MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những sự kiện trong nước nổi bật tuần từ 26/10- 01/11

01-11-2014 - 16:07 PM | Xã hội

Tình hình nợ công “nóng” nghị trường Quốc hội, cao tốc dài nhất Việt Nam thu được 1,5 tỷ đồng lệ phí một ngày, công bố Quyết định Thanh tra tại Bộ Tài chính... là những sự kiện đáng chú ý trong tuần

Tình hình nợ công “nóng” nghị trường Quốc hội

Trong tuần qua, Quốc hội tiến hành thảo luận tại các phiên họp toàn thể về tình hình kinh tế-xã hội. Trong đó, vấn đề nợ công, xử lý nợ xấu, nguồn vốn vay ODA, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tình hình tội phạm, tham nhũng… được các Đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm đặc biệt.

Trong nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu đã tỏ ra lo ngại khi tốc độ nợ công tăng trưởng nhanh và nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước một đỉnh nợ cao nhất từ trước tới nay.

Chính phủ cũng như Bộ trưởng Tài chính đều khẳng định nợ công vẫn ở trong ngưỡng cho phép. Chính phủ đã và đang nỗ lực bằng các giải pháp để giải quyết bài toán nợ công trong ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, các đại biểu bày tỏ sự lo ngại khi chiến lược nợ công của Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ nợ công này là 60,2% GDP, nhưng đến cuối năm nay con số này đã lên tới 64%.

Chính thức trình xin ý kiến Quốc hội về xây dựng sân bay Long Thành

Sáng 29/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ chính thức trình xin ý kiến Quốc hội phương án đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Trong báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, đây là một dự án quan trọng với mức đầu tư lớn, lại đặt trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn. Do vậy, Chính phủ cần có thêm biện pháp tăng cường thu hút nguồn vốn, để giảm tỷ trọng nguồn vốn đầu tư vào dự án, tránh để ảnh hưởng, gây sức ép đến vấn đề nợ công.

Bên lề phiên họp, nhiều đại biểu cho rằng, tờ trình do Bộ trưởng Bộ GTVT trình bày đã đưa ra cơ sở pháp lý, sự cần thiết đầu tư, nhằm hình thành, phát triển một cảng hàng không quốc tế trung chuyển có quy mô tầm cỡ khu vực và phục vụ chiến lược phát triển vận tải hàng không Việt Nam.

Tăng cường kiểm tra, giám sát thu nhập của quản lý chủ chốt DNNN

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, giám sát, công khai tiền lương, thu nhập của viên chức quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo quy định của Chính phủ.

Đề xuất quy định đặt tên cho con

Thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Hộ tịch tại phiên họp Quốc hội sáng ngày 28/10, đại biểu Nguyễn Thị Nhung cho rằng, dự luật không quy định nguyên tắc đặt tên cho con sẽ làm khó khăn cho cán bộ hộ tịch ở địa phương khi cha mẹ đặt tên cho con không thuần Việt.

Bà Nhung dẫn chứng có những người đặt tên cho con theo tên nước ngoài hoặc tên gây mặc cảm như: Lê Văn Thật, Nguyễn Văn Lỳ; hoặc tên quá dài, gây phức tạp khi sử dụng, như Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân.

Đại biểu Nhung đề nghị luật quy định nguyên tắc đặt tên và xác định họ dân tộc cho con phù hợp với văn hóa truyền thống, phong tục tập quán, tránh tình trạng vì mong muốn của bố mẹ mà họ và dân tộc của con không phù hợp phong tục, tập quán. Ví như cha mẹ là người dân tộc, nhưng lại lấy họ Nguyễn làm phát sinh họ mới, gây nhầm lẫn và trái phong tục.

Bằng lái xe hạng B1 có thời hạn đến tuổi nghỉ hưu

Theo đó, GPLX hạng A1, A2, A3 không có thời hạn; Hạng B1 cấp cho người lái xe có thời hạn đến 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam.

Trong trường hợp lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam, GPLX được cấp có thời hạn 10 năm. GPLX hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm, các hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.

Như vậy, so với quy định cũ, thời hạn GPLX đã tăng đáng kể. Trước đây, GPLX hạng A1, A2, A3: không thời hạn; GPLX hạng A4, B1, B2: thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp; GPLX hạng C, D, E và các hạng F: thời hạn 03 năm kể từ ngày cấp.

Đối với người nước ngoài hoặc người Việt Nam cư trú ở nước ngoài có nhu cầu lái xe ở Việt Nam, phải làm thủ tục đổi sang GPLX tương ứng của Việt Nam. Thông tư số 48/2014/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2014.

Công bố Quyết định Thanh tra tại Bộ Tài chính

Ngày 24/10, tại Bộ Tài chính, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh chủ trì buổi công bố Quyết định thanh tra số 2502/QĐ-TTCP ngày 15/10/2014 thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, chống thất thu Ngân sách Nhà nước đối với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Cục Thuế thành phố Hà Nội.

Quyết định 2502/QĐ-TTCP nêu rõ: Thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2012 đến 30/6/2014, khi cần thiết, có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ trên. Thời gian thanh tra là 65 ngày làm việc thực tế kể từ ngày công bố Quyết định thanh tra.

Đoàn Thanh tra gồm có 10 thành viên do ông Nguyễn Quang Thía, Phó Vụ Trưởng Vụ II, Thanh tra Chính phủ làm Trưởng đoàn. Vụ trưởng Vụ II, Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm giúp Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo Đoàn thanh tra, xử lý hoặc trình Tổng Thanh tra xử lý theo thẩm quyền các kiến nghị của Đoàn thanh tra.

Vinashin đã cắt giảm gần 11 nghìn lao động

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vừa gửi tới các ĐBQH Báo cáo việc thực hiện các Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.

Báo cáo cho biết, từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu Vinashin (tháng 4/2013) cho đến nay, tổng số lao động đã được Vinashin giải quyết chế độ là 10.941 người.

Riêng từ đầu năm 2014 đến nay, Vinashin cắt giảm được 7.264 lao động với tổng số tiền chi trả (mất việc, thôi việc) trên 134 tỷ đồng.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, đối với số lao động còn lại trong các doanh nghiệp không giữ lại trong mô hình Tổng công ty, Bộ sẽ chỉ đạo Tổng công ty tiếp tục tái cơ cấu cùng với lộ trình tái cơ cấu các doanh nghiệp.

Có thể bán cảng hàng không Phú Quốc cho tư nhân quản lý

Cơ chế nào để bán được công trình lấy vốn tiếp tục đầu tư, không dùng tiền ngân sách, Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt ra hàng loạt câu hỏi với lãnh đạo hàng không, đường bộ, đường sắt tại cuộc họp chiều 28/10.

Mở đầu cuộc họp, người đứng đầu ngành GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Tất cả các lĩnh vực từ đường bộ, hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa đến hàng hải có xã hội hóa được không? Xã hội hóa phải làm thế nào? Các dự án đã đầu tư xây dựng có bán được không?...”.

Trả lời các câu hỏi của Bộ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho biết, hiện nay, nguồn vốn Nhà nước đầu tư vào các cảng hàng không chỉ chiếm 12%, còn lại là vốn của TCT Cảng Hàng không VN (ACV) và vốn ODA. “Chỉ có một số hạng mục nhỏ lẻ được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa”, ông Thanh nói.

Cao tốc dài nhất Việt Nam thu được 1,5 tỷ đồng lệ phí một ngày

Theo các hãng vận tải tự hạch toán kinh doanh, sau khi đã trừ tiền mua vé, nếu chở đúng tải khi lưu thông trên tuyến đường này thì giảm được chi phí 30%. Nếu đặt bài tính so sánh, với đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, chi phí vận tải cũng giảm được 30% sau khi trừ tiền mua vé.

Liên quan đến phương án chuyển nhượng quyền thu phí để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia, ông Mai Tuấn Anh cho rằng, muốn bán được các dự án đường cao tốc thì điều đầu tiên là phải được xã hội ghi nhận. Hiện, VEC đang xúc tiến chuẩn bị hồ sơ mời thầu.

Ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, đường Cao tốc Nội Bài - Lào Cai mới đưa vào khai thác từ tháng 9/2014. Đến nay, mỗi ngày thu được 1,5 tỷ đồng tiền phí, sản lượng vận tải tăng hơn 30%.


Anh Tân

cucpth

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên