MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Niềm vui và nỗi trăn trở của Bộ trưởng LĐTBXH

04-02-2014 - 09:57 AM | Xã hội

Ngành LĐTBXH khép lại năm 2013 với nhiều hoạt động có ý nghĩa, công tác đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo, đào tạo nghề… đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Nhưng vẫn còn đó nỗi lo về công tác đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết điều này trong cuộc trao đổi với chúng tôi nhân dịp đầu năm mới Giáp Ngọ 2014.

Vượt khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội

Thưa Bộ trưởng, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, người có công, người nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội được quan tâm, chăm lo Tết như thế nào?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Công tác chăm lo đời sống cho người nghèo luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Ngay từ tháng 12/2013, Bộ LĐTBXH đã chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát tình hình đời sống nhân dân, đánh giá khả năng thiếu lương thực của người dân trong và sau Tết Nguyên đán để chủ động giải quyết tại chỗ, nếu không cân đối được thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Cản ước đã hỗ trợ người nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội dịp Tết với mức phổ biến 200.000-300.000 đồng/người. Một số tỉnh có điều kiện ngân sách hỗ trợ 700.000 đồng/người (TPHCM), mức 550.000đồng/người (Đồng Nai), một số tỉnh khó khăn về nguồn cũng hỗ trợ thêm từ 100.000-200.000 đồng/người như Nghệ An...

Trong năm 2013, cả nước có khoảng 2,6 triệu người hưởng chính sách bảo trợ xã hội hàng tháng, tăng gần 7% so với năm 2012, tổng kinh phí thực hiện trợ giúp trên hơn 7.100 tỷ đồng. Có 15 tỉnh, thành phố tự cân đối ngân sách nâng mức trợ cấp hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội cao hơn mức quy định của Chính phủ như Hà Nội, Bình Dương, Quảng Ninh…

Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH cũng đã chỉ đạo các địa phương trong cả nước thực hiện trích ngân sách hỗ trợ và chuyển quà của Chủ tịch nước đến các đối tượng chính sách theo Quyết định 12/QĐ-CTN ngày 6/1/2014 với tổng số đối tượng hưởng quà là gần 1,5 triệu người, tổng mức kinh phí quà tặng trên 397 tỷ đồng, đảm bảo tất cả các gia đình chính sách đều có Tết đầm ấm.

Năm 2013 với nhiều khó khăn, thử thách đã qua đi. Những nhóm chỉ tiêu về an sinh xã hội đã được đảm bảo như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Năm 2013, thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều biến động tác động tiêu cực đến nền kinh tế, kinh tế trong nước phục hồi chậm, sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, cải thiện môi trường sống ngày càng cao trong khi nguồn lực còn hạn hẹp.

Trước bối cảnh khó khăn như vậy, ngành LĐTBXH đã tham mưu nhiều giải pháp, chính sách trình Chính phủ ban hành thực hiện để đảm bảo ổn định an sinh xã hội. Trong các nhóm chỉ tiêu, kế hoạch đề ra toàn ngành đã tập trung, nỗ lực thực hiện đạt kết quả đều khắp.

Đáng chú ý, dù khó khăn vẫn tạo việc làm cho trên 1,54 triệu người, đạt xấp xỉ 100% kế hoạch, chỉ tiêu giảm nghèo cũng đạt kế hoạch năm(từ 9,6% cuối năm 2012 chỉ còn 7,8% cuối năm 2013), lĩnh vực chăm sóc gia đình người có công đã được quan tâm hơn khi Pháp lệnh ưu đãi Người có công được sửa đổi bổ sung đối tượng theo hướng tăng về số lượng và mức trợ cấp; đào tạo, dạy nghề chăm sóc bảo vệ trẻ em, bình đẳng giới...đều được triển khai sâu rộng, đạt kết quả tích cực. Nhiều lĩnh vực xã hội nảy sinh đã được nắm bắt, đề ra giải pháp chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời.

Bên cạnh đó, các chương trình lớn như “Em không phải bỏ học” và “Cùng em đến trường” và “Quỹ sữa vươn cao Việt Nam” tiếp tục đạt hiệu quả cao, hướng tới các hoạt động hỗ trợ trực tiếp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Tư duy mới về giảm nghèo

Việc chuyển hướng tiếp cận vấn đề nghèo đói theo phương pháp đa chiều phục vụ mục tiêu giảm nghèo bền vững, tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội đã được thực hiện trong năm qua như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc bảo đảm tính bền vững của các kết quả giảm nghèo, nguy cơ tái nghèo còn cao và sự chênh lệch giữa các vùng miền vẫn còn tồn tại dai dẳng, thì việc tiếp cận, giải quyết vấn đề giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận mới đã được đặt ra tại nhiều diễn đàn, hội nghị quan trọng trong năm.

Lần đầu tiên, phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều đã thu hút được các cơ quan hữu quan, các tổ chức quốc tế dành sự quan tâm, chia sẻ và đạt được sự nhất trí cao tại Diễn đàn quốc tế “Giảm nghèo- Tầm nhìn tương lai” do Bộ LĐTBXH tổ chức ngày 16/10/2013.

Diễn đàn đã nhấn mạnh nhu cầu tăng cường vai trò chủ động của người nghèo, thúc đẩy sự tham gia của các cộng đồng bị ảnh hưởng vào việc giải quyết các thách thức trong giảm nghèo, khuyến khích người nghèo nói lên tiếng nói của mình, trao quyền để họ tự tìm ra cách thức giảm nghèo và lôi cuốn sự tham gia của người nghèo vào quá trình lập kế hoạch, giám sát để giảm nghèo bền vững.

Như vậy, có thể nói trong lĩnh vực giảm nghèo đã bắt đầu có thay đổi về tư duy hoạch định chính sách, triển khai thực hiện. Trong năm 2014, Bộ LĐTBXH sẽ có những giải pháp đột phá gì để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Những giải pháp đột phá về góp phần giảm nghèo bền vững năm 2014 sẽ thực hiện theo3 nhóm chính là: nhóm giải pháp về thể chế chính sách; giải pháp về tổ chức thực hiện và giải pháp về nguồn lực.

Cụ thể,việc xây dựng các cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững phải bảo đảm sự thống nhất và có lồng ghép. Những chính sách đang phát huy hiệu quả được tiếp tục đẩy mạnh thực hiện; các chính sách còn hạn chế, có vướng mắc sẽ khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.

Xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ mới cũng sẽ được triển khai theo hướng: mở rộng đối tượng là hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo nhằm hạn chế tái nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững. Các mức chính sách được thiết kế theo nguyên tắc: hộ nghèo được ưu tiên nhất, sau đó đến hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo;

Chính sách hỗ trợ giảm nghèo cũng sẽ đặc biệt quan tâm đến dạy nghề, tạo việc làm gắn với hỗ trợ sản xuất, phát triển nông nghiệp, nông dân nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Định hướng giảm nghèo trong thời gian tới cũng sẽ phân loại nhóm đối tượng để có các chính sách cụ thể. Đồng thời, phân loại đối tượng và chính sách để giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp “cho không” đối với một số nhóm cụ thể.

Điều quan trọng, theo tôi cần tính toán đầu tư trọng điểm, không dàn trải lãng phí nguồn lực, thay đổi tư duy thiết kế chính sách giảm nghèo, để hộ nghèo tự vươn lên bằng chính sách hỗ trợ qua học nghề, tự tạo việc làm, khuyến khích người nghèo tự chủ vươn lên thoát nghèo, xác định “giúp cần câu chứ không cho con cá”.

Thưa Bộ trưởng, ngành LĐTBXH sẽ chọn lĩnh vực nào làm trọng tâm công tác trong năm 2014?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Bên cạnh những nhóm nhiệm vụ chung ngành đảm nhận và thực hiện quyết liệt như: dự án giảm nghèo đa chiều theo hướng bền vững, quan tâm trợ giúp xã hội đối với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, kịp thời nắm bắt thông tin cứu đói giáp hạt, cứu trợ nhân dân vùng bị thiên tai, bão lụt, mất mùa, tiếp tục hoàn thiện chính sách đối với người có công, nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi phù hợp với lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu, trong năm 2014, ngành LĐTBXH sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả mục tiêu giải quyết việc làm cho người lao động.

Bộ LĐTBXH sẽ làm đầu mối để kết nối giữa các địa phương có nhu cầu về nguồn lao động với các tỉnh có nguồn lao động lớn. Các trung tâm giới thiệu việc làm là cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp đang từng bước phát huy hiệu quả. 4 trung tâm dịch vụ việc làm của khu vực là Đà Nẵng, Đồng Nai, Cần Thơ, Hải Dương dần đi vào hoạt động, nâng tần suất các phiên giao dịch, giúp người lao động tiếp cận với việc làm nhanh nhất, rẻ nhất, hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, công tác dạy nghề cho người nghèo, bộ đội xuất ngũ và lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng được chú trọng để tạo việc làm bền vững.

Đặc biệt, Bộ LĐTBXH sẽ coi xuất khẩu lao động là một mũi nhọn để giải quyết việc làm, năm 2014 hướng tới mở rộng các thị trường mới, giảu tiềm năng. Với việc ký kết “Bản ghi nhớ đặc biệt về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam” với Hàn Quốc vừa qua, cánh cửa vào thị trường này đã tiếp tục được mở cho lao động Việt Nam, tạo thêm cơ hội cho hàng chục nghìn lao động.

Theo Thu Cúc

cucpth

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên