MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Khuất Việt Hùng nói gì về đề xuất giám sát giao thông từ di động?

31-03-2015 - 12:40 PM | Xã hội

Về cơ chế hoạt động của giải pháp, theo ông Khuất Việt Hùng, hệ thống không tiếp nhận dữ liệu định danh mà chỉ sử dụng thông tin vị trí, thời gian.

Tại hội thảo ứng dụng công nghệ giám sát phương tiện giao thông trong đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại Việt Nam được tổ chức mới đây, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết, đến năm 2016, nước ta có thể giám sát trực tuyến giao thông cũng như cung cấp trạng thái giao thông cho người dân thông qua internet, điện thoại di động. Việc ứng dụng công nghệ trong giám sát giao thông đã được triển khai ở nhiều nơi trên thế giới và chứng tỏ tính hiệu quả.

Tuy nhiên, khi mới nghe thông tin này, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về việc bảo mật thông tin cá nhân, cũng như các dữ liệu được giám sát qua điện thoại thông minh liệu có bị hacker lợi dụng hay không?

Liên quan đến nội dung này, chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia (giữa)

Tại hội thảo ứng dụng công nghệ giám sát phương tiện giao thông trong đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại Việt Nam, ông có đề cập đến đề xuất ứng dụng mới, giúp giám sát phương tiện giao thông qua điện thoại thông minh. Ông có thể phân tích cụ thể hơn những tiện ích của ứng dụng này?

Ông Khuất Việt Hùng: Tôi có thể thông báo kết quả nghiên cứu khoa học của nhóm khoa học hỗn hợp Việt Nam và Đức thực hiện trong dự án nghiên cứu khoa học theo dạng nghị định thư giữa hai Chính phủ được thực hiện từ năm 2012 đến nay. Theo đó, sau hơn 3 năm nghiên cứu, nhóm này đã hoàn thành việc phát triển công nghệ sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô để quản lý, điều tiết, giám sát hệ thống giao thông của thành phố.

Trong cuộc hội thảo vừa qua, nhóm này báo cáo kết quả đồng thời đặt vấn đề có thể sử dụng dữ liệu khối lớn từ nguồn dữ liệu điện thoại di động để bổ sung, nhằm nâng cao chất lượng hệ thống quản lý, giám sát thông minh.

Tôi xin nhấn mạnh ở đây không phải là giám sát phương tiện giao thông qua điện thoại di động. Cái này thuật ngữ tiếng Anh gọi là Real Time Traffic Monitoring khi dịch sang tiếng Việt là giám sát trạng thái của dòng giao thông trong đô thị thông qua dữ liệu từ điện thoại di động.

Việc sử dụng dữ liệu từ những đối tượng đang di động trên đường cho phép chúng ta xây dựng một phần mềm tính toán vận tốc giao thông bình quân trên tất cả đoạn tuyến giao thông, trong toàn bộ mạng lưới giao thông của một thành phố hay thậm chí cả quốc gia.

Công nghệ hiện nay cập nhật 2 phút/lần, thậm chí nửa phút/lần, giúp chúng ta nắm được trạng thái thực tiễn. Ví dụ trên đường phố Hà Nội tại thời điểm hiện nay đường nào đang tắc, đường nào có thể đi lại thoải mái. Trên một hướng có mật độ giao thông cao, vận tốc chậm thì có thể đưa vào phần mềm điều khiển hệ thống đèn tín hiệu để kéo dài thời gian đèn xanh, đồng thời cung cấp khả năng dẫn đường cho người tham gia giao thông để ít xảy ra ách tắc.

Hệ thống dữ liệu này bên cạnh giúp quản lý, điều tiết giao thông còn giúp quy hoạch giao thông. Từ thông tin dữ liệu, chúng ta biết đoạn đường nào thường xuyên quá tải thì trong quy hoạch thành phố có thể mở rộng tuyến đường đó hoặc mở thêm một tuyến đường song song để giải tỏa ùn tắc. Ngoài ra, hệ thống dữ liệu này cũng giúp đánh giá tác động đến hệ thống giao thông của những dự án phát triển đô thị chuẩn bị diễn ra.

Vì vậy hệ thống dữ liệu này có ích lợi to lớn, bên cạnh việc phục vụ điều tiết giao thông hàng ngày, quy hoạch giao thông, còn giúp cho người dân trong quá trình tham gia giao thông được thuận tiện hơn.

Có thể nói chúng ta đang đứng trước cơ hội ứng dụng công nghệ vào giám sát giao thông với rất nhiều tiện ích cho cả người dân và cơ quan chức năng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại bày tỏ lo ngại về tính bảo mật thông tin cá nhân đối với người tham gia giao thông có cài đặt phần mềm ứng dụng này. Quan điểm của ông như thế nào?

Ông Khuất Việt Hùng: Dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình hay dữ liệu từ điện thoại di động thì khi hệ thống tiếp nhận chỉ tiếp nhận dữ liệu phi định danh (không có tên tuổi, thông tin cá nhân, biển số xe…) và chỉ sử dụng thông tin về vị trí, thời gian.

Nó hoàn toàn khác với những hệ thống đang sử dụng thông tin cá nhân của từng người tham gia hiện nay, như hệ thống taxi Uber hay hệ thống dẫn đường khác đòi hỏi người dân phải đồng ý cung cấp thông tin cá nhân của mình cho hệ thống thì mới được sử dụng dịch vụ.

Vì vậy nhóm nghiên cứu khi thiết kế đã tính đến quy định của pháp luật, của các quốc gia và thiết kế cơ thế chỉ tiếp nhận dữ liệu phi định danh. Nếu có thông tin nào mang tính định danh thì hệ thống sẽ không tiếp nhận mà đẩy ra ngoài vì không sử dụng được.

Được biết đây là dự án nghiên cứu giữa Bộ KH&CN Việt Nam và Đức. Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia đã tổ chức hội thảo để các bên cùng trao đổi và lắng nghe các đề xuất. Theo ông, tính khả thi của đề xuất này thế nào và đã có lộ trình nào cho việc thực hiện đề án hay chưa?

Ông Khuất Việt Hùng: Hiện nay ngoài một số quốc gia sử dụng dữ liệu từ thiết bị điện thoại di động, còn có nhiều quốc gia đã ứng dụng thành công dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe ô tô. Ở Trung Quốc đã có rất nhiều thành phố sử dụng.

Tại Việt Nam, theo quy định của pháp luật xe kinh doanh vận tải như taxi, xe buýt, xe khách đường dài đều phải gắn thiết bị giám sát hành trình. Hiện nay tại Việt Nam đã sử dụng 3000 thiết bị giám sát hành trình ở Hà Nội để phục vụ việc xây dựng hệ thống giám sát giao thông cho đô thị Hà Nội. Khoảng 6 tháng nữa dự án này sẽ hoàn thành và có thể chuyển giao.

Khi chuyển giao hệ thống này, các cơ quan quản lý ở Hà Nội như Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu có thể tiếp nhận để quản lý, vận hành và cung cấp thông tin cho người dân.

Ngoài ra, Tổng Cục đường bộ Việt Nam có thể tiếp nhận và xây dựng hệ thống từ cơ sở dữ liệu thiết bị giám sát hành trình xe ô tô, phục vụ công tác quản lý, quy hoạch cũng như cung cấp thông tin cho người dân khi tham gia giao thông trên toàn bộ mạng lưới quốc lộ. Việc này hoàn toàn không phụ thuộc vào việc chúng ta có sử dụng thiết bị từ điện thoại di động hay không.

Chúng tôi muốn khẳng định rằng, giao thông ở Việt Nam, đặc biệt trong đô thị mật độ xe máy rất cao, nếu chúng ta sử dụng được dữ liệu từ điện thoại di động thì tính đại diện trong dữ liệu bao gồm được cả những người đi xe máy, theo đó chất lượng thông tin tốt hơn, hỗ trợ công tác quản lý giao thông, cũng như phục vụ người dân khi tham gia giao thông tốt hơn.

Xin cảm ơn ông.

Theo Thu Hà - Kim Anh

 

PV

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên