MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tham nhũng, quy trách nhiệm người đứng đầu là đúng!

06-01-2014 - 21:33 PM | Xã hội

Việc Thủ tướng Chính phủ quy định về việc xử lý kỷ luật người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý là một quyết tâm và bước tiến đáng kể trong công tác phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên giữa nói và làm luôn là một khoảng cách nên tôi sẽ chờ xem!

Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã chia sẻ với chúng tôi trước thông tin Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 211/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 về việc quy trách nhiệm đối với người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong đơn vị mình.

PV: Thưa ông, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 211/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định về việc  xử lý kỷ luật người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý. Cụ thể là sẽ khiển trách, cảnh cáo hoặc cách chức nếu đơn vị xảy ra tham nhũng. Ông đánh giá như thế nào về quyết tâm này?

Ông Vũ Mão: - Tôi nghĩ đây cũng là một bước tiến đáng kể trong công tác phòng chống tham nhũng (PCTN). Bởi lâu nay nhân dân rất không hài lòng với cách giải quyết các vụ tham nhũng không đến nơi đến chốn và đã để lại nhiều dư luận xấu.

Cũng giống như trước đây khi thành lập Ban Chỉ đạo TƯ về PCTN, cảm nhận của tôi là hoan nghênh, vui mừng và chờ đợi. Tôi vui mừng trước quyết định mới này và hiểu rằng đây là một quyết tâm rất cao của Chính phủ sau những động thái quyết liệt của Ban chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Phú Trọng.

Tuy nhiên cũng còn phải chờ Nghị định này sẽ được thực hiện như thế nào trong thực tế.

PV: - Theo ông việc quy trách nhiệm người đứng đầu này liệu sẽ gặp phải những khó khăn gì bởi như dư  luận vẫn nói, tham nhũng trong một đơn vị thì thường phải “có dây”?

Ông Vũ Mão: - Tôi nghĩ cũng sẽ có những khó khăn nhất định bởi đúng như dư luận nói tham nhũng thì phải “có dây” và đa số là có sự bao che, nơi lỏng quản lý.

Giống như vụ Dương Chí Dũng, chúng ta phải rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác quản lý cán bộ. Dương Chí Dũng đứng đầu một doanh nghiệp làm ăn thua lỗ như vậy mà lại tiếp tục được đề bạt lên một vị trí cao hơn thì thật khó hiểu. Qua đây cũng cho thấy Ban cán sự Đảng của Bộ GTVT (kể cả thời kỳ trước đây với các vụ việc PMU 18...) đã thể hiện sự yếu kém khi xử lý vấn đề liên quan tới Dương Chí Dũng.

Tôi cũng muốn đặt câu hỏi với các cơ quan Kiểm tra, Thanh tra, Kiểm toán... về trách nhiệm của mình, và qua vụ việc này cần rút ra bài học sâu sắc.

PV: Thời gian qua nhiều biện pháp cũng được đưa ra nhưng vẫn có ý kiến cho rằng cách làm “giơ cao đánh khẽ” sẽ khiến các giải pháp bị nhờn, ông nghĩ sao về ý kiến này? Nếu giải pháp mới được Thủ tướng đưa ra không được áp dụng nghiêm minh, liệu việc chống tham nhũng liệu có lại rơi vào tình trạng này?

Ông Vũ Mão: - Hiện nay, nhân dân đang chờ đợi việc giải quyết các vụ đang nổi cộm về những sai phạm của tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, các vụ đại án tham nhũng. Cần phải xử lý rốt ráo, phải làm rõ họ đã chia nhau bao nhiêu tiền, chính sách và pháp luật bị hổng chỗ nào?

Cần phát huy cách làm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Sau cuộc họp của Uỷ ban có thông báo tới toàn thể nhân dân. Tuy nhiên, nhân dân đòi hỏi cao hơn nữa. Cần thông tin đầy đủ các vụ án lớn đặc biệt nghiêm trọng với việc quy trách nhiệm rõ ràng. Tóm lại là: Hoan nghênh đấy, nhưng phải quyết tâm đi đến cùng, không “lửng lơ con cá vàng!”.

Tôi lấy thí dụ như vụ Vinashin, Vinalines. Đây là những vụ việc rất nghiêm trọng, cần phải làm rõ trách nhiệm thuộc về ai. Người đứng đầu các Bộ hữu quan chịu trách nhiệm đến đâu. Đấy là vấn đề cần thiết nhưng cái lớn hơn, cái quan trọng hơn là phân tích cho rõ nguyên nhân để tìm ra các giải pháp khắc phục.

Tại phiên họp thứ 21 của Thường vụ Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu đã bức xúc trước tình trạng xử lý không đến nơi đến chốn, làm chậm chạp, nhiều vụ xử nhẹ, lạm dụng các tình tiết để giảm nhẹ tội cho người tham nhũng. Theo tôi, bức xúc như thế là cần thiết nhưng chưa đủ. Phong cách thường có ở các cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng như ở Quốc hội là phê phán gay gắt nhưng ít đưa ra những giải pháp thiết thực, nhất là chỉ rõ phải sửa đổi bổ sung những văn bản pháp luật nào để tháo gỡ tình hình.

Tôi nhớ lại, ở kỳ họp gần cuối của Quốc hội khoá XII, có đại biểu đã đề nghị thành lập Uỷ ban lâm thời để xem xét vụ Vinashin. Nhưng không được chấp nhận. Đó là điều rất đáng tiếc. Những người đứng đầu cần thấy trách nhiệm của mình.

Trong vụ việc này, bên cạnh trách nhiệm của Chính phủ và các Bộ, cũng cần nói tới trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội. Rõ ràng rằng, các cơ quan Quốc hội chưa thực sự thể hiện được vai trò giám sát. Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách có trách nhiệm gì không, cũng phải làm rõ chứ?

Rồi vai trò của Tổng Kiểm toán Nhà nước ở đâu? Tại sao một vụ án sai phạm lớn như Vinashin mà Kiểm toán Nhà nước lại vô can? Đáng lẽ, Quốc hội cần phải quyết định  báo cáo công khai trước toàn dân.

Những vấn đề nêu trên là bài học sâu sắc. Nếu không có đổi mới về nhận thức và cách làm thì sẽ cứ diễn ra như trước, nói quyết liệt nhưng rồi lại nhãng đi và mọi việc lại rơi vào hư không.

PV: Ông nhận định như thế nào về ý kiến “có tham nhũng ngay trong đội ngũ phòng chống tham nhũng” mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề trước đó?

Ông Vũ Mão: - Tôi nghĩ nghi ngờ này chắc cũng phải có cơ sở. Như trước đây chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo TƯ về PCTN từng đặt vấn đề, mỗi thành viên, mỗi cán bộ làm việc trong lĩnh vực này phải hết sức gương mẫu, liêm, dũng, chính, trực, tức là phải trong sạch, dũng cảm, ngay thẳng, công tâm, trung thực. Bản thân mỗi đồng chí và cả gia đình, vợ, con, phải giữ gìn sự trong sạch, rồi mới chống tham nhũng được, nếu không nói chẳng ai nghe, tay đã nhúng chàm thì không thể làm gì khác được. Phát biểu của Tổng Bí thư rất hay và cũng là một sự rào đón trước.

Tuy nhiên nói thực lòng, trong cơ chế hiện nay có nhiều khe kẽ, có nhiều lỗ hổng để những người có chức có quyền được hưởng bổng lộc, ấy là chưa nói tới tham nhũng.

Do vậy tôi kiến nghị:

Một là, việc làm đầu tiên là các thành viên Ban chỉ đạo kê khai tài sản và được xác minh chính xác của các cơ quan có thẩm quyền.

Hai là, hàng năm, nếu được 6 tháng thì càng tốt, mỗi thành viên trong Ban chỉ đạo cần được báo cáo về sự mẫu mực của mình, trong đó làm rõ số tài sản tăng thêm.

Ba là, giải trình về những dư luận tham nhũng đối với bản thân (nếu có) và có kết luận của Ban chỉ đạo.
Những thông tin này cho báo chí công bố để nhân dân hiểu, giám sát và có niềm tin với Ban chỉ đạo.

Như vậy sẽ phần nào xóa đi được nghi ngờ của dư luận đối với đội ngũ PCTN.

PV: Thưa ông, liệu có thể áp dụng Nghị định 211 với những đại án tham nhũng đang xử hay không? Nếu vậy, trách nhiệm người đứng đầu sẽ cần được xem xét như thế nào?

Ông Vũ Mão: - Như tôi đã nói ở trên, việc quy trách nhiệm người đứng đầu rất cần thiết.

Như trong vụ án Dương Chí Dũng, Bộ GTVT sẽ phải làm rõ trách nhiệm, xem có buông lỏng quản lý ở khâu nào không? Kể cả những cán bộ có trách nhiệm trong vụ này nay đã nghỉ hưu cũng phải đưa ra xem xét trách nhiệm cụ thể, không thể coi hạ cánh là an toàn.

Phải làm rõ ra xem những người ấy có quyền lợi gì trong những sai phạm của Vinalines? Qua đó các Bộ, ngành khác cũng phải rút ra bài học quản lý cho mình, vì còn rất nhiều các doanh nghiệp nhà nước cần phải chấn chỉnh để không còn xảy ra những vụ việc đáng tiếc thế này nữa.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Bích Ngọc 

cucpth

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên