MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quốc hội chính thức thông qua Luật tổ chức Quốc hội

20-11-2014 - 09:10 AM | Xã hội

Với 86,92% phiếu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật tổ chức Quốc hội.

Sáng ngày 20/11, Quốc hội bước vào phiên biểu quyết thông qua Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi); biểu quyết thông qua Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Sau khi Ủy ban thường vụ Quốc hội trình bày tóm tắt dự thảo luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) là phần biểu quyết thông qua dự thảo Luật tổ chức Quốc hội.

Trong đó, Quốc hội biểu biểu thông qua 3 Điều của dự thảo luật gồm: Điều 33, Điều 43 và Điều 67.

Kết quả biểu quyết thông qua Điều 33 của dự thảo luật về Quyền kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm:

Số Đại biểu tham gia 430;
Số Đại biểu tán thành 428;
Số Đại biểu không tán thành 2;
Số Đại biểu không biểu quyết 0.

Điều 33.Quyền kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm

1. Đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật này.

2. Kiến nghị của đại biểu Quốc hội được gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội bằng văn bản, nêu rõ họ tên, chức vụ của người bị kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm và lý do đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm.

3. Đầu mỗi kỳ họp Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm tổng hợp kiến nghị của đại biểu Quốc hội về việc bỏ phiếu tín nhiệm được gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội trong khoảng thời gian từ ngày khai mạc kỳ họp trước đến trước ngày khai mạc kỳ họp đó. Trường hợp có từ hai mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội trở lên kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm đối với một người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm.


Kết quả biểu quyết thông qua Điều 43 quy định về Đoàn đại biểu Quốc hội:

Số Đại biểu tham gia 426;
Số Đại biểu tán thành 421;
Số Đại biểu không tán thành 5;
Số Đại biểu không biểu quyết 0.

Điều 43.Đoàn đại biểu Quốc hội

1. Đoàn đại biểu Quốc hội là tổ chức của các đại biểu Quốc hội được bầu tại một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc được chuyển đến công tác tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

2. Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện những nhiệm vụ sau đây:

a) Tổ chức để các đại biểu Quốc hội tiếp công dân; phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở địa phương tổ chức để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri;

b) Tổ chức để các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác, dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội theo yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

c) Tổ chức để các đại biểu Quốc hội trong Đoàn thực hiện nhiệm vụ giám sát tại địa phương; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân mà đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã chuyển đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết;

d) Báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội về tình hình hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội;

đ) Quản lý, chỉ đạo hoạt động của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội.

3. Đoàn đại biểu Quốc hội có Trưởng đoàn hoặc Phó trưởng đoàn là đại biểu hoạt động chuyên trách. Trưởng đoàn và Phó Trưởng đoàn do Đoàn đại biểu Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội của Đoàn và được Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chỉ đạo tổ chức các hoạt động của Đoàn.

Phó Trưởng đoàn giúp Trưởng đoàn thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng đoàn. Khi Trưởng đoàn vắng mặt thì Phó Trưởng đoàn được Trưởng đoàn uỷ nhiệm thực hiện nhiệm vụ của Trưởng đoàn.

4. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương.

Tổ chức và hoạt động của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.


Kết quả biểu quyết thông qua Điều 67 quy định về cơ cấu tổ chức của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội:

Số Đại biểu tham gia 422;
Số Đại biểu tán thành 411;
Số Đại biểu không tán thành 10;
Số Đại biểu không biểu quyết 1

Điều 67.Cơ cấu tổ chức của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội

1. Hội đồng dân tộc gồm có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, các Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên. Ủy ban của Quốc hội gồm có Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm, các Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên.

2. Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội do Quốc hội bầu. Các Phó Chủ tịch, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác của Hội đồng dân tộc; các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác của Ủy ban do Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

3. Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội giúp Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội giải quyết các công việc thường xuyên của Hội đồng, Ủy ban trong thời gian Hội đồng, Ủy ban không họp.

Thường trực Hội đồng dân tộc gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên thường trực. Thường trực Ủy ban của Quốc hội gồm Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên thường trực.

4. Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thành lập các tiểu ban để nghiên cứu, chuẩn bị các vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của Hội đồng, Ủy ban. Trưởng tiểu ban phải là thành viên của Hội đồng hoặc Ủy ban, các thành viên khác có thể không phải là thành viên của Hội đồng, Ủy ban hoặc không phải là đại biểu Quốc hội.


Kết quả biểu quyết thông qua toàn bộ Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi):

Số Đại biểu tham gia 437;
Số Đại biểu tán thành 432( chiếm 86,92%);
Số Đại biểu không tán thành 2 (chiếm 0,4%),
Số Đại biểu không biểu quyết 3 (chiếm 0,6%).

Như vậy, với 86,92% phiếu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII.


Mai Linh - Nguyệt Quế

huongtt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên