MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Nguyễn Thành Trung: “Không cần thiết vẽ thêm đường bay vàng”

27-08-2014 - 22:17 PM | Xã hội

 Nguyên Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines Nguyễn Thành Trung: "Hầu hết tâm lý phi công đều muốn bay ngắn. Tâm lý người lái máy bay lại cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe và tính mệnh của hành khách. Tuy nhiên, điều quan trọng là bay ngắn nhưng phải an toàn và đầy đủ điều kiện".

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vừa có đề nghị Vietnam Airlines bay kiểm tra đường bay thẳng Hà Nội - TP.HCM qua không phận Lào, Campuchia, hay còn được gọi là “đường bay vàng”.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam đã thống nhất với hai nước này về việc thiết lập đường bay này và giao cho các cơ quan liên quan nghiên cứu việc triển khai cụ thể.

Để tìm hiểu thêm về “đường bay vàng” này qua góc nhìn của chuyên gia hàng không, BizLIVE đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Trung, một phi công nhiều kinh nghiệm và là nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).

Ông có đồng tình với chủ trương bay theo “đường bay vàng” tuyến Hà Nội - TP.HCM?

Cá nhân tôi không phản đối nếu đề xuất thêm một đường bay quốc tế nối liền Sài Gòn - Hà Nội.

Tuy nhiên, tôi xin được nhấn mạnh đây là một đường bay quốc tế chứ không phải là đường bay nội địa như có người ngộ nhận vì nhiều lý do khác nhau, mà chắc chắn các nhà lãnh đạo đều biết.

Ông không phản đối, tuy nhiên trên cương vị một phi công với kinh nghiêm hàng chục năm bay, ông có hoàn toàn ủng hộ mở thêm đường bay này?

Hầu hết tâm lý phi công đều muốn bay ngắn. Tâm lý người lái máy bay lại cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe và tính mệnh của hành khách. Tuy nhiên, điều quan trọng là bay ngắn nhưng phải an toàn và đầy đủ điều kiện.

Như các bạn biết, đường bay thẳng đi qua không phận Campuchia, Lào hầu hết đều là rừng núi, sẽ rất khó khăn nếu chẳng may xảy ra sự cố. Vì vậy, nói về hoàn toàn ủng hộ, thì tôi nghĩ là không.

Nhìn từ góc độ kinh tế, ông có cho rằng “đường bay vàng” sẽ mang lại hiệu quả thực sự?

Việc này tôi xin để các chuyên gia của các hãng hàng không tính toán, vì họ kinh doanh họ sẽ õ nhất đường bay nào mang lại lợi ích tốt nhất cho họ.

Tuy nhiên, tôi chắc một điều là nếu họ dùng loại B777, A330 hoặc A321 hoặc B737 để bay và so sánh với đường bay hiện tại thì họ chỉ tiết kiệm được khoảng 10 phút bay chứ không hơn.

Nói đến chuyện tính toán lợi ich kinh tế, nhân tiện đây tôi mong TS. Trần Đình Bá nên tính toán, cân nhắc lại về số thời gian có thể tiết kiệm được! Máy bay phản lực bay trung bình 15 km/phút nếu bay 26 phút thì nó bay được 390 km chứ không phải 150 km như TS. Bá tính toán đâu!

Có ý kiến cho rằng đường bay vàng giúp các hãng hàng không tiết kiệm được thời gian, nhiên liệu, nhưng lại làm đội gấp đôi, gấp ba chi phí khi quá cảnh qua không phận Lào, Campuchia, quan điểm của ông về ý kiến này như thế nào?

Như các bạn đã biết, bay qua không phận nước bạn thì phải trả tiền. Sử dụng "đường bay vàng" tiết kiệm được 10 phút.

10 phút tiết kiệm được 1 tấn dầu khoảng 300 - 400 USD. Tuy nhiên, chúng ta lại phải trả tới 1.300-1.400 USD chi phí bay qua không phận nước bạn.

Được biết, Bộ Giao thông Vận tải vẫn đang tích cực hiện thực hóa "đường bay vàng", vậy theo ông, liệu có khó khăn, vướng mắc gì sẽ gặp phải khi triển khai không?Ông có khuyến nghị gì với các cơ quan quản lý khi xem xét các yếu tố để lập “đường bay vàng”?

Theo tôi, việc ta đề xuất thêm một đường bay quốc tế như nói trên thì không có gì là khó cả, đó là việc quá bình thường theo thông lệ quốc tế.

Còn đối với Lào và Campuchia tôi nghĩ là họ sẽ hoan nghênh quá đi chứ sao lại không, vì nó sẽ mang lại lợi nhuận hơn cho họ!

Tôi muốn nói thêm một điều là ta cũng đừng đánh giá thấp khả năng kiểm soát không lưu của họ. Theo tôi biết là khả năng radar nhận dạng của Lào và Campuchia đủ sức kiểm soát chặc chẽ không phận của họ cho nên việc triển khai bay sẽ không gặp khó khăn gì về kiểm soát không lưu.

Tôi dám chắc là Lào và Campuchia sẽ không có gì để phản đối nếu ta đề nghị lập đường bay này và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) cũng sẽ chấp nhận.

Về khuyến nghị đối với cơ quan quản lý, tôi xin được đề xuất thế này: Hiện trên trục này đã có sẵn đường bay quốc tế B329 rồi, đường này nối từ Nam Hà qua Pakse đến Phnompenh mà ta vẫn bay hàng ngày, nay ta thêm “đường bay vàng” nữa thì là hai đường song song. Xét về hành lang bay an toàn 20 dặm mỗi bên thì là không được, vì thế nếu dùng đường này thì phải bỏ đường kia đi.

Vì vậy nếu được, tôi nghĩ không cần “vẽ” thêm một đường bay vàng. Thay vào đó, tôi xin đề xuất thêm một đường nối từ TP.HCM đi Pakse sau đó nối vào đường B329 đi Nam Hà - Hà Nội mà hiện nay chưa có. Cùng lắm đường bay này chỉ chênh nhau khoảng 2 phút so với “đường bay vàng”, vừa khoa học, vừa an toàn, mà thằng không kém đường bay vàng.

Tóm lại tôi đồng ý đề xuất thêm một đường bay quốc tế nối Sài Gòn - Hà Nội, nhưng mở kiểu gì thì cũng phải gọi là đường bay quốc tế, chứ không thể gọi là quốc nội được.

Rõ ràng chúng ta mở đường bay đi qua nước bạn, mà cứ gọi là quốc nội thì không ổn.

Tôi phản đối có ý kiến cho rằng, chỉ bay trên bầu trời chứ có dừng xuống sân bay nước bạn đâu mà gọi là đường bay quốc tế.

Thực tế, trước khi đi bay vào không phận nước khác, máy bay sẽ phải xin phép nước đó trước khoảng 5 phút nếu không sẽ bị đuổi ra, hoặc nghiêm trọng là có thể bị bắn.

Đây là ý kiến của tôi, còn việc bay hay không bay, theo tôi vấn đề này nằm trong quyền lựa chọn của các hãng hàng không vì họ phải tính toán lời lỗ khi bay, chúng ta không có quyền ép họ phải bay đường này hay đường kia, đó là kinh tế thị trường.

Nhân tiện đây, ông có suy nghĩ gì trước nhiều ý kiến đồng tình với nhận xét về một cục hàng không "lạc hậu, trì trệ và bảo thủ"?

Tôi không đồng tình với suy nghĩ này. Thực tế tôi thấy Cục Hàng không Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong đổi mới, trong việc cải thiện và giảm giờ bay.

>>>"Đường bay vàng" sẽ giúp rút ngắn đường bay Bắc - Nam

Theo Nguyễn Mạnh

cucpth

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên