MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng lương trá hình

19-01-2016 - 11:04 AM | Xã hội

Một số doanh nghiệp đối phó với quy định tăng lương tối thiểu vùng bằng cách tăng lương nhưng cắt giảm phụ cấp của người lao động.

Từ ngày 1-1, các doanh nghiệp (DN) phải điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) vùng cho người lao động (NLĐ) theo Nghị định 122/CP. Bên cạnh những đơn vị thực hiện tốt, sớm có kế hoạch điều chỉnh lương cho NLĐ thì vẫn có không ít DN cố tình trì hoãn tăng lương hoặc có tăng nhưng cắt giảm phụ cấp hay quy vào các khoản thưởng để né BHXH.

Tăng cái này, cắt cái kia…

Nguyên nhân cuộc ngừng việc tập thể xảy ra mới đây tại Công ty TNHH Triumph (KCN Sóng Thần, tỉnh Bình Dương) xuất phát từ chính sách tăng lương trái quy định của công ty. Theo đó, công ty vẫn tăng lương cơ bản thêm 400.000 đồng/tháng theo đúng quy định song sẽ giảm 2,5% trong tổng số 5% mức tăng lương hằng năm của NLĐ. Sau khi thông báo về việc tăng lương được ban hành, toàn bộ công nhân (CN) đã phản ứng, yêu cầu công ty giữ nguyên chính sách tăng lương hằng năm nhưng ban giám đốc không thực hiện. Bức xúc, tập thể CN đã ngừng việc. Lúc này, công ty mới chịu cam kết giữ nguyên mức tăng lương hằng năm 5%, đồng thời tăng 400.000 đồng vào lương cơ bản năm 2016.

Còn tại Công ty Woodworth Wooden Việt Nam (huyện Củ Chi, TP HCM), chính sách tăng lương mới của công ty đang gây bức xúc âm ỉ cho hơn 2.000 CN: Công ty chỉ điều chỉnh lương của CN đã qua đào tạo từ mức 3,3 triệu đồng/tháng lên 3,5 triệu đồng/tháng. Mức lương này chưa tuân thủ quy định “cao hơn ít nhất 7% so với mức LTT vùng đối với NLĐ đã qua học nghề”. Nếu trả đúng, mức lương cho CN đã qua đào tạo phải từ 3.745.000 đồng/người/tháng.

Bà Nguyễn Thị Ánh Thu, Chủ tịch LĐLĐ huyện Củ Chi, cho biết đầu năm 2015 khi thực hiện tăng LTT vùng, công ty này cũng điều chỉnh chưa đúng quy định nên thang, bảng lương của công ty đã bị Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) huyện trả về, yêu cầu sửa đổi nhưng công ty không thực hiện. “LĐLĐ huyện đã đề nghị các cơ quan chức năng huyện và Thanh tra Sở LĐ-TB-XH kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại đơn vị này” - bà Thu nói.

Chỉ tăng lương cho người mới

Theo quy định của Nghị định 122/CP, khi điều chỉnh LTT vùng, mức lương mà người sử dụng lao động trả cho NLĐ phải bảo đảm các quy định của pháp luật và tương quan hợp lý giữa NLĐ chưa qua đào tạo với NLĐ đã qua đào tạo, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao; giữa NLĐ mới tuyển dụng với NLĐ có thâm niên làm việc tại DN. Thế nhưng, không ít DN cố ý hiểu sai quy định khi cho rằng chỉ cần tăng lương cho những NLĐ mới, có mức lương thấp hơn LTT vùng.

Đơn cử như chính sách tăng LTT vùng năm 2016 của một DN trú đóng tại tỉnh Long An. Công ty này chỉ tăng lương cho những CN có mức lương thấp hơn mức LTT vùng từ 2.950.000 đồng lên 3.317.000 đồng/tháng (lương sau đào tạo), còn CN đang hưởng mức lương cao hơn 3.317.000 đồng thì không được tăng. Khi CN phản ứng, công ty giải thích “nhà nước chỉ quy định không được trả lương thấp hơn mức LTT vùng cho NLĐ chứ không buộc DN phải tăng lương cho những lao động đã hưởng mức lương cao hơn LTT”. Nhiều CN làm việc trên 3 năm rất bức xúc khi mức lương hiện tại của họ là 3,4 triệu đồng/tháng, chẳng hơn CN mới là bao!

Theo ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công Sở LĐ-TB-XH TP HCM, khi thực hiện điều chỉnh LTT vùng, DN phải đồng thời điều chỉnh các mức lương trong thang lương, bảng lương bảo đảm các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương theo quy định tại điều 7 Nghị định 49/CP, tức là khoảng cách chênh lệch giữa 2 bậc lương liền kề ít nhất phải là 5%.

Theo quy định tại Nghị định 88/CP có hiệu lực từ ngày 25-11-2015, khi người sử dụng lao động trả lương cho NLĐ thấp hơn mức LTT vùng sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng với vi phạm từ 1 đến 10 NLĐ; từ 30-50 triệu đồng với vi phạm từ 11 đến 50 NLĐ; từ 50-75 triệu đồng với vi phạm từ 51 NLĐ trở lên.

Theo Mai Chi

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên