MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những chiếc cầu chơ vơ giữa sông

08-05-2015 - 10:02 AM | Xã hội

Đã bốn năm qua, công trình xây dựng hai cầu Kênh Lộ và Phước Lộc ở H.Nhà Bè (TP.HCM) vẫn chưa nối được đôi bờ nên người dân.

Vì lý do này học sinh ở xã Hiệp Phước vẫn phải đi lại bằng đò nhỏ và người dân ở xã Phước Lộc phải đi đường vòng xa 6 - 7km để vào trung tâm TP.HCM.

Trong khi ngân sách nhà nước đầu tư hơn 730 tỉ đồng để xây dựng hai chiếc cầu trên.

Vướng giải tỏa

Cuối tháng 4 vừa qua, chúng tôi trở lại công trình xây cầu Kênh Lộ (xã Hiệp Phước, H.Nhà Bè) và thấy quang cảnh ở đây không khác gì bảy tháng trước khi các đại biểu HĐND TP.HCM đến đây khảo sát tiến độ thi công dự án. Tính đến nay công trình này đã thi công hơn bốn năm.

Trước mắt chúng tôi là những trụ cầu và nhịp cầu nằm chơ vơ giữa sông Rạch Giồng. Một cán bộ công trình chỉ vào một căn nhà mái tôn nằm chắn ngang chân cầu cho biết đây là một trong ba căn hộ cuối cùng của dự án đang khiếu nại về tiền đền bù giải tỏa chưa phù hợp.

Căn nhà này ở đúng vị trí nhà thầu sẽ thi công trụ cầu và gác những nhịp cầu nối vào đường dẫn lên cầu.

Tương tự, ở công trình xây cầu Phước Lộc bắc qua rạch Cây Khô (xã Phước Lộc - xã Phước Kiển, H.Nhà Bè) chỉ mới xây được mấy trụ cầu với các nhịp cầu nằm chỏng chơ giữa sông và không một bóng dáng công nhân trên công trường.

Ở hai đầu cầu cây xanh um tùm và những căn nhà của dân vẫn đang sinh hoạt bình thường. Thực tế công trình mới thi công phần dưới nước, chưa thi công trên bờ vì chưa có hộ dân nào được giải tỏa để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Một cán bộ Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 (chủ đầu tư dự án) cho biết do tiến độ đền bù giải tỏa quá chậm nên hơn một năm qua nhà thầu thi công đã rút toàn bộ công nhân và thiết bị máy móc đi công trường khác, chỉ để lại một vài nhân viên trông coi công trình.

Theo chủ đầu tư dự án, UBND H.Nhà Bè đã phê duyệt và ban hành quyết định phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư ngày 3-1-2012 ở dự án cầu Kênh Lộ cho 86 hộ dân với số tiền hơn 56 tỉ đồng và đã chi trả cho 83/86 hộ với số tiền 55,4 tỉ đồng.

Còn ba hộ dân chưa đồng ý nhận tiền và đã khiếu nại ra tòa án. Do ba hộ này nằm ở vị trí xây dựng trụ cầu nên công trình không thể thi công được. Còn ở dự án cầu Phước Lộc đến nay vẫn chưa giải tỏa, bồi thường cho 96 hộ dân (xã Phước Kiển 37 hộ và xã Phước Lộc 59 hộ).

Lý do chậm giải tỏa mặt bằng ở dự án cầu Phước Lộc là do thời gian làm thủ tục kéo dài hơn một năm rưỡi. Cụ thể ngày 18-9-2013 H.Nhà Bè trình phê duyệt đơn giá bồi thường, hỗ trợ trong dự án cầu Phước Lộc nhưng do đơn giá chưa phù hợp nên Hội đồng thẩm định bồi thường TP yêu cầu làm lại.

Tiếp đó ngày 3-6-2014 và 21-8-2014, UBND H.Nhà Bè tiếp tục trình Hội đồng thẩm định bồi thường TP phê duyệt đơn giá bồi thường...

Dân trông đợi từng ngày

Không chỉ các đại biểu HĐND TP mà những ai qua đây đều bức xúc việc cầu Kênh Lộ xây dựng dở dang trong khi phải chứng kiến cảnh cạnh công trình này người dân và học sinh ở ấp 3, xã Hiệp Phước chen chúc trên con đò nhỏ qua sông Rạch Giồng, không đảm bảo an toàn.

Còn ban đêm đò không hoạt động, cuộc sống của người dân bên kia ấp 3 gần như bị cách ly vì không còn đường vào trung tâm TP.

Trong khi đó, người dân xã Phước Lộc và xã Phước Kiển qua lại rạch Cây Khô bằng chiếc cầu Phước Lộc cũ dài 93m, rộng 3m cho xe có trọng tải từ 0,5 tấn trở xuống lưu thông.

Hiện những thanh dầm cầu này đã mục có thể sập xuống bất cứ lúc nào nên Công ty TNHH một thành viên Công trình cầu phà TP đã lập trạm canh gác cầu và đóng cọc chặn, chỉ cho xe máy và xe ba gác lưu thông, không cho ôtô con qua cầu.

Vì vậy người dân xã Phước Lộc phải chở thân nhân ốm đau đến bệnh viện bằng xe máy hoặc xe ba gác, còn nếu đi bằng xe cứu thương phải đi đường vòng xa 6 - 7km vào trung tâm TP.

- Cầu Kênh Lộ trên đường Nguyễn Văn Tạo bắc qua sông Rạch Giồng (xã Hiệp Phước, H.Nhà Bè) dài 854m (cầu dài 367m, phần còn lại là đường dẫn vào cầu), rộng 10,5m và đường gom hai bên cầu là 850m.

Tổng kinh phí đầu tư xây dựng hơn 392 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng trên 215 tỉ đồng, chi phí bồi thường hơn 108 tỉ đồng.

Cầu Kênh Lộ khởi công ngày 15-1-2011, theo kế hoạch hoàn thành trong năm 2013. Theo Khu Quản lý giao thông đô thị số 4, do tiến độ đền bù giải tỏa mặt bằng quá chậm nên đến tháng 10-2013 công trình phải tạm ngừng thi công do mặt bằng tại trụ T6 chưa giải tỏa.

Đến tháng 10-2014 đơn vị thi công thi công trở lại ở một bên cầu, phần còn lại phía bên cầu hướng về trung tâm TP vẫn còn vướng giải tỏa.

- Cầu Phước Lộc nằm trên đường Đào Sư Tích, bắc qua rạch Cây Khô (xã Phước Lộc - xã Phước Kiển, H.Nhà Bè) có tổng chiều dài 710m (cầu dài 386,62m, còn lại là đường), rộng 10,5m. Tổng mức đầu tư 335,4 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng 210,7 tỉ đồng, còn lại là tiền đền bù giải tỏa.

Công trình khởi công ngày 18-6-2012 và dự kiến hoàn thành sau 17 tháng thi công. Ngày 25-7-2013, đơn vị thi công đã có công văn đề nghị tạm dừng thi công do vướng mặt bằng.

* Ông Nguyễn Văn Trường (phó chủ tịch UBND H.Nhà Bè):

Vướng vì chưa có hướng dẫn

Giữa năm 2014, UBND H.Nhà Bè đã trình Sở Tài chính TP chứng thư định giá và dự thảo phương án bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án cầu Phước Lộc.

Vào thời điểm này, Luật đất đai 2013 có hiệu lực nên phải chờ quyết định về chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng mới của UBND TP. Đến nay quyết định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo các quy định tại Luật đất đai 2013 của UBND TP.HCM vẫn chưa ban hành nên H.Nhà Bè chưa thể xây dựng lại phương án mới.

UBND huyện cũng nhiều lần xin UBND TP cho phép vận dụng những quy định trước ngày Luật đất đai 2013 có hiệu lực để ban hành phương án bồi thường cho dự án này nhưng chưa được các cơ quan chức năng thông qua.

Dự án cầu Kênh Lộ hiện nay còn ba hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng. Ba hộ dân này đã khiếu nại về mục đích sử dụng đất và hiện đang khởi kiện hành chính tại tòa án.

UBND H.Nhà Bè đã trình phương án xin cưỡng chế di dời các hộ dân này và UBND TP đã thuận chủ trương cho UBND H.Nhà Bè cưỡng chế. Hiện đã có kế hoạch cưỡng chế vào ngày 22-5 và cuối tháng 5 này sẽ có mặt bằng giao cho đơn vị thi công.

K.YÊN ghi

Theo Phạm Văn Quen

PV

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên