MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những sự kiện trong nước nổi bật tuần từ 18-24/1

24-01-2015 - 13:10 PM | Xã hội

Cân nhắc không quy định một số thẩm quyền của Thủ tướng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp tăng thêm 8%, lộ trình di dời các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội.. là những sự kiện trong nước nổi bật tuần qua

Bế mạc phiên họp thứ 34 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sau 2,5 ngày làm việc, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó những nội dung lớn còn ý kiến khác nhau của các dự án luật.

Trong các phiên làm việc từ ngày 19-21/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật: Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Thú y (sửa đổi), Tổ chức chính quyền địa phương, Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), An toàn vệ sinh lao động.

Dự Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) có nhiều điểm mới so với luật hiện hành. Phạm vi tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự thu hẹp hơn, theo hướng có thể tạm hoãn đối với sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học thuộc hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự của đối tượng này cũng đang được nghiên cứu kéo dài lên 27 tuổi. Thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự kéo dài hơn (từ 18 tháng lên 24 tháng).

Cân nhắc không quy định một số thẩm quyền của Thủ tướng

Báo cáo xin ý kiến một số vấn đề lớn về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) tại phiên họp chiều 20/1 của UBTVQH, Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc để không quy định về thẩm quyền của Thủ tướng đối với 3 vấn đề.

Một là giao quyền bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong trường hợp khuyết bộ trưởng hoặc thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong khi chờ Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm. Tạm thời giao quyền chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp chưa bầu được chức danh này.

Hai là quyết định và chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể cần thiết để thi hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân.

Và ba là quyết định mô hình tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương; quyết định giải thể các tổng cục, cục khi thấy hoạt động không có hiệu lực, hiệu quả, hạn chế phình bộ máy; phê duyệt danh sách nhân sự giới thiệu bầu vào chức danh chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dự WEF Davos 2015

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2015  tại Davos, Thụy Sỹ từ ngày 21 - 24/1.

Dự kiến, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ dự và phát biểu tại các phiên thảo luận về ASEAN, an ninh lương thực toàn cầu, tái định hình thế giới-xác định các nhu cầu/xu hướng trong năm 2015, triển vọng địa-chính trị 2015…và có buổi đối thoại với lãnh đạo các doanh nghiệp tham dự WEF, gặp gỡ song phương với quan chức các nước, lãnh đạo một số tổ chức quốc tế.

WEF 2015 thu hút 2,.500 đại biểu, trong đó có trên 30 lãnh đạo cấp cao các nước và các tổ chức quốc tế, gồm Thủ tướng Đức, Thủ tướng Malaysia, Tổng thống Indonesia, Thủ tướng Campuchia, Thủ tướng Malaysia, Chủ tịch World Bank, Chủ tịch IMF...

Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp tăng thêm 8%

Chính phủ vừa ban hành Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc.

Theo đó, từ ngày 1/1/2015 sẽ tăng thêm 8% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với các đối tượng sau:

Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định số 41/2009/QĐ-TTg ngày 16/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng.

Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009, Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 và Nghị định số 9/1998/NĐ-CP ngày 23/1/1998 của Chính phủ đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng.

Lộ trình di dời các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Phạm vi áp dụng đối với các cơ sở cần phải di dời trong khu vực nội thành Hà Nội, bao gồm các quận: Ba Đình, Hoàn kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Long Biên, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm.

Đối tượng di dời là các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở điều trị có mức độ ô nhiễm, truyền nhiễm lây nhiễm cao, sử dụng quá tải; các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị nằm trong khu vực nội thành Hà Nội không phù hợp các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, gây mất cân đối về hạ tầng xã hội và kỹ thuật, giao thông, ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cần phải di dời ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội.

Khắc phục xong sự cố cáp quang biển AAG

Theo thông tin từ VNPT, hệ thống cáp quang biển AAG đã được khôi phục và đường truyền Internet tại Việt Nam đã trở lại bình thường từ trưa 23/1.

Theo đó, công tác khắc phục hệ thống cáp quang biển AAG đã được hoàn thành vào trưa ngày 22/1, với sự cố gắng khắc phục sự cố của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng như các doanh nghiệp viễn thông công nghệ thông tin tại Việt Nam và nhà quản trị hệ thống AAG.

Trước đó, hệ thống cáp quang biển AAG đã gặp sự cố vào ngày 05/1/2015, khiến lưu lượng truy cập Internet đi quốc tế của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam bị ảnh hưởng.

>>>Những sự kiện trong nước nổi bật tuần từ 11-17/01

Hồng Vân

Hồng Cúc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên