MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thời sự 24h: Nghỉ 6 ngày dịp Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5

09-03-2015 - 21:32 PM | Xã hội

Dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 năm nay liền kề thứ Bảy, Chủ nhật. Ngày 28/4 lại trùng với lễ Giổ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) nên Chính phủ chấp nhận cho người lao động nghỉ thông thêm một ngày 29/4. Như vậy, dịp nghỉ lễ này sẽ kéo dài liên tục 6 ngày.

Sẽ chất vấn Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình về tình hình oan sai

Sáng nay (9/3), tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 36. Diễn ra từ hôm nay đến ngày 17/3, phiên họp có nhiều nội dung quan trọng.

Về công tác xây dựng pháp luật, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Luật ban hành văn bản pháp luật; dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi), Luật tố tụng dân sự (sửa đổi); Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân…

Cũng tại phiên họp này, nhiều nội dung quan trọng khác cũng sẽ được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến như việc chuẩn bị Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Hà Nội vào cuối tháng này; cho ý kiến về nguồn vốn đầu tư Dự án Đường Tịnh Phong - cảng Dung Quất 2, tỉnh Quảng Ngãi và việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9. (Xem thêm)

Công chức nghỉ 6 ngày dịp 30/4 và 1/5

Theo thông báo về Lịch nghỉ các ngày lễ, Tết năm 2015 của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội, dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày chiến thắng 30/4, Ngày Quốc tế lao động 1/5, công chức, viên chức đi làm bù vào thứ Bảy ngày 25/4/2015 để nghỉ thứ Tư ngày 29/4/2015.

Như vậy dịp nghỉ lễ này, công chức, viên chức nghỉ liền 6 ngày từ ngày 28/4/2015 đến hết ngày 3/5/2015. Đối tượng được nghỉ theo lịch hoán đổi này bao gồm cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính sự nghiệp và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội.

Đối với các đơn vị, cơ quan không thực hiện lịch nghỉ cố định 2 ngày thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các đơn vị cần căn cứ vào kế hoạch cụ thể của mình để bố trí lịch nghỉ phù hợp. (Xem thêm)

Đài Loan dự định dỡ bỏ lệnh cấm tiếp nhận lao động Việt Nam

Theo CNA, Bộ Lao động Đài Loan ngày 7/3 vừa qua cho biết hòn đảo này có thể dỡ bỏ một lệnh cấm tiếp nhận lao động Việt Nam kéo dài một thập kỷ qua như là một phương án để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động sau khi Indonesia thông báo có thể sẽ ngừng xuất khẩu lao động không có chuyên môn.

Do tình trạng lao động bỏ trốn nghiêm trọng, Đài Loan đã áp đặt lệnh cấm tiếp nhận lao động là ngư dân Việt Nam vào tháng 5/2004 và ngừng nhận người giúp việc Việt Nam từ tháng 1/2005.

Bộ trưởng Lao động Đài Loan Trần Hùng Văn cho biết: “Dỡ bỏ lệnh cấm tiếp nhận lao động Việt Nam là một trong những phương án của Đài Loan và chúng tôi cũng đang đàm phán với những nước khác (về việc tiếp nhận lao động của họ).” (Xem thêm)

Sau tết, lại “nhảy việc”

Thông thường sau Tết Nguyên đán lại bùng phát tình trạng “nhảy việc”... Gần đây có hàng ngàn lao động tại các khu công nghiệp nhảy việc khi nhiều công ty rao tuyển lao động với số lượng lớn.

Hiện nay, tại một số khu công nghiệp, khu chế xuất ở phía Nam đã thấy xuất hiện những tấm băng rôn tuyển mới lao động. Tuy nhiên, số lượng tuyển không nhiều như những năm trước và các ưu đãi cũng không hậu hĩnh bằng, mức chênh lệch thu nhập giữa các doanh nghiệp bị thu hẹp đáng kể.

Những thông tin cho thấy, nhu cầu tuyển mới lao động của phần lớn doanh nghiệp hiện đang là khá “khiêm tốn”. Nếu như 5-7 năm trước, có không ít doanh nghiệp đánh hẳn những chuyến xe về các địa phương để tuyển và đưa lao động vào nhà máy nhận việc ngay sau Tết, thì nay chuyện này không diễn ra. (Xem thêm)

Xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu của chiến lược này là phát triển hệ thống giao thông vận tải đường sắt đồng bộ cả về kết cấu hạ tầng, tổ chức quản lý khai thác vận tải, công nghiệp và dịch vụ với trình độ cao, bảo đảm hoạt động giao thông vận tải đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác, nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả.

Từ nay đến năm 2020, nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1,435m, điện khí hóa trên trục Bắc - Nam, trong đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, đặc biệt khu vực kết nối với Hà Nội và TP.HCM như các đoạn Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang. (Xem thêm)

Hà Nội: Huyện Gia Lâm đề xuất “lên” quận, xin xây trụ sở

Ngoài đề xuất xây dựng trụ sở, lãnh đạo huyện Gia Lâm, Hà Nội cũng mong muốn đưa huyện này trở thành quận. Trước đề xuất này của huyện Gia Lâm, lãnh đạo TP Hà Nội cho rằng, chủ trương chung của Hà Nội là đưa tất cả các huyện trở thành quận, song thời gian chuyển đổi nhanh hay chậm phải phụ thuộc vào chính nội lực của mỗi huyện.

Trước đề xuất lên quận của huyện Gia Lâm, tại buổi làm việc mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết, thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Gia Lâm xây dựng huyện thành quận.

Tuy nhiên, để làm được việc này, ông Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Gia Lâm phải cố gắng, phấn đấu quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới, nhất là về thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng. (Xem thêm)

>>>Thời sự 24h: Ba Bộ nghiên cứu vụ tịch thu xe khi tài xế say xỉn nặng

Hồng Vân

Hồng Cúc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên