MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sập giàn giáo ở Hà Tĩnh: Lỗi tại ai?

10-12-2015 - 13:51 PM | Xã hội

Vụ sập giàn giáo ở Hà Tĩnh một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc coi thường an toàn trong lao động, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng.

Lại một vụ tai nạn lao động đau lòng xảy ra cướp đi sinh mạng của ít nhất 2 người. Nói rằng ít nhất vì trong số những nạn nhân vẫn còn những người đang chưa biết sống chết thế nào.

Người dân Hà Tĩnh có lẽ chưa kịp trấn an sau vụ sập giàn giáo ở Formosa thì tai nạn lại ập đến khi hàng chục người đang thi công cây xăng tại xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh thì bị sập giàn giáo. Công trình này qui mô không lớn nhưng khi xảy ra tai nạn hậu quả lại vô cùng đáng tiếc.

Còn tại Hà Nội, người dân cũng chưa hết bàng hoàng sau vụ tai nạn lao động tại công trình xây dựng Tòa nhà Lilama, số 52 Lĩnh Nam sáng 4/12 khiến 2 người tử vong. Và còn nhiều vụ việc đáng tiếc khác…

Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng có tính lặp lại rất cao. Những vụ tai nạn lao động này lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn lao động ở các công trình xây dựng.

Đất nước ta đang trong quá trình xây dựng và phát triển. Cả nước ta như một đại công trường với hàng triệu con người ngày đêm thi công cho kịp tiến độ. Thế nhưng, hiếm có công trình nào không xảy ra tai nạn lao động, ít nhất là ở mức nhẹ. Có làm thì có lỗi, nhưng lỗi ấy phải trả bằng mạng sống của những con người, trong đó đa phần là những trụ cột trong các gia đình, thì lại quá đắt.

Dư luận đã và đang rất bức xúc trước những vụ tai nạn lao động mà nguyên nhân chính vẫn là sự cẩu thả, xem nhẹ an toàn lao động tại các công trường xây dựng của nhiều đơn vị chủ đầu tư.

Tai nạn lao động có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân đầu tiên có thể kể đến là sự chủ quan của chính con người, trong đó bao gồm cả chủ sử dụng lao động và người lao động.

Với chủ sử dụng lao động, để bảo đảm năng suất lao động cao, tiết kiệm chi phí tối đa và thu lợi nhuận cao, họ thường không chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật lao động về an toàn vệ sinh lao động, không mua sắm các trang thiết bị bảo hộ cho người lao động; không có bộ máy giám sát người lao động tuân thủ các quy định về bảo hiểm lao động...

Dù các cơ quan chức năng cũng đã cố gắng đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vụ tai nạn lao động đáng tiếc có thể xảy nhưng  một số chủ đầu tư vẫn coi thường pháp luật, xem nhẹ tính mạng của người lao động khi ăn bớt công đoạn, vẫn đưa vào vận hành các thiết bị thi công không đảm bảo an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn cho người lao động.

Còn với người lao động, vì mưu sinh, vì đồng lương, thu nhập mà họ không ý thức được việc tự bảo đảm an toàn lao động cho mình và người làm việc xung quanh. Đến khi tai nạn xảy ra thì chính người lao động và gia đình họ phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất, nặng thì mất mạng, còn nhẹ thì mang thương tật suốt đời hoặc bị suy giảm sức khỏe lao động.

Mất an toàn lao động còn có trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Những công trình xây dựng thường phải có sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, của cán bộ chuyên trách về an toàn lao động. Nếu việc này được thực hiện rốt ráo, nghiêm minh, có lẽ đã không xảy ra những vụ tai nạn tai nạn lao động đáng tiếc.

Đây là dịp cuối năm, rất nhiều công trình đang giai đoạn nước rút phải hoàn thành. Để chạy đua với tiến độ, nhiều chủ đầu tư và người lao động sẵn sàng bỏ qua các khâu an toàn. Chính vì vậy, các Bộ, ngành, địa phương cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra ở các địa phương nhằm giảm tối đa các thiệt hại về người. Hãy tôn trọng an toàn lao động để không bao giờ phải nói "Giá như"./.

Theo Vũ Hạnh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên