MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quốc hội tranh luận về vai trò của DNNN và "các thành phần kinh tế đều bình đẳng”

05-11-2013 - 11:22 AM | Xã hội

KTNN là khái niệm rộng chứ không đồng nghĩa với Doanh nghiệp nhà nước. Do đó, việc KTNN giữ vai trò chủ đạo là không mâu thuẫn với "các thành phần kinh tế đều bình đẳng”.

Phiên họp Quốc hội ngày 05/11/2013 mở đầu với Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đóng góp sửa đổi Hiến Pháp 1992 do Trưởng ban biên tập Dự thảo Hiến Pháp Phan Trung Lý trình bày.

Về điều 51 của Dự thảo, có đại biểu ý kiến rằng cần phân biệt rõ kinh tế Nhà nước và Doanh nghiệp nhà nước bởi vì không thể nói “kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo” khi mà chính Hiến pháp quy định “các thành phần kinh tế đều bình đẳng”. Hơn nữa, thực tế vừa qua cho thấy, nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa thể hiện được vai trò chủ đạo và đã có nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động không hiệu quả.

Báo cáo cho biết việc khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước (KTNN) là nhằm thể hiện bản chất nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của đất nước ta. KTNN là khái niệm rộng chứ không đồng nghĩa với Doanh nghiệp nhà nước. Do đó, việc KTNN giữ vai trò chủ đạo là không mâu thuẫn. Bên cạnh đó, nếu liệt kê đầy đủ các thành phần kinh tế vào trong Hiến Pháp thì sẽ không giữ được tính khái quát của Hiến Pháp nữa.

Tại khoản 3 điều 51, Báo cáo khẳng định, trong công cuộc xây dựng đất nước thì Doanh nghiệp, Doanh nhân có vai trò rất quan trọng . Vì vậy, Nhà nước sẽ khuyến khích tạo điều kiện để Doanh nghiệp tư nhân và các cá nhân khác đầu tư SXKD hợp pháp. Tài sản của Doanh nghiệp được bảo hộ chứ không bị quốc hữu hóa.

Về sở hữu đất đai, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước là đất đai là sở hữu toàn dân. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị, văn hóa. Những quy định về sở hữu đất đai sẽ được giữ nguyên như trong Dự thảo.

Khoản 3 Điều 54 về thu hồi đất cũng được giữ nguyên như trong Dự thảo. Để phục vụ đất nước, Nhà nước cần thu hồi đất để phục vụ các Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội nhưng việc thu hồi phải đảm bảo công bằng, minh bạch và có cơ chế, giá đền bù cụ thể.

“Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Các trường hợp thu hồi đất do luật định. Việc thu hồi đất phải có bồi thường, công khai, minh bạch, công bằng theo quy định của pháp luật.”

Vấn đề ổn định giá trị đồng tiền quốc gia được quy định tại khoản 3 Điều 59 Dự thảo sửa đổi: “Đồng tiền quốc gia là Đồng Việt Nam. Nhà nước bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền quốc gia”. Báo cáo phát biểu, Nhà nước cho rằng việc này là cần thiết nên bổ sung vào Hiến Pháp. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng không nên dùng từ “ổn định” do trong hoạt động kinh tế, có nhiều yếu tố gây ảnh hưởng đến sức mua và giá trị của đồng tiền. Mặc dù các chính sách kinh tế đều hướng tới mục tiêu lâu dài là ổn định vĩ mô nhưng trong những giai đoạn cụ thể cần có chính sách khác nhau, không nên quy định quá cứng về giá trị đồng tiền.

Những ý kiến đóng góp cho rằng nên tách bạch thẩm quyền quyết định Ngân sách giữa địa phương và Trung ương đã được trả lời. Việc nâng cao quyền tự chủ của địa phương về Ngân sách là cần thiết nhưng việc tách bạch hoàn toàn giữa Ngân sách địa phương với TW là không phù hợp với đất nước. Quốc hội đại điện cho cử tri cho cả nước chứ không phải TW. Điều này được giữ nguyên như hội thảo.

Hải Minh

trangntm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên