MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đối thoại với doanh nghiệp châu Âu

26-03-2015 - 11:04 AM | Xã hội

Chiều 25/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã có buổi đối thoại với các hội viên của Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu do Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) tổ chức tại Hà Nội. Cuộc đối thoại còn có sự tham dự của Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ông Franz Jessen.

Diễn ra trong hơn một giờ đồng hồ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã trả lời các câu hỏi của các hội viên Hội doanh nghiệp Châu Âu về chủ trương, mục tiêu, giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và cơ hội tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào tiến trình này ở Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết gần 30 năm qua, Việt Nam thực hiện đổi mới nền kinh tế từ tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nhiều lĩnh vực đã đạt được kết quả tích cực. Hiện Việt Nam đã hội nhập rất sâu, rộng với nền kinh tế thế giới, tham gia vào nhiều tổ chức kinh tế, thương mại, chính trị trên thế giới, ký kết nhiều hiệp định đa phương, song phương và có quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia.

Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa bằng việc tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế với 3 trụ cột chính là tái cơ cấu doanh nghiệp mà trọng tâm là DNNN, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng với trọng tâm là các ngân hàng thương mại, tái cơ cấu đầu tư có trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công.

Theo Phó Thủ tướng, mục tiêu của tái cơ cấu DNNN là giảm số lượng và thu hẹp lĩnh vực hoạt động của DNNN, nhà nước chỉ nắm giữ, chi phối 100% vốn tại doanh nghiệp ở lĩnh vực mà khối tư nhân, các doanh nghiệp kinh tế ngoài nhà nước không có điều kiện hoặc không đầu tư; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khối tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực của nền kinh tế (trước đây do DNNN nắm giữ hoặc chi phối thị phần- PV); DNNN hoạt động, cạnh tranh bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác ở trong và ngoài nước.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết tái cơ cấu DNNN có ý nghĩa rất lớn với nền kinh tế Việt Nam. “Trong một số lĩnh vực quan trọng thì DNNN sẽ có đủ tiềm lực để đổi mới các trang thiết bị, công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, thay đổi quản trị để hoạt động có hiệu quả. Ở một chừng mực nào đó, DNNN sẽ dẫn dắt thị trường, dẫn dắt nền kinh tế phát triển lành mạnh”, ông Vũ Văn Ninh nói, đồng thời khẳng định: “Việc sắp xếp, đổi mới DNNN không ảnh hưởng gì tới tiến trình tự do hóa nền kinh tế mà còn thúc đẩy hợp tác công tư, tạo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh hơn”.

Trước câu hỏi của một số doanh nghiệp Châu Âu về những ưu đãi mà Nhà nước dành cho DNNN ở giai đoạn hiện nay, người trực tiếp chỉ đạo công tác đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp cho biết “không có ưu đãi riêng cho DNNN và tất cả các doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam đều hoạt động theo pháp luật chung.” Phó Thủ tướng lấy ví dụ việc nhà nước bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn nước ngoài thì không chỉ dành cho DNNN mà cho các thành phần kinh tế khác nếu các các doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện và tiêu chí chung do Nhà nước đặt ra.

Một doanh nghiệp Châu Âu đề cập tới cơ hội nào cho các nhà đầu tư nước ngoài trở thành nhà đầu tư chiến lược khi cổ phần hóa DNNN, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết Chính phủ đã công bố tiêu chí, mức độ tham gia mua cổ phần để trở thành nhà đầu tư chiến lược mà không phân biệt nhà đầu tư trong nước hay ngoài nước. Thực tế là nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã trở thành nhà đầu tư chiến lược ở một số lĩnh vực được coi là nhạy cảm như bảo hiểm (Tập đoàn Bảo Việt), tài chính- ngân hàng (4/5 ngân hàng thương mại nhà nước có nhà đầu tư chiến lược là nước ngoài).

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chia sẻ những băn khoăn của các doanh nghiệp Châu Âu khi Nhà nước còn chiếm giữ tỷ lệ vốn cao ở các DNNN sẽ là cản trở cho cổ phần hóa, đồng thời cho biết: “Chúng tôi đang nghiên cứu để các nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài chiếm một tỷ lệ cổ phần nhất định, đủ để tham gia điều hành doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ thì bán 100% vốn.”

Tại cuộc đối thoại, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng giải thích chủ trương của Chính phủ khi kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm hay doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có thể mua trái phiếu Chính phủ đầu tư vào hạ tầng cơ sở được không?

Theo đó, Phó Thủ tướng khẳng định trái phiếu Chính phủ Việt Nam được phát hành để đầu tư chủ yếu vào hạ tầng kinh tế, xã hội không có khả năng thu hồi vốn. Nếu với những hạ tầng kinh tế, xã hội có khả năng thu hồi vốn thì Chính phủ khuyến khích các hình thức hợp tác công- tư hay khuyến khích tư nhân bỏ vốn đầu tư. Với việc mua trái phiếu, Chính phủ Việt Nam mong muốn các nhà đầu tư mua trái phiếu có kỳ hạn dài, lãi suất hợp lý.

“Việt Nam cũng khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tham gia thành lập các công ty tài chính với doanh nghiệp trong nước để đầu tư ở Việt Nam”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói.

Về lĩnh vực dược phẩm, Phó Thủ tướng cho biết quy mô các doanh nghiệp dược phẩm trong nước còn nhỏ. Các DNNN hoạt động trong lĩnh vực này không chỉ có cổ phần hóa mà còn được Chính phủ thực hiện sáp nhập và Việt Nam mong muốn doanh nghiệp dược nước ngoài có tiềm năng tài chính, thị trường, công nghệ và các kênh phân phối tham gia đầu tư vào các doanh nghiệp dược ở trong nước hay đầu tư tạo ra nguồn nguyên liệu của các sản phẩm dược quan trọng, phục vụ cho sự phát triển của Việt Nam.

Đại diện phòng Thương mại Châu Âu tặng Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cuốn sách Trắng tóm lược những nhận định và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Thành Chung

Kết thúc cuộc đối thoại, các doanh nghiệp châu Âu bày tỏ cảm ơn những chia sẻ của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và cho rằng những thông tin trên sẽ rất hữu ích để các doanh nghiệp Châu Âu đưa ra các kế hoạch tham gia vào tiến trình cổ phần hóa DNNN tại Việt Nam.

Cũng tại buổi đối thoại, đại diện phòng Thương mại Châu Âu cũng trao tặng Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cuốn sách Trắng tóm lược những nhận định và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam.

Theo Thành Chung

PV

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên