MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quốc hội chiều 18/11: Chống thất thoát trong ngành xây dựng là vấn đề được cả nước quan tâm

18-11-2014 - 15:03 PM | Xã hội

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ các công trình thì vấn đề chất lượng công trình cũng được quan tâm.

Mở đầu phiên chất vấn buổi chiều 18/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình tiếp tục giải trình chất vấn của các Đại biểu Quốc hội về vấn đề tăng lương, tinh giảm biên chế và bổ nhiệm cán bộ công chức nhà nước.

>>> Nội dung chất vấn Bộ trưởng Công thương nửa buổi sáng 18/11

>>> Nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ nửa cuối buổi sáng 18/11


Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm – TP Hồ Chí Minh đặt ra 2 câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình.

Một là, Chính sách tiền lương của VN hiện nay có nhiều bất cập. Đáng chú ý là, thiếu tính công bằng; chưa thật sự minh bạch; không tạo được động lực cho người lao động có trình độ có năng lực làm việc. Cảm nhận này có đúng thực tế không và vì sao có tình trạng đó? Liệu có một giải pháp như là chiếc chìa khóa mở ra cơ hội đổi mới căn bản chính sách tiền lương? Khi nào thì áp dụng được?

Hai là, việc xử lý người đứng đầu trong thời gian qua có phù hợp với thực tế tình trạng sai phạm ở nhiều đơn vị hay không? Vì sao tình trạng xử lý người đứng đầu lại khó đến như vậy?


Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình trả lời: Vấn đề tiền lương là vấn đề đang được toàn xã hội quan tâm. Thực trạng tiền lương, cũng như chính sách, chế độ tiền lương của các bộ công chức viên chức, lực lượng vũ trang … được thực hiện từ năm 2003 đến nay đã đạt được một số kết quả quan trọng sau:

Từ tháng 1/2003 đến nay đã 9 lần điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu chung (mức lương cơ sở); từ 210 nghìn đồng lên 1.150 nghìn đồng/ tháng; tăng 447,8%; cao hơn chỉ số giá tiêu dùng (CPI) do Tổng cục thống kê công bố là 186,8%.

Bên cạnh đó, đã hoàn thiện một bước hệ thống thang bảng lương và các chế độ phụ cấp trên cơ sở mở rộng quan hệ tiền lương tối thiểu – trung bình – tối đa từ 1-1,78-8,5 lên 1-2,34-10.
Thực hiện đổi mới cơ chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức thực hiện nghĩa vụ tài chính, lao động và tiền lương.

Tuy nhiên đến nay, sau 10 năm thực hiện, chế độ tiền lương hiện hành cũng phát sinh một số bất hợp lý.

Mức lương cơ sở thực hiện từ 1/7/2013 là 1.150 nghìn đồng/tháng, mới đạt 50,5% bình quân mức lương tối thiểu vùng năm 2014 của khu vực doanh nghiệp, dẫn đến các mức lương, ngạch, chức vụ thấp theo. Tính cả 25% phụ cấp công vụ thì mức lương của người tốt nghiệp Đại học, mới tập sự khoảng 3,36 triệu đồng/tháng; Bộ trưởng khoảng 14,4 triệu/tháng.

Do đó, đời sống người hưởng lương từ ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, hệ thống thang bậc lương còn bình quân. Việc đổi mới cơ chế đối với khu vực sự nghiệp công lập còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra.

Bộ trưởng chỉ ra một số nguyên nhân như sau: Tốc độ tăng GDP thấp so với chỉ tiêu đề ra, thu ngân sách tăng chậm, trong khi nhu cầu tăng chi đầu tư phát triển, tăng chi quốc phòng an ninh, an sinh xã hội … cao dẫn đến khó bố trí nguồn cải cách lương.

Bên cạnh đó, đối tượng hưởng lương và trợ cấp hàng tháng gắn với tiền lương từ ngân sách nhà nước tương đối lớn, khoảng 7 triệu người (chưa bao gồm quân đội và công an). Do mức lương còn thấp nên các cơ quan có thẩm quyền đã mở rộng đối tượng áp dụng các chế độ phụ cấp dẫn đến phát sinh bất hợp lý giữa các ngành nghề.

Việc đổi mới cơ chế đối với các đơn vị sự nghiệp công đã được triển khai nên đã tác động đến đại đa số nhân dân nên cần có lộ trình hợp lý.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, định hướng thực hiện thời gian tới sẽ tuân theo lộ trình tăng lương thích hợp để đảm bảo cuộc sống của cán bộ, công chức viên chức và lực lượng vũ trang có thu nhập thấp. Điều chỉnh mức lương tối thiểu khu vực ngân sách nhà nước, đảm bảo phù hợp với khả năng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các giải pháp tạo nguồn mới được hơn 1 năm nên chưa có nhiều kết quả. Nền kinh tế còn nhiều khó khăn, chưa thể tăng trưởng cao trong 1, 2 năm tới nên chưa bố trí đủ nguồn cho cải cách tiền lương. Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính từng bước điều chỉnh tiền lương cho phù hợp.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình đưa ra dự kiến 3 phương án điều chỉnh tiền lương năm 2015 như sau:

Phương án 1: Điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu từ 1/1/2015 tăng 12% (tăng 140 nghìn đồng/tháng) thì tổng nhu cầu kinh phí tăng lên là 48 nghìn tỷ đồng.

Phương án 2: Điều chỉnh tăng 10% (tăng 115 nghìn đồng/tháng) , tổng kinh phí tăng lên là 40 nghìn tỷ đồng.

Phương án 3: Điều chỉnh tăng 8% (tăng 90 nghìn đồng/tháng) thì nhu cầu kinh phí tăng lên là 32 nghìn tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng, để tạo nguồn điều chỉnh tiền lương, cần thực hiện các giải pháp sau: Thúc đẩy sản xuất kinh doanh; các cơ quan đơn vị phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thu ngân sách.

Đồng thời phải thực hiện tinh giảm biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ chế nguồn chi ngân sách, chi cho con người là chi cho đầu tư phát triển. Đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, nhân lực và coi đây là khâu đột phá, quyết định nguồn lực cho cải cách tiền lương.



Sau phần giải trình của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội.

Mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Đinh La Thăng, Đại biểu Trương Minh Hoàng – Cà Mau có hai câu hỏi:

Thứ nhất, đâu là giải pháp đồng bộ để giá vận tải VN hợp lý và có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực, nhất là trong điều kiện VN chuẩn bị xây sân bay Long Thành?

Thứ hai, từ ngày 30/4/1975 đến nay, sau gần 40 năm thống nhất đất nước, ngành giao thông đã có nhiều cố gắng nhưng các tuyến đường ô tô về huyện vẫn chưa đạt 100%. Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề và giải pháp là gì?


Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời:

Về vấn đề thứ nhất, Bộ trưởng cho biết, hiện nay Bộ GTVT đang thực hiện tái cơ cấu ngành giao thông vận tải với ba trọng tâm chính: tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu DN nhà nước và tái cơ cấu vận tải.

Để thực hiện tái cơ cấu vận tải, hiện Bộ đang tái cơ cấu từng lĩnh vực bao gồm đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường hàng hải … với mục tiêu tăng năng suất, giảm chi phí để tạo điều kiện giảm chi phí, điều chỉnh giá cưới và phát huy lợi thế của VN.

Theo Bộ trưởng, yếu tố quan trọng là nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ và đào tạo con người trong từng lĩnh vực để góp phần giảm cước vận tải.

Qua thực hiện tái cơ cấu vận tải, đến nay, tỷ trọng vận tải đường bộ bắt đầu giảm, tỷ trọng vận tải đường hàng hải và đường thủy nội địa tăng lên…

Trong khi đó, cước vận tải đường sắt giảm dần, năm nay chưa tăng giá đường sắt lần nào dù giá xăng dầu tăng. Giá vé tàu tết năm 2014 dự kiến giảm từ 11-17% so với giá vé năm 2013.

Về hàng không, thực hiện tái cơ cấu, Bộ GTVT tập trung đẩy mạnh xã hội hóa tất cả những lĩnh vực mà tư nhân làm được thì để cho tư nhân làm, đẩy mạnh cổ phần hóa. Mặc dù giá xăng dầu tăng nhưng từ năm 2011 đến nay ngành hàng không cũng không tăng giá. Đây là một trong những thành công của tái cơ cấu ngành hàng không. Giá cước vận tải của VN hiện nay so với các nước trong khu vực, đặc biệt trong vận tải hàng không là rẻ hơn.

Như vậy, việc tái cơ cấu ngành giao thông vận tải, thực hiện kết nối các phương tiện vận tải tốt góp phần làm giảm chi phí logistic, góp phần giảm chi phí các doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động và tăng hiệu quả của cả nền kinh tế.

Đối với vấn đề thứ hai, sau gần 40 năm giải phóng đất nước nhưng một số nơi chưa có đường ô tô. Bộ trưởng cho biết, nhờ sự quan tâm của Chính phủ và Quốc hội, trong những năm qua, bộ mặt giao thông đã cải thiện song vẫn cần nhiều cố gắng và động lực hơn nữa.

Bộ đã trao đổi với các địa phương để đầu tư kết nối xây cầu, tạo đường ô tô về huyện. Theo kế hoạch từ nay đến năm 2020 sẽ có 100% đường ô tô về xã.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà – Hà Nộ
i chất vấn Bộ trưởng Đinh La Thăng:

Bộ GTVT đang nghiên cứu chuyển giao một số chương trình giao thông cho các đối tác … Đây là một điều bình thường so với thế giới nhưng lại khá mới ở VN. Nếu các công trình này được chuyển giao cho nhà đầu tư nước ngoài thì quy định ràng buộc là gì? Có gì để đảm bảo nhà đầu tư không tăng giá phí?

Việc triển khai các công trình giao thông hiện nay gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân. Bộ GTVT có những biện pháp xử lý như thế nào?


Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời: Hiện nay, Quốc hội chỉ đạo Bộ GTVT thực hiện đột phá kết cấu hạ tầng giao thông để giao thông vận tải đi trước, thúc đẩy phát triển kinh tế. Tái cơ cấu nền kinh tế với trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công. Do đó nguồn lực dành cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông cũng ngày càng hạn chế.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã đề xuất nhiều cơ chế chính sách, huy động nguồn lực xã hội của doanh nghiệp, tư nhân và các nhà đầu tư tham gia đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Trong những năm qua, việc huy động vốn ngoài xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đã đạt con số 160 nghìn tỷ đồng; bằng 60% tổng vốn đầu tư cho ngành giao thông. Đây là một sự nỗ lực lớn của cả ngành giao thông.

Hiện nay, để tiếp tục tạo đột phá, Bộ GTVT đã nghiên cứu việc chuyển giao quyền khai thác kết cấu hạ tầng cho các nhà đầu tư khác. Đây cũng được đánh giá là một bước đột phá mới của ngành. Nếu thực hiện chuyển giao đường cao tốc thành công, sẽ lấy tiền thu được để đầu tư cho các dự án mới.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, hiện một số nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, xin chuyển giao toàn bộ dự án hạ tầng giao thông. Khi đó, họ sẽ phải kế thừa toàn bộ các điều kiện mà nhà đầu tư trước đó đã ký; bao gồm cả mức phí, bảng giá … Việc tăng giá cũng phải tuân theo quy định của hợp đồng.

Thứ hai, việc triển khai thi công các dự án giao thông đi qua các khu dân cư có ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất kinh doanh của người dân. Các dự án này phải được phê duyệt, khi tổ chức triển khai thi công phải có thiết kế tổ chức thi công, các biện pháp thi công và thỏa thuận đồng ý của Chính quyền địa phương. Việc ảnh hưởng đến người dân phải được thực hiện giải tỏa, đền bù hợp lý.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhận định, do sự phối hợp của cơ quan quản lý còn chậm gây ra một số phiền hà cho người dân. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện theo đúng cam kết; đảm bảo không ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.



Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy – Hòa Bình đặt ra 2 câu hỏi: Thứ nhất là vấn đề thu phí đường bộ, có nhiều ý kiến cho rằng việc thu phí đường bộ giữa những tuyến đường cao tốc cũ và mới chưa hợp lý. Nhiều tuyến đường thu phí quá cao. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này? Và giải pháp là gì?

Thứ hai, hiện nay Bộ GTVT đang đầu tư các dự án BOT trên Quốc lộ 1. Sau khi khai thác sẽ có nhiều trạm thu phí, việc hình thành các trạm thu phí này có đúng không và yêu cầu về khoảng cách giữa các trạm như thế nào?

Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời:


Thứ nhất, mức thu phí trên các tuyến đường phải tuân theo quy định của Pháp luật. Mức thu này phụ thuộc vào tổng mức đầu tư của dự án, phụ thuộc vào thời gian hoàn vốn, cũng như lưu lượng xe … Trên cơ sở đó, Bộ chủ quan sẽ ký hợp đồng với nhà đầu tư để quy định mức thu phí.

Bộ trưởng lấy dẫn chứng: Nhiều ý kiến cho rằng đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai áp mức phí cao. Tuy nhiên, nếu xét cụ thể, thời gian đi lại trên tuyến cao tốc này rút xuống còn một nửa, chi phí xăng xe giảm 30%; tuyến đường thẳng, an toàn hơn … Như vậy, mức phí tăng cao hơn cũng phù hợp với các khoản chi phí tiết kiệm được.

Về việc nâng cấp Quốc lộ 1, hiện nay Đảng và Chính phủ đang chủ trương quyết liệt hoàn thành nâng cấp quốc lộ 1. Để thực hiện dự án với tổng mức đầu tư tương đối lớn, khoảng 6 tỷ USD; thời gian thi công trong 2 năm, … nên việc huy động vốn ngoài xã hội là yếu tố quyết định. Do vậy, cần kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Ngoài số tiền nhà đầu tư tự bỏ ra, họ có thể phải vay ngân hàng và cần thu phí để hoàn vốn. Tuy nhiên, mức phí phải áp dụng theo quy định và cự ly giữa các trạm thu phí phải đảm bảo theo quy định, tối thiểu cách nhau 7 km.

Để thực hiện việc thu phí hiệu quả nhất, tránh thất thoát lãng phí và giảm thời gian, Bộ đang xây dựng đề án thu phí tự động thí điểm trên toàn bộ hệ thống Quốc lộ 1.

Đại biểu Ngô Văn Hùng – Lào Cai chất vấn Bộ trưởng Đinh La Thăng

Một là, thực trạng hạ tầng giao thông nông thôn còn nhiều bất cập. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào? Hai là, hệ thống cầu treo ở vùng sâu, vùng cao, miền núi là cần thiết. Tuy nhiên, thực trạng và tiến độ xây dựng cầu treo ra sao? Dự kiến năm 2015 có bao nhiêu công trình được hoàn thành?


Trả lời chất vấn của Đại biểu Ngô Văn Hùng, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, trong những năm qua, bộ mặt giao thông nông thôn đã thay đổi tích cực, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới.

Đó là kết quả đạt được nhờ sự đóng góp lớn của người dân cũng như sự quyết tâm của Chính phủ và các cấp lãnh đạo. Đặc biệt, Bộ trưởng đánh giá cao vai trò và sự đóng góp của người dân địa phương, ví dụ có người dân ở Thái Bình ủng hộ 300 triệu đồng xây dựng đường giao thông nông thôn …

Tuy nhiên, để hoàn thành toàn bộ công trình giao thông nông thôn theo đúng mục tiêu, cần sự nỗ lực của cả nước và sự chỉ đạo quyết liệt của hệ thống chính trị.

Về xây dựng đề án phát triển, xây cầu treo và cầu dân sinh, theo phản ánh của các cơ quan báo chí, Bộ GTVT đã chủ động xây dựng đề án phát triển cầu treo và cầu dân sinh cho 50 tỉnh trong cả nước với khoảng 7.811 cây cầu. Đồng thời Bộ sẽ rà soát để xây dựng kế hoạch và lộ trình đầu tư cụ thể.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho biết, Chính phủ sẽ đầu tư xây dựng trước 186 cây cầu bằng việc ứng vốn ngân sách và đến năm 30/6/2015 sẽ hoàn thành. Sau đó sẽ triển khai tiếp các giai đoạn sau. Dự kiến sẽ huy động vốn từ nhiều nguồn: các địa phương, ngân hàng thế giới, huy động các tổ chức, doanh nghiệp …

Đại biểu Lê Thị Công – Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chất vấn: Hiện một số công trình giao thông vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng. Đây có phải là thực trạng các dự án hiện nay không? Nguyên nhân và giải pháp của vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời:

Chống thất thoát trong ngành xây dựng là một vấn đề nhận được sự quan tâm của nhân dân, cử tri cả nước và đặc biệt là các Đại biểu Quốc hội. Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ các công trình thì vấn đề chất lượng công trình cũng được quan tâm.

Năm nay là năm thứ tư Việt Nam thực hiện siết chặt kỷ Cương chất lượng công trình. Từ năm 2012 đến nay, đa số các dự án khi đưa vào khai thác, sử dụng đều đảm bảo vượt tiến độ và chất lượng; chỉ có một số dự án bị hỏng hóc như dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Theo Bộ trưởng, nguyên nhân của những hư hỏng trong quá trình triển khai là do kiểm soát không chặt chẽ, chủ thể thực hiện dự án không tuân thủ quy trình. Vết nứt ở km 83 trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai cũng là một rủi ro, dự án mới thông xe kỹ thuật chứ chưa khánh thành. Bộ GTVT đã kiểm tra và đề ra giải pháp khắc phục, dự kiến đến 20/12 sẽ khắc phục xong.

Tuy nhiên, về các tồn tại hạn chế của dự án, Bộ GTVT sẽ tiếp tục hoàn thiện luật để kiểm soát chất lượng công trình giao thông. Đồng thời nâng cao năng lực của các chủ thể tham gia dự án, từ chủ đầu tư, ban quản lý dự án đến tư vấn thiết kế và các nhà thầu thi công.

Ngoài ra, tăng cường kiểm tra giám sát của lãnh đạo Bộ, các cơ quan liên quan, các cơ quan thông tấn báo chí và các Đại biểu Quốc hội. Bộ GTVT mong muốn nhận được sự đóng góp, góp ý của các Bộ ngành, Đại biểu và cử tri cả nước để các dự án công trình giao thông đảm bảo tiến độ và chất lượng đề ra.

Đại biểu Ngô Văn Minh – Quảng Nam đặt ba câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ GTVT
Thứ nhất, có ý kiến cho rằng suất đầu tư của VN cao nhất thế giới. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về điều này?

Thứ hai, Bộ GTVT nên nghiên cứu tách việc giải phóng mặt bằng thành một dự án và giao cho địa phương quản lý.

Thứ ba, đối với dự án xây dựng Quốc lộ 1 theo hình thức BOT, nếu không có quy định và kiểm soát chặt chẽ, nhà đầu tư có thể kéo dài thời hạn để thu hồi vốn hoặc tăng phí?


Trả lời chất vấn của Đại biểu Ngô Văn Minh, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, về suất đầu tư, nhiều người cho rằng suất đầu tư của VN cao nhất thế giới. Từ những thông tin này, Chính phủ đã giao Bộ xây dựng kiểm tra, đánh giá và so sánh với các quốc gia khác trên thế giới.

Đối với suất đầu tư đường cao tốc, ở VN suất đầu tư tương đương Trung Quốc, thấp hơn Hàn Quốc và thấp hơn rất nhiều so với Nhật bản. Nhật Bản có những đường cao tốc 1 km lên đến 205-206 triệu USD.

Tuy nhiên, việc so sánh này khá khập khiễng, vì nó phụ thuộc vào quy mô của dự án. VN có những dự án có suất đầu tư rất thấp so với các nước trong khu vực, ví dụ dự án đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên khoảng 4,19 triệu/km; đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là 6,94 triệu/km …

Bộ trưởng cho biết, đối với những dự án đi qua các nền đất yếu hoặc có nhiều cầu thì suất đầu tư sẽ cao hơn, như dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành cần khoảng 25,8 triệu/km.

Thứ hai, về đề xuất tách giải phóng mặt bằng ra thành một gói thầu riêng giao cho địa phương thực hiện, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, hiện Bộ GTVT đã và đang thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ.

Thứ ba, đối với việc đầu tư các dự án Quốc lộ 1 theo hình thức BOT, các dự án này thường được thực hiện trong thời gian từ 20 đến 25 năm. Trong quá trình thực hiện phải ký hợp đồng, nhà đầu tư cũng có những tính toán kỹ về lưu lượng xe.

Theo quy định, nếu lưu lượng xe thay đổi 10%, doanh thu tăng giảm 2% thì được điều chỉnh lại hợp đồng. Do vậy, Bộ trưởng cho rằng, chúng ta không cần lo việc kéo dài thời gian thu hồi vốn hoặc tăng giá của nhà đầu tư.

 >>> Nội dung phiên chất vấn chiều 17/11

>>> Nội dung phiên họp Quốc hội sáng 17/11




Nguyệt Quế

hangnt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên