MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quà tặng càng to càng khó phát hiện!

09-02-2015 - 09:05 AM | Xã hội

TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển, đã nhận định như vậy về quy định cấm “nhận và tặng quà không đúng quy định”

- Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng vừa ký văn bản yêu cầu các bộ, ngành theo dõi, báo cáo những trường hợp nhận và tặng quà không đúng quy định trong dịp Tết. Ông đánh giá thế nào về việc này?

- TS Nguyễn Văn Vịnh: Cứ cuối năm, cơ quan chức năng đều có văn bản quy định cấm nhận quà Tết không đúng quy định, thậm chí là không được nhận quà. Ngày vui của các ngành cũng thế, như Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định ngày 20-11 không được nhận quà. Thông báo của Thanh tra Chính phủ, tôi cho là không có gì mới.

* Nhưng thật lòng mà nói, tặng nhau quà Tết vốn là nét đẹp trong truyền thống của người Việt Nam…?

- Đúng vậy, với người Á Đông nói chung, Việt Nam nói riêng, quà được hiểu theo nghĩa không có mục đích mà chỉ là sự chia sẻ tình cảm. Thông qua lễ, Tết, người ta tặng quà cho nhau để biểu lộ tình cảm, đặc biệt là trong quan hệ gia đình, dòng tộc, thứ bậc. Ngày thường, hỏi thăm và tặng quà cho nhau là để biểu lộ mối ân tình. Quà nhiều khi là có đi có lại, người ta tặng mình quà này, mình tặng người ta món khác. Biếu quà nhau là điều bình thường, tôi nghĩ là không thể cấm được vì nó rất phổ biến.

Tất nhiên, quà cũng đánh vào lòng tham con người, từ đó dễ tạo ra nhiều chuyện phức tạp. Dân gian có câu mà tôi thấy đúng, đó là “tốt lễ, dễ nói”. Từ những món “quà Tết”, nhiều người tính đến chuyện mua bán quyền chức.

Về văn bản của Thanh tra Chính phủ, tôi nghĩ để khả thi, phải định nghĩa thế nào là quà biếu Tết. Phải quy định đến bao nhiêu thì xem là quà, bao nhiêu là hối lộ. Cấm biếu quà hay là cấm biếu quà để chạy chọt, mua bán quyền chức. Trong quan hệ dân sự, người ta có thể tặng nhau cả một biệt thự. Tôi nghĩ văn bản này chưa làm rõ nội hàm cần thiết, cảm giác như chỉ là nhắc cho có trách nhiệm thôi.

* Ngày Tết cận kề, nhiều người nói đùa tắc đường, kẹt xe là do khắp nơi đổ về thủ đô biếu quà. Ông có suy nghĩ như vậy?

- Đúng là mấy ngày nay, lượng người - xe ở thủ đô tăng lên bất thường, mọi ngả đường kẹt cứng. Có người nói đùa ông công ông táo lên chầu trời, còn công chức về biếu quà Tết. Dư luận đùa thế nhưng cũng phải ghi nhận thực tế là ngành nào cũng có bộ chủ quản, địa phương thì có trung ương. Trong mấy ngày qua, nhiều người kéo về thủ đô là chuyện có thật.

* Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Thanh tra Chính phủ, khuyến khích người dân phát giác việc cán bộ, công chức, viên chức tặng quà hoặc nhận quà Tết trái quy định, đồng thời báo cho cơ quan chức năng, nếu có bằng chứng thì càng tốt. Ông nghĩ sao khi ông cục trưởng đặt niềm tin như vậy vào người dân và yêu cầu này có khả thi?

- Quà càng quan trọng thì càng khó phát hiện. Giờ không ai dại gì đi biếu sếp mà lại nghênh ngang bảo tôi mang cái này cái kia làm quà. Người dân có quyền bắt những người mang quà dừng xe để kiểm tra? Thực tế, không người dân nào có thể kiểm tra việc tặng quà.

Tôi nghĩ nếu muốn chống tham nhũng, có những cách vận động, ngăn chặn khác, như sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng. Hãy đánh vào lòng hổ thẹn, sự liêm sỉ. Tuy nhiên, điều này tùy thuộc vào đạo đức của từng cá nhân chứ không phụ thuộc vào quy định hành chính. Thực ra, nhiều người không muốn tặng quà nhưng người này tặng mà người kia không thì cũng không được, thế là chạy đua với nhau.

Với trách nhiệm của mình, cơ quan chức năng phải nhắc nhở nhưng không phải cứ việc gì khó là đổ cho dân. Cơ quan chức năng với nhiều bộ phận nghiệp vụ mà không phát hiện việc tặng quà trái quy định thì người dân làm sao phát hiện!

>>>Thanh tra Chính phủ yêu cầu báo cáo việc tặng, nhận quà Tết

Theo Yến Anh

PV

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên