MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ninh Thuận 'rắn' với điện gió, sốt sắng điện hạt nhân

20-01-2014 - 11:35 AM | Xã hội

Nhà máy Điện gió Phước Hữu (Ninh Thuận) sắp bị UBND tỉnh Ninh Thuận “khai tử” vì lý do chậm tiến độ 4 năm.

Theo đó, UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng, đến nay đã hơn 4 năm, Công ty TNHH Đầu tư phát triển điện gió Phước Hữu vẫn chưa hoàn tất thủ tục đất đai, xây dựng để triển khai khởi công là chậm 4 năm so với tiến độ ghi tại giấy Chứng nhận đầu tư.

Việc này đã vi phạm Khoản 2, Điều 64 Luật Đầu tư và Điều 8 Thông tư 32/2012/TT-BCT ngày 12/11/2012 quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió.

Do đó, trong văn bản gửi chủ đầu tư dự án này ngày 14/1, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: Hiện nay UBND tỉnh đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai các thủ tục để thu hồi dự án. UBND tỉnh thông báo cho Công ty TNHH Đầu tư phát triển điện gió Phước Hữu được rõ và đề nghị Công ty TNHH Đầu tư phát triển điện gió Phước Hữu phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình thu hồi.

Dự án điện gió Phước Hữu của Công ty TNHH Đầu tư phát triển điện gió Phước Hữu được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp giấy Chứng nhận đầu tư ngày 21/8/2009 với quy mô công suất 50 MW. Tổng vốn đầu tư của dự án lên tới 1.495 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ phải hoàn thành xây dựng và đưa dự án vào hoạt động trong 2 năm kể từ ngày cấp giấy Chứng nhận đầu tư.

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng đã nói có thể sẽ dời kế hoạch khởi công nhà máy điện hạt nhân sang năm 2020 thay vì năm 2014. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Làm điện nguyên tử phải an toàn cao nhất, hiệu quả cao nhất, không đạt không làm”.

Thế nhưng, trao đổi trên tờ Tuổi trẻ sau đó, ông Đỗ Hữu Nghị - Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - nói công tác chuẩn bị như giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư vẫn diễn ra bình thường.

“Trước mắt, năm 2014 sẽ triển khai xây dựng hai khu nghĩa trang, khu tái định canh... sau đó sẽ tiến hành xây dựng các khu tái định cư. Những công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư làm song song cả hai khu vực xây dựng hai nhà máy”, ông Nghị cho biết.

Trong khi đó, giới chuyên môn từng đề xuất 10 nguồn năng lượng thay thế trong tương lai thì điện hạt nhân chỉ được xếp thứ 8.

Các chuyên gia năng lượng lý giải rằng, hiệu quả của năng lượng hạt nhân rất cao nhưng mọi người đều lo ngại nếu nhà máy điện hạt nhân xảy ra sự cố. Bên cạnh đó, xử lý chất thải phóng xạ cũng là vấn đề hết sức quan trọng.

Do vậy bất kể nước nào cũng cần phải cân nhắc, thận trọng và chuẩn bị hết sức chu đáo khi có ý định làm chủ công nghệ điện hạt nhân cho nguồn năng lượng quốc gia.

Theo Phương Nguyên

cucpth

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên