MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại lỗ hổng pháp luật hay buông lỏng quản lý?

06-03-2016 - 19:35 PM | Xã hội

Chỉ sau nửa năm kể từ ngày bị Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương ra quyết định xử phạt 570 triệu đồng, Công ty Cổ phần liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Liên Kết Việt) đã lừa đảo gần 6.000 nạn nhân với tổng số tiền lên đến 1.900 tỷ đồng.

Trước câu chuyện của Liên Kết Việt người ta đặt vấn đề liệu đây có phải là lỗ hổng pháp lý hay sự hám lợi và buông lỏng quản lý kinh doanh đa cấp.

Đã hậu kiểm, nhưng…

Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp có ý kiến cho rằng, Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương đây là cơ quan chịu trách nhiệm chính. Cụ thể, sau khi được cấp đăng ký hoạt động, Cục đã tiến hành hậu kiểm hoạt động bán hàng đa cấp của Liên Kết Việt vào ngày 15.7.2015. Căn cứ kết quả kiểm tra, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh đã ban hành quyết định xử phạt công ty với số tiền 570 triệu đồng về 10 hành vi vi phạm.

Trong đó có phạt về hành vi không thực hiện thủ tục đề nghị cấp sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; Cung cấp các thông tin gian dối và gây nhầm lẫn cho khách hàng về chất lượng, công dụng của sản phẩm... Với những hành vi này rõ ràng, Cục có thể có cảnh báo sớm thậm chí thu hồi giấy phép của Liên Kết Việt.

Cũng nhìn từ góc độ trách nhiệm quản lý, thì nhiều ý kiến cho rằng còn có trách nhiệm của các cơ quan quản lý tại 27 địa phương nơi Liên Kết Việt hoạt động. Nhưng nếu đặt vấn đề trách nhiệm quản lý và quy định pháp luật sang một bên, chỉ nhìn vào khía cạnh nhận thức của người dân về bản chất Liên Kết Việt – đó thực chất là lòng tham, sự hám lợi … thì không có sự cảnh báo nào, hay sự điều chỉnh nào của quy phạm pháp luật kiểm soát được hậu quả.

Thực tế cho thấy, các công ty kinh doanh đa cấp làm ăn bất chính thường áp dụng nhiều chiêu thức để lách luật: lợi dụng thương mại điện tử để bán hàng, không có hàng hóa lưu thông; lợi dụng mô hình để biến tướng, di chuyển địa bàn liên tục, đăng ký kinh doanh ở địa phương này nhưng sang địa phương khác hoạt động; quảng cáo sai sự thật và thực hiện sai những nội dung trong đề án tham gia kinh doanh đa cấp…

Theo kết luận ban đầu, Liên Kết Việt đã mượn mô hình bán hàng đa cấp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Quy định của mô hình đa cấp là doanh nghiệp phải có hàng để bán nhưng công ty này chỉ thực hiện huy động tiền trong dân.

Như vậy, Liên Kết Việt đã lách luật bằng hình thức phổ biến nhất mà các công ty kinh doanh đa cấp hoạt động bất chính thường thực hiện: mỗi thành viên tham gia phải bỏ tiền ra mua một mã số, được nhận hàng về sử dụng và tiếp tục lôi kéo thêm nhiều người tham gia để nhận hoa hồng. Trong trường hợp này, hàng hóa chỉ mang tính chất tượng trưng để lách luật, thực chất đây là hình thức huy động vốn, lấy tiền của người tham gia sau trả cho người tham gia trước.

Hành lang pháp lý đã có đủ

Chính vì tính phức tạp, độ rủi ro của loại hình này nên kinh doanh đa cấp là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cho đến nay, ngoài các điều, khoản được quy định trong Luật Cạnh tranh, việc bán hàng đa cấp còn được quy định và kiểm soát tại Nghị định số 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1.7.2014 và Thông tư số 24/2014/TT-BTC ngày 30.7.2014 của Bộ Công Thương quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định này.

Bán hàng đa cấp đã trở thành ngành kinh doanh được luật định với quy mô 47 công ty đang hoạt động trên cả nước. Bên cạnh con số đã được cấp phép hoạt động, hiện còn 8 hồ sơ đăng ký đang trong quá trình thẩm định. Tổng doanh thu của ngành trong 6 tháng đầu năm 2015 là 3.200 tỷ đồng.

Trong đó, 5 công ty có doanh thu lớn nhất là: Công ty TNHH Amway Việt Nam, Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, Công ty TNHH Thương mại Vision Việt Nam, Công ty TNHH Unicity Việt Nam.

Theo đó, tại các văn bản pháp luật đã quy định cụ thể với những điều khoản rất khắt khe về vốn điều lệ, ký quỹ, giới hạn tỷ lệ hoa hồng và các lợi ích kinh tế khác chi trả cho người tham gia so với doanh thu 40%... Ngoài ra, những vấn đề liên quan đến quy tắc hoạt động, quy chế trả thưởng, chương trình huấn luyện, nội dung hợp đồng ký với người tham gia… đều được thẩm duyệt theo quy định để bảo đảm quyền lợi của công ty, người tham gia và người tiêu dùng.

Như vậy, vấn đề còn lại là sự phối hợp tổ chức thực thi của các cơ quan liên quan và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động kinh doanh đa cấp. Với Liên Kết Việt, trách nhiệm của Bộ Công thương và UBND các địa phương đến đâu ... hồi sau sẽ phân tỏ.

Nhưng cần sớm làm rõ, Liên Kết Việt có phải là doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình đa cấp hay không ? hay đó thực chất là việc lừa đảo dưới cái gọi là đa cấp. Nếu không phân định rõ vấn đề này thì sẽ ảnh hưởng đến những doanh nghiệp chân chính hoạt động theo mô hình này.

Tuy nhiên, để không còn Liên Kết Việt thứ 2, không chỉ hoàn thiện thể chế, tăng cường giám sát mà còn cần truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về kinh doanh đa cấp, để họ không bị lợi dụng vào lòng tham, sự hám lợi. Bởi, không phải ngẫu nhiên mà những người chọn mô hình kinh doanh đa cấp để lừa đảo lại hướng đến thanh niên, sinh viên, người dân sống ở nông thôn.

Rất dễ hiểu khi Luật sư chủ hợp danh Baker & McKenzie Trần Mạnh Hùng đã từ chối bình luận về hành lang pháp lý dành cho mô hình doanh nghiệp đa cấp, bởi hãng của ông đang có những khách hàng lâu năm là những công ty đa cấp có thương hiệu, hoạt động tuân thủ pháp luật.

Vậy, những sai phạm xảy ra ở các công ty kinh doanh đa cấp vừa qua, có phải là một lỗ hổng pháp lý như người ta vẫn thường đưa ra để lý giải trước sự chậm chễ phản ứng vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn hay sự buông lỏng quản lý ! Cần thiết phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ mô hình kinh doanh đã cấp khi chưa muộn...

Theo Nguyễn Minh

Đại biểu nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên