sau khi mất, và chắc chắn sẽ chọn một con đường xứng đáng để đặt tên cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp” – ông Long cho biết.

Theo Thành Nam

cucpth

Infonet.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên