MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Vũ Mão: Vì sao người dân chưa hài lòng?

24-08-2014 - 12:29 PM | Xã hội

Sẽ tiếp tục mất thêm niềm tin của nhân dân nếu chỉ làm những việc hình thức, lấy lệ, không phản ánh đúng thực chất.

Nhận xét về kết quả khảo sát, điều tra đánh giá sự hài lòng của người dân với 3 tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa, Bình Định, ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, kết quả công bố khiến nhiều người ngỡ ngàng bởi nó quá cao. 

Sự hài lòng đều trên 80% cả. Rõ ràng những khảo sát như thế chưa thực chất, chưa phản ánh được hết tâm tư, nguyện vọng, niềm tin của nhân dân đối với phương thức, cách thức quản lý của chúng ta. 

Theo ông Vũ Mão, nếu không làm thực chất sẽ mất thêm niềm tin của nhân dân. Chủ trương tốt nhưng do khâu thực hiện không thực chất nên vừa tốn tiền, mất công, mất sức mà hiệu quả không đạt được. Điều đó sẽ mất thêm niềm tin trong nhân dân.

Sau kết quả khảo sát, điều tra đánh giá sự hài lòng của người dân với 3 tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa, Bình Định, ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội bình luận: Sẽ tiếp tục mất thêm niềm tin của nhân dân nếu chỉ làm những việc hình thức, lấy lệ, không phản ánh đúng thực chất.

Xây dựng cơ chế pháp luật hoàn thiện để chống lại cái xấu

PV: Thưa ông, trong bài viết của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhân kỷ niệm 69 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có đề cập đến lo lắng nhất hiện nay là "chỉ sợ nhân dân mất niềm tin”…

Ông Vũ MãoTrong bài viết của Chủ tịch nước có đưa ra một câu truyền miệng trong xã hội rất đau lòng: "Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ...” trong công tác cán bộ và những nhận định đánh giá về hành xử của cán bộ đảng viên… - những điều đã làm xói mòn lòng tin của nhân dân. Dân biết hết cả. Vấn đề ở đây là phải được giải quyết thế nào? Bác Hồ đã nói mỗi cán bộ phải là công bộc của dân. 

Kiểm điểm lại, chúng ta đã làm được bao nhiêu đâu! Sự rèn luyện tu dưỡng đạo đức, phẩm chất năng lực của mỗi con người là yếu tố quyết định nhất nhưng chúng ta cũng chưa làm tới. Chúng ta vẫn nói "Học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhưng từng người một chưa làm rõ nên học gì.

Trong chế độ chúng ta, với cán bộ công chức nhà nước làm sao có thể có nhiều tiền được. Kinh doanh buôn bán có thể giàu nhưng cũng phải kiểm tra cụ thể. Nếu làm ăn đúng đắn thì công chức nhà nước sao có thể giàu quá mức được. 

Chúng ta có rất nhiều người giàu có nhưng biện pháp quản lý kiểm kê tài sản là không có. Tôi nói không có ở đây là vì chúng ta làm chỉ mang tính hình thức. Ai cũng có báo cáo về kiểm kê tài sản mỗi lần Đại hội Đảng, bầu Quốc hội, bầu Hội đồng nhân dân. Nhưng báo cáo để biết vậy thôi. Cơ chế nào để giám sát kiểm tra thực sự đích thực tài sản của người đó có đúng như vậy không? hay còn nhiều hơn mà ẩn giấu, không công khai minh bạch. 

Chúng ta phải tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ. Để như vậy đau xót lắm, một xã hội mà luôn luôn có những tiếng kêu ca phàn nàn từ phía nhân dân thì không được. Điều quan trọng là chúng ta tư duy một cách đúng đắn để cùng nhau bàn giải pháp khắc phục một cách đúng đắn, lấy xây để chống. Cái xấu thì nhiều, chúng ta phải xây dựng cơ chế pháp luật đầy đủ, hoàn thiện để chống lại.

Cần tìm ra nguyên nhân vì sao chưa có sự hài lòng của người dân

PV:Trong một bối cảnh thực tế mà như ông vừa nói "luôn luôn có những tiếng kêu ca, phàn nàn từ phía người dân”, ông bình luận gì về kết quả khảo sát mức độ hài lòng của nhân dân với các dịch vụ hành chính công vừa được 3 tỉnh công bố vừa qua, so với hiện thực đời sống và tâm tư nhân dân mà chúng ta cảm nhận được?

Ông Vũ Mão: Đời sống xã hội đang có nhiều vấn đề đặt ra và chúng ta có những sáng kiến để giải quyết những vấn đề đó, theo tôi là tốt. Việc các địa phương tiến hành khảo sát về cải cách hành chính, về thể chế nhà nước là việc làm rất cần thiết. Tôi hoan nghênh việc triển khai.

Vấn đề đặt ra ở đây là kết quả công bố khiến nhiều người ngỡ ngàng bởi nó quá cao. Sự hài lòng đều trên 80% cả. Thực tế sự hài lòng của người dân không đạt đến như vậy. Chính cán bộ các địa phương vừa có kết quả khảo sát cũng chưa cảm thấy hài lòng về kết quả đó. 

Đây là điều thứ hai tôi hoan nghênh khi chính lãnh đạo của tỉnh đó có cách nhìn chân thực, thẳng thắn. Từ đó, đi đến câu chuyện rõ ràng những khảo sát như thế này chưa thực chất, chưa phản ánh được hết tâm tư, nguyện vọng, niềm tin của nhân dân đối với phương thức, cách thức quản lý của chúng ta. 

Như vậy, trong khi đo sự hài lòng của nhân dân, chúng ta tiếp tục có một kết quả khiến nhân dân không hài lòng. Theo tôi, ở đây cần tìm ra nguyên nhân vì sao chưa có sự hài lòng của người dân về đánh giá đó, vì sao đánh giá đó chưa đi vào thực chất, mới là làm lấy lệ…

Nếu chỉ làm cho có, lấy lệ thì không những không giải quyết được tận gốc vấn đề, mà càng làm cho người dân thiếu tin tưởng vào cơ quan công quyền. Điều đó rất nguy hiểm.

Ông Vũ Mão

Không làm thực chất là mất thêm niềm tin của nhân dân

PV: Thưa ông, liệu đó có phải là bệnh thành tích không? Ở Hà Nội, kết quả điều tra một nhóm nghiên cứu hồi đầu năm 2014 đem đến một kết quả khác. Có nhà khoa học cho rằng, cần phải có các cuộc điều tra, khảo sát từ các cơ quan đánh giá độc lập...

Ông Vũ Mão: Ở đây, có bệnh thành tích không? Tôi nghĩ là có. Nhưng nếu kết luận họ đưa ra kết quả như vậy hoàn toàn do bệnh thành tích thì có lẽ chưa đủ. Động cơ của họ chưa hẳn là chạy theo bệnh thành tích. Quan trọng là bản chất và nội dung của cách khảo sát chưa ổn. 

Thứ nhất, là về đối tượng khảo sát. Thực tiễn khảo sát còn ít, chưa phản ánh thực chất vấn đề, tôi nghĩ ít nhất phải là 1% dân số của tỉnh đó phải tham gia khảo sát thì may ra mới có thể coi là một căn cứ để xem xét. 

Thứ hai, những người tham gia phải được chọn ngẫu nhiên chứ không phải kiểu quen biết, nhờ trả lời hộ cho có. 

Thứ ba, là bộ câu hỏi đặt ra để thăm dò. Bản thân tôi từ trước đến nay cũng đã tham gia nhiều cuộc như thế, chỉ đạo nhiều cuộc và thực sự tôi không hài lòng với cách đặt câu hỏi, nội dung thăm dò chung quá, đại khái quá, chỉ cho người ta hài lòng, không hài lòng hoặc rất hài lòng. 

Có 3, 4 mức câu trả lời nhưng bản chất bên trong từng nội dung rất phong phú, nhiều khía cạnh khác nhau. Tôi cho là việc những người có trách nhiệm đưa ra cuộc thăm dò này chưa ổn, nên người trả lời cũng chung chung, đại khái, thậm chí không tránh khỏi họ nghĩ hỏi thế này để biết vậy thôi chứ chẳng để làm gì. Họ không có trách nhiệm gì với câu trả lời của mình.

Nếu chúng ta làm thực chất, bản thân những người dân được điều tra, khảo sát cũng phải thấy trách nhiệm của họ trong những ý kiến trả lời, là đóng góp vào sự chuyển biến của các cơ quan nhà nước. Chúng ta có chủ trương tốt nhưng do khâu thực hiện không thực chất vừa tốn tiền, mất công, mất sức mà hiệu quả không đạt được, thêm mất niềm tin của nhân dân.

Nhiều quy định văn bản pháp luật còn chưa "một cửa” được

PV: Bản chất sự hài lòng hay không hài lòng của nhân dân hình như không nằm ở mấy biện pháp cải cách hành chính?

Ông Vũ Mão: Bây giờ chúng ta phải đi vào nội dung và bản chất của vấn đề trong quản lý nhà nước và trong sự hài lòng của người dân. Rõ ràng, theo tôi nó thuộc trước hết về vĩ mô là cơ chế, chính sách, các văn bản pháp luật của chúng ta. Ở đây, tôi nói cụ thể về vấn đề nóng bỏng nhất từ trước đến nay là vấn đề đất đai. Chúng ta có chủ trương, cơ chế chính sách về đất đai từ năm 1936 khi các nhà cách mạng nói về mục tiêu "người cày có ruộng”. 

Gần đây nhất là Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều điểm tiến bộ. Nhưng đi vào quản lý đất đai thì còn nhiều vấn đề. Có những vấn đề do khuyết điểm quản lý của địa phương, cũng có những vấn đề còn nằm ở quy định pháp luật…

Chúng ta chưa giải quyết được bản chất của vấn đề, vẫn loay hoay. Từ đó dẫn đến sai sót, bất hợp lý và những vụ việc khiến nhân dân bất bình. Chúng ta đặt vấn đề cải cách hành chính một cửa nhanh gọn. Nhưng bản thân những quy định văn bản pháp luật còn chưa có thể nhanh gọn "một cửa” được.

Chúng ta rất quan tâm đến vấn đề cải cách thủ tục hành chính, đã có hẳn một Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách hành chính, nhưng theo tôi chưa giải quyết được nội dung bên trong thực chất mới là bề ngoài thôi. Phải là sự đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Những vấn đề đó lâu nay chúng ta nhìn nhận ra nhưng chưa giải quyết được triệt để. Bản chất của vấn đề như vậy chưa được giải quyết mà cứ đi tìm những giải pháp, sáng kiến, cách làm … là rất tốt, nhưng không đi vào bản chất, cuối cùng cho ra một kết quả đánh giá không thực chất.

Sự chuyển biến phải đồng bộ của cả hệ thống, từ trên xuống dưới

PV:Thưa ông, cùng với hệ thống quy phạm pháp luật, bản chất của việc người dân hài lòng hay không hài lòng không nằm ở chỗ "một cửa” hay mấy cửa, khi mà đến đó người ta nhận được sự "ban phát” từ nền dịch vụ công và mọi việc dù đơn giản hay phức tạp đều phải có "phí bôi trơn”. Làm thế nào để có một nền công vụ vì dân?

Ông Vũ Mão: Chúng ta trước đây vẫn nói Nhà nước phục vụ nhân dân nhưng trên thực tiễn cơ quan công quyền, cán bộ quản lý như là quan của dân. Mục tiêu chúng ta đề ra là phục vụ nhân dân nhưng họ lại "hành dân là chính”. Gần đây, nền hành chính công rõ ràng đã có những chuyển biến tích cực. Chuyển biến về nhận thức là cơ quan nhà nước phải đưa ra những dịch vụ công, thực chất vì dân. 

Vấn đề là từ quan điểm, nhận thức như vậy phải biến thành cơ chế, văn bản pháp luật để thực sự Nhà nước của chúng ta do dân, vì dân. Để đi đến cái đích cuối cùng là sự chuyển biến từ trong cốt lõi, trong mỗi hành động việc làm của từng cán bộ công chức để người dân thực sự hài lòng, tin tưởng. Chúng ta nói nhiều nhưng thực tiễn chưa có đạt được là bao.

Chúng ta phải đổi mới nền hành chính công. Ở đây đòi hỏi một nhận thức, tâm huyết từ trên xuống dưới may ra mới có chuyển biến được chứ nếu chỉ một công đoạn nào đó, một khúc nào đó chuyển biến thì không thể chuyển biến hoàn toàn được. Nó có tính hệ thống, như một dòng chảy không thể cắt khúc chỗ này, chỗ khác được.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

>>>"Chỉ có 40% người dân hài lòng về chất lượng dịch vụ công"

Theo Cẩm Thuý - Thu Hương

cucpth

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên