MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nín thở đi qua những cây cầu sắp 'rụng' ở TPHCM

26-03-2016 - 18:01 PM | Xã hội

Hiện nay tại TPHCM vẫn còn nhiều cây cầu có tuổi đời hàng chục năm, khá cũ kỹ, xuống cấp nhưng mỗi ngày phải gồng gánh hàng nghìn lượt người, xe cộ qua lại….

Cầu sắt Bình Lợi (quận Bình Thạnh) có tuổi đời hơn trăm năm, là cây cầu huyết mạch của tuyến đường sắt Bắc Nam có nhiều nét tương đồng với cầu Ghềnh (Đồng Nai) vừa bị sà lan tông sập hôm 20/3.

Cũng từng nhiều lần bị tàu thuyền, sà lan va chạm nhưng may mắn hơn cầu Ghềnh. Chỉ tính trong năm 2015, cầu sắt Bình Lợi đã xảy ra 3 vụ va chạm. Vụ nặng nhất xảy ra ngày 1/11/2015 giữa sà lan mang số hiệu LA 05853 có tải trọng gần 2000 tấn đụng vào dầm cầu làm lệch tuyến đường sắt 20cm, đường ray bị cong vẹo, biến dạng khiến tuyến đường sắt Bắc Nam tê liệt hơn 5 tiếng đồng hồ, các chuyến xe lửa trong ngày lưu thông qua đây điều bị giới hạn tốc độ và được kiểm soát chặt chẽ trước khi tuyến đường sắt qua cầu hoàn toàn khôi phục lại.

Ngoài cầu sắt Bình Lợi có tuổi đời hơn trăm năm, thì trên TPHCM hiện nay còn nhiều cây cầu có nét tương đồng, khá cũ kỹ, xuống cấp tập trung nhiều nhất ở quận 7, huyện Nhà Bè. Trên tuyến đường Lê Văn Lương qua hai quận này có 4 cây cầu sắt (cầu Rạch Đỉa, cầu Long Kiểng, cầu Rạch Tôm và cầu Rạch Dơi) với khổ cầu rộng từ 3 - 3,3m lưu thông 2 chiều và không có lề bộ hành và đang xuống cấp.

Trong ảnh là cây cầu Rạch Đĩa (đường Lê Văn Lương, phường Tân Phong, quận 7) khá cũ kỹ, xuống cấp. Vừa qua Sở GTVT TPHCM đã đề xuất xây cầu Rạch Đỉa mới với tổng vốn đầu tư dự tính khoảng 700 tỷ đồng.

Hiện tại, cây cầu Rạch Đĩa hiện hữu chỉ rộng 3,3m, trọng tải dưới 5 tấn. Do đó, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.

Ngoài gồng gánh lượng xe cộ, người qua lại mỗi ngày, cây cầu Rạch Đĩa còn gánh thêm đường ống nước, cáp quang.

Trên trục đường Lê Văn Lương còn có cây cầu Rạch Dơi cũng đã hoen rỉ, xuống cấp.

Chiều rộng cây cầu Long Kiểng chỉ đủ 1 ô tô lưu thông qua.

Mỗi khi có xe ô tô qua cầu thì các phương tiện lưu thông ngược lại phải nhường đường, một số xe máy không nhường thì luôn xảy ra tình trạng kẹt giữa cầu.

Trong khi đó, các trụ chống va chạm ở những cây cầu trên cũng trong tình trạng xuống cấp, hoen rỉ.

Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an TPHCM) cũng đã tổ chức điều tra cơ bản, nắm tình hình trên luồng, tuyến có dòng chảy phức tạp, những khiếm khuyết trong việc lắp đặt bố trí báo hiệu giao thông ở khu vực các cây cầu trên để kiến nghị cơ quan quản lý chuyên ngành khắc phục nhằm đảm bảo an toàn cho phương tiện lưu thông, tránh va chạm vào những cây cầu này.

Theo Đình Du – Văn Minh

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên