MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thạc sĩ học ở nước ngoài "trượt" công chức: Du học sinh cũng 5-7 loại

24-04-2015 - 14:55 PM | Xã hội

Đây là ý kiến của GS. TS Trần Ngọc Đường, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ với chúng tôi xung quanh vấn đề này.

Sở Nội vụ Hà Nội vừa công bố ở kỳ thi tuyển công chức năm 2015 có tới 30/63 thí sinh được đặc cách nhưng không qua được kỳ thi sát hạch, Giáo sư có bất ngờ với kết quả này không?

GS. TS Trần Ngọc Đường: Tôi không bất ngờ nhưng có một chút nghi vấn. Nghi vấn thứ nhất là chất lượng đào tạo ở trong nước và nước ngoài như thế nào mà có tới gần 1/2 sinh viên xuất sắc, giỏi ở nước ngoài; thủ khoa ở những trường đại học trong nước đều không qua vòng thi sát hạch.

Vấn đề được đặt ra ở đây đối với những sinh viên du học ở nước ngoài họ học ở trường nào? Bởi theo tôi được biết, ngay ở nước tiên tiến như Mỹ thì cũng có trường đại học, cao đẳng chất lượng đào tạo thấp, học phí rẻ. Sinh viên tốt nghiệp ở những trường này dù bằng giỏi nhưng cũng không xin được việc làm.

Còn đối với những sinh viên học ở những trường trong top 10 - 50 hoặc ít nhất top 100 thì chắc chắn họ sẽ được thâu nạp kiến thức bài bản. Điều này cũng diễn ra tương tự đối với sinh viên học trong nước.

Điều thứ 2 tôi nghi ngờ là cơ quan đứng ra tổ chức sát hạch đặt ra những câu hỏi có sát với trình độ đào tạo hay không hay những câu hỏi sinh viên chưa được tiếp xúc không biết cách thức thi sát hạch như thế nào?

Được biết các thí sinh được đặc cách sẽ phải trải qua kỳ sát hạch, kiểm tra bằng hình thức bài viết gồm: Kiến thức công vụ, công chức, kiến thức quản lý nhà nước và chuyên ngành vận dụng kiến thức chung và kiến thức quản lý nhà nước của ngành vào thực tiễn, kỹ năng thuyết trình và tổng hợp soạn thảo văn bản… Theo GS những nội dung thi này có phù hợp?

GS. TS Trần Ngọc Đường: Theo những gì mà báo chí phản ánh về nội dung thi sát hạch, tôi nghĩ với những nội dung như thế này nhiều người không trả lời được trừ những sinh viên tốt nghiệp Học viện hành chính ra. Bởi những kiến thức này khá xa lạ đối với một số ngành nghề họ chưa được học.

Ví dụ một sinh viên ngoại ngữ trong suốt quá trình học ở trường đại học họ chủ yếu tập trung vào ngoại ngữ cũng giống như một cử nhân tin học, kỹ sư cơ khí thì kiến thức cơ bản của họ được học ở trường là tin học và cơ khí  những kiến thức về công vụ, công chức… họ chưa có dịp được tiếp xúc. Rõ ràng, nếu không có thời gian cho họ nghiên cứu tìm hiểu họ sẽ gặp khó khăn.

Trong khi chủ trương của nhà nước là thu hút chất xám, kêu gọi những du học sinh quay về nước làm việc nhưng với cách thức thi tuyển công chức như hiện nay có “ làm khó” cho họ?

GS. TS Trần Ngọc Đường: Như tôi đã nói ở trên, học ở nước ngoài cũng có 5, 7 loại với nhiều hình thức khác nhau. Vì thế, việc các cơ quan nhà nước phải kiểm tra hồ sơ, tổ chức thi tuyển là phù hợp và cần thiết để tránh bị “đánh lừa”. Tuy nhiên chúng ta cần xem xét lại cách thức như thế nào để vừa tạo điều kiện cho những sinh viên thực giỏi có cơ hội phục vụ cống hiến cho đất nước và loại đi những người có bằng cấp nước ngoài nhưng thực lực không phù hợp.

Nếu cho ông quyền đưa ra cách thức thi tuyển, ông sẽ chọn phương án nào?

GS. TS Trần Ngọc Đường: Theo quan điểm cá nhân tôi nên chú trọng đến chuyên ngành mà vị trí cần tuyển dụng. Theo đó căn cứ vào chuyên môn của từng ứng viên để ra những câu hỏi sát hạch gắn với chuyên môn mà họ được đào tạo. Chẳng hạn nếu tuyển công chức làm phiên dịch vào Sở ngoại vụ thì các câu hỏi nên  gắn với chuyên môn là ngoại ngữ và phiên dịch chứ không nên hỏi luật công chức, công vụ.

Bởi bắt buộc họ phải hiểu, phải biết về những điều này ngay khi vừa tốt nghiệp là rất khó. Nên chăng việc này để sau khi trúng tuyển việc đào tạo sẽ thuộc về cơ quan sử dụng lao động, và người được tuyển dụng phải có trách nhiệm tìm hiểu.

Theo ông có nên duy trì kỳ thi công chức như hiện nay? Làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng “con ông cháu cha” chạy "cửa sau" vào Nhà nước?

GS. TS Trần Ngọc Đường: Thi tuyển là cách hữu hiệu nhất hiện nay. Bởi xét tuyển cũng không biết dựa vào tiêu chí gì khi mà trong số những sinh viên có tấm bằng giỏi ở cả trong nước và nước ngoài thì vẫn có người giỏi thực sự và những người chưa đáp ứng. Vì thế cái cần thiết hiện nay đó là cần cải thiện quy trình sát hạch sao cho phù hợp.

Làm thế nào hạn chế tình trạng con ông cháu cha đỗ công chức là cực kỳ khó, cần có giải pháp đồng bộ. Đây là một vấn đề nan giải, chỉ khi chúng ta có một chế độ công chức công vụ minh bạch, có đánh giá cán bộ công chức theo những tiêu chí, tiêu chuẩn hết sức cụ thể, công khai, minh bạch đối với từng vị trí của công chức thì mới hạn chế được tình trạng này.

Tôi nghĩ, chừng nào việc tuyển dụng, sắp xếp cán bộ chưa minh bạch khi ai cũng có thể làm được trưởng phó phòng, vụ trưởng, vụ phó thì chừng ấy chưa thể hạn chế nạn chạy công chức, chạy chức, chạy quyền và tình trạng " con ông cháu cha" đỗ công chức.

Xin cảm ơn ông!

Sở Nội vụ Hà Nội vừa thông báo kết quả kiểm tra, sát hạch tiếp nhận công chức không qua thi trong kỳ tuyển dụng công chức thành phố Hà Nội năm 2015.

Theo đó Hà Nội có 63 thí sinh thuộc diện đặc cách không phải tham gia thi tuyển. Đó là những thủ khoa đại học trong nước, tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài. Mặc dù không phải thi tuyển nhưng những thí sinh này vẫn phải trải qua kỳ kiểm tra, sát hạch bằng hình thức bài viết và phỏng vấn trực tiếp. Kết quả có 30 đã không qua được kỳ sát hạch.

Trong số những người không đạt có 5 người có bằng thạc sĩ loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài các ngành Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Quản trị tài chính, Kỹ thuật Hóa học, Ngữ văn. 25 thí sinh còn lại không qua được kỳ sát hạch vừa qua đều là thủ khoa, thủ khoa xuất sắc trong nước, cử nhân bằng giỏi nước ngoài.

>>>Thi tuyển lại công chức: Chỉ 6 thí sinh trúng tuyển

Theo Ngô Huyền

PV

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên