MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỉ phú Richard Branson: "Tác dụng chữa bệnh của sừng tê giác là hoàn toàn huyễn hoặc"

18-09-2015 - 06:12 AM | Xã hội

Cùng ký bản cam kết bảo vệ động vật hoang dã với nhiều doanh nhân hàng đầu Việt Nam, tỉ phú Richard Branson hy vọng sẽ đảo ngược tình thế trong cuộc chiến bảo vệ loài tê giác.

Tỉ phú người Anh Richard Branson cho biết từ lúc còn trẻ, ông đã biết về Việt Nam qua những cuộc chiến tranh. Đến bây giờ, ông cảm nhận được sự thay đổi rất rõ nơi đây cũng như cảm nhận những cơ hội đầu tư trong thời gian tới. “Hiện tại, chúng tôi chưa có kế hoạch đầu tư ngay lập tức tại Việt Nam nhưng trong tương lai, Tập đoàn Virgin của chúng tôi sẽ cân nhắc đầu tư vào đất nước các bạn. Việt Nam là một quốc gia đẹp”, ông nói.

Đó là những dòng tâm sự cởi mở đầu tiên trong buổi gặp gỡ thân mật của tỉ phú Richard Branson cùng Tạp chí NCĐT tại tầng 39 khách sạn Reverie, tọa lạc tại trung tâm Sài Gòn. Với phong cách quần jeans giản dị và một mái tóc vàng bồng bềnh đúng kiểu nghệ sĩ, tỉ phú Richard Brandson rất vui vẻ trò chuyện về chuyến thăm Việt Nam lần này, cũng như những câu chuyện xung quanh cuộc đời ông, mục tiêu ông muốn thực hiện trong thời gian tới.

Đằng sau tài sản 5 tỉ USD

Cách đây không lâu, vị tỉ phú sở hữu hơn 5 tỉ USD này đã bày tỏ ý định sẽ tấn công thị trường hàng không của Thái Lan, nơi mà tập đoàn của ông đã hiện diện cách đây 13 năm thông qua đầu tư hai trạm phát sóng radio cùng hệ thống chăm sóc sức khỏe tại quốc gia này. Vì thế, Đông Nam Á không phải là nơi quá xa lạ với tỉ phú Richard Branson.

“Hiện thương hiệu Virgin của chúng tôi cũng có chút ít phổ biến tại Việt Nam mặc dù chưa kinh doanh ở đây. Ví dụ thông qua tài khoản Twitter và LinkedIn của chúng tôi, đã có 35 triệu người theo dõi, trong số đó có không ít người Việt Nam”, ông nói.

Tài năng kinh doanh của tỉ phú Richard Branson khiến cho nhiều người ngưỡng mộ. Năm 1968, ở tuổi 17, ông đã bỏ học để khởi khiệp. Sản phẩm đầu tiên của ông là Tạp chí The Student và sau đó là cuộc lấn sân sang rất nhiều lĩnh vực khác như âm nhạc, hàng không, bất động sản, ngân hàng, giải trí. Hiện nay, số doanh nghiệp do Tập đoàn Virgin quản lý đã lên đến con số 400.Công cuộc kinh doanh của tỉ phú Richard Branson từ lâu đã vượt ra khỏi biên giới nước Anh. “Sau một thời gian dài chu du thế giới, tôi nhận thấy có rất nhiều vấn đề xã hội cần có người lên tiếng. Và thật là sai lầm nếu như mình không tham gia lên tiếng. Vì vậy, tôi đang dùng những kỹ năng của một doanh nhân để góp phần giải quyết một số vấn đề lớn của thế giới.”

Vì thế mà tỉ phú Richard Branson đã đầu tư nhiều vào ngành truyền thông, cánh cổng mở ra sự giao tiếp trọn vẹn giữa ông với thế giới. Từ công ty đầu tay của ông là hãng băng đĩa Virgin Records cho đến tập đoàn viễn thông mới nổi Virgin Media đang trở nên có tiếng tại Anh quốc và thế giới. Ông cho biết: “Tôi tin chắc rằng nhiều vấn đề trên thế giới có thể được giải quyết nếu chúng ta có thể giao tiếp với nhau dễ dàng hơn trong một ngôn ngữ chung. Internet đang góp phần phá vỡ các rào cản giữa con người. Sẽ có ngày người ta nhận ra rằng ở phía bên kia những lằn ranh biên giới là những con người rất giống mình”.

Nhưng không chỉ có vậy, để Tập đoàn Virgin tồn tại, tỉ phú Richard Branson cho biết đã đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh. “Điển hình là trước đây, chúng tôi có hệ thống cửa hàng băng đĩa nhạc rất lớn. Nhưng sau này, khi mọi ngưởi chuyển sang sử dụng các cửa hàng nhạc trực tuyến như iTunes và rồi bắt đầu nghe nhạc miễn phí trên Internet, hệ thống cửa hàng này đã gặp khó khăn và buộc chúng tôi phải thay đổi để thích ứng. Nếu Virgin chỉ tập trung vào một lĩnh vực chuyên biệt như các công ty khác, có thể chúng tôi đã không tồn tại cho đến giờ”, ông nói.

Cùng ký bản cam kết bảo vệ động vật hoang dã với nhiều doanh nhân hàng đầu Việt Nam, tỉ phú Richard Branson hy vọng sẽ đảo ngược tình thế trong cuộc chiến bảo vệ loài tê giác.

Giấc mơ vươn tới những ngôi sao

Những năm trở lại đây, việc đầu tư vào các công nghệ không gian lại trở thành “món ăn khoái khẩu” của tỉ phú Richard Branson. Hiện ông đang đầu tư vào công ty du lịch vũ trụ Virgin Galactic cũng như tham gia vào một dự án mang tên OneWeb, với mục tiêu phóng hàng loạt vệ tinh viễn thông để mang lại Internet giá rẻ cho thế giới.

Khi NCĐT hỏi rằng, điều gì đã khiến cho các tỉ phú như ông đam mê vũ trụ như vậy, ông cho biết: “Hôm qua, khi nói chuyện với hàng ngàn thanh niên Việt Nam, tôi có hỏi rằng các bạn có muốn được bay vào không gian hay không và thấy rằng ai cũng hứng thú với ý tưởng đó. Gần như tất cả mọi người trên thế giới đều muốn như vậy. Ngay cả tôi và các con tôi cũng muốn được bay lên vũ trụ”.

Ông nói tiếp: “Thông qua các công nghệ không gian, chúng ta còn có thể giải quyết được nhiều vấn đề lớn của thế giới. Hiện nay, đang có 3 tỉ người không được tiếp cận Internet hay mạng không dây. Vì thế, chúng tôi đang định xây dựng một hệ thống vệ tinh bao quanh thế giới để giúp đỡ họ. Tôi nghĩ rằng nhu cầu đối với các công nghệ như vậy chắc chắn là lớn hơn khả năng cung cấp của chúng tôi rất nhiều và có thể đủ chỗ cho cả trăm công ty cùng hoạt động. Ở Virgin, chúng tôi từng hay nói: “Chỉ có bầu trời mới là giới hạn”, nhưng hóa ra bây giờ nó cũng không còn là giới hạn nữa”.

"Bầu trời cũng không còn là giới hạn" - Ảnh: Linh Phạm

Chúng tôi hỏi tiếp liệu ông có định ứng dụng công nghệ không gian vào việc bảo vệ môi trường hay không thì tỉ phú Richard Branson mỉm cười nói: “Tôi chưa nghĩ đến điều đó cho tới khi bạn nói tới nó. Nhưng tại sao lại không nhỉ? Các vệ tinh của OneWeb sẽ hoạt động ở tầm thấp và chúng tôi có thể gắn các vi mạch lên những đàn voi và tê giác để theo dõi chúng từ không gian. Cám ơn bạn về ý tưởng này!”.

Bài ca Trái Đất

Không chỉ phát triển công nghệ vũ trụ và vệ tinh, từ năm 2007 tỉ phú Richard Branson còn cùng Tập đoàn Virgin tổ chức một giải thưởng đặc biệt mang tên “Thử thách Trái Đất” (Virgin Earth Challenge) với giải thưởng lên tới 25 triệu USD. Mục tiêu của giải thưởng này là tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu nhằm loại bỏ khí nhà kính khỏi bầu khí quyển của Trái đất. Nhưng sau 8 năm, vẫn chưa có ai thắng giải?!

Tỉ phú Richard Branson cũng thừa nhận với NCĐT rằng: “Virgin Earth Challenge là một ý tưởng điên rồ. Đó là một lời kêu gọi dành cho các nhà khoa học và kỹ sư rằng các bạn có nghĩ ra được cách cứu thế giới này không?”. Chúng tôi muốn có một giải pháp để rút ra khỏi bầu khí quyển một lượng khí carbon bằng với mức của châu Âu thải ra hằng năm, mà phải thật hiệu quả về mặt chi phí. Tôi đặt ra một giải thưởng thách thức như vậy để buộc mọi người phải nghĩ đến những ý tưởng thực sự chưa ai nghĩ đến”. Ông cũng nói thêm: “Ai thắng được cuộc thi này là người xứng đáng nhất để được gọi là siêu anh hùng”.

Và không chỉ lưu tâm đến vấn đề khí nhà kính, tỉ phú Richard Branson cũng là người ủng hộ nhiệt tình các công nghệ tiết kiệm năng lượng và phát triển nhiên liệu sạch. Năm 2013, ông từng phát biểu tại Singapore: “Biến đổi khí hậu là cơ hội lớn nhất để phát triển kinh tế và tạo ra việc làm của thế hệ chúng ta và giới doanh nhân cùng khởi nghiệp phải đóng vai trò dẫn đầu”.

Ông đã giải thích một phần câu nói này với NCĐT rằng: “Quốc gia nào có thể thực hiện được một cuộc cách mạng năng lượng thì sẽ thu được nhiều lợi ích cho nền kinh tế, cho môi trường và cho mọi người dân. Hàng trăm ngàn công ăn việc làm mới có thể được tạo ra từ việc tận dụng năng lượng mặt trời, gió và thủy triều. Nếu Việt Nam trở thành một nước dùng năng lượng sạch, lúc đó các bạn sẽ không còn phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng nữa”.

Cách suy nghĩ đến giải thưởng rất kỳ lạ như giải thưởng Virgin Earth Challenge, hay hành động tích cực của tỉ phú Richard Branson đến vấn đề sinh quyển và năng lượng đều xuất phát từ tầm nhìn của ông đối với việc bảo vệ thế giới. Và không chỉ là vấn đề môi trường không khí, ông cũng nỗ lực bảo vệ những giá trị sống đang tồn tại trên trái đất.

"Thuốc aspirin còn tốt cho sức khỏe của bạn hơn là sừng tê giác"

Điểm nhấn đáng chú ý cho câu chuyện này là các hoạt động bảo vệ động vật hoang dã của Richard Branson. Hòn đảo Necker rộng 30 ha do ông sở hữu tại vùng biển Caribê từ lâu đã được dùng làm nơi bảo tồn cho hơn 140 loài động vật quý hiếm đến từ khắp nơi trên thế giới. Công ty Virgin Limited Edition của ông, vốn chuyên về kinh doanh khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp, cũng đang quản lý 2 khu bảo tồn ở châu Phi là Mahali Mzuri (Kenya) và Ulusaba (Nam Phi).

Với tỉ phú Richard Branson, việc bảo vệ cho các loài thú quý hiếm là niềm vui lớn của cuộc đời ông: “Chúng tôi có 2 khu bảo tồn thú hoang lớn ở Kenya và Nam Phi. Có hàng ngàn trẻ em từ khắp nơi trên thế giới đã đến đó để được xem những con sư tử và báo gấm. Thiên nhiên châu Phi là vô cùng tuyệt vời, nhưng cũng rất mong manh”. Nói tới đây, ông chia sẻ một cách ngậm ngùi: “Lần gần đây nhất đến châu Phi, tôi đã thấy có 2 mẹ con tê giác bị giết hại để lấy sừng ngay trong một khu bảo tồn của chúng tôi”. Ông nhận định thêm: “Giai đoạn 4-5 năm vừa qua là giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử đối với các loài voi và tê giác”.

Richard Branson thường xuyên tham gia các chiến dịch vận động bảo vệ động vật hoang dã - Ảnh: WildAid

Chỉ trong năm 2014, ở Nam Phi, đã có tới 1.215 con tê giác bị giết hại, hay nói cách khác, cứ mỗi ngày lại có 3 con tê giác trở thành nạn nhân của những kẻ săn bắn trộm. Tỉ phú Richard Branson thẳng thừng tuyên bố: “Lấy sừng tê giác là đánh cắp từ châu Phi. Nhiều người không dám đánh cắp gì ở nước họ, mà lại chọn cách đi đánh cắp của một châu lục khác”. Trước đây, ông cũng từng dẫn lại các báo cáo cho thấy việc kinh doanh sản phẩm từ động vật hoang dã là một trong những nguồn thu lớn nhất của tổ chức khủng bố al-Shabaab tại Somalia.

Tại châu Á, rất nhiều người mua sừng tê giác nhằm mục đích dùng làm thuốc Đông y. Bàn về điều này, tỉ phú Richard Branson nói thẳng: “Các nghiên cứu khoa học đã cho thấy rằng, thuốc aspirin còn tốt cho sức khỏe của bạn hơn là sừng tê giác. Sừng tê giác chỉ đơn giản giống như một loạt cái móng tay ép lại mà thôi. Tác dụng chữa bệnh của nó hoàn toàn là một thứ huyễn hoặc”.

Hồi cuối năm ngoái, từng có một công ty mang tên CeratoTech đến đảo Necker để trình bày với tỉ phú Richard Branson về ý tưởng tạo ra những chiếc sừng tê giác nhân tạo bằng công nghệ in 3D, với chất liệu y hệt những chiếc sừng thật. Khi đó, những ai vẫn có nhu cầu mua sừng tê có thể dùng sừng nhân tạo, thay vì sừng lấy từ những con tê giác bị giết hại.

Trao đổi với NCĐT, tỉ phú Richard Branson cho biết ông vẫn băn khoăn về giải pháp này: “Sừng tê giác là một trò lừa đảo. Những người bị các căn bệnh hiểm nghèo như ung thư sẽ sẵn sàng dùng bất cứ thứ gì để có cơ hội được sống. Nếu có ai đó sản xuất ra sừng tê giác nhân tạo có chất lượng y hệt sừng thật để bán cho những người như vậy, trong lúc biết rằng nó sẽ chẳng giúp gì được cho họ, thì tôi vẫn không nghĩ đó là điều đúng đắn về mặt đạo đức. Nó có thể giúp ích cho loài tê giác, nhưng chẳng giúp gì được cho người mua sừng. Tôi nghĩ tốt hơn cả là mọi người nên đi điều trị y tế đàng hoàng thay vì đi mua sừng tê giác. Thực ra, mua sừng tê giác còn đắt hơn cả đi điều trị kia mà.”

Tối ngày 13-9, tỉ phú Richard Branson đã có một buổi gặp gỡ thân mật cùng đại diện của NCĐT và một số doanh nhân hàng đầu Việt Nam. Phía NCĐT đã đặt ra các câu hỏi với giới doanh nhân về ý thức, trách nhiệm và sự ủng hộ đối với các nỗ lực bảo vệ thiên nhiên nói chung và ngăn chặn nạn buôn bán sừng tê giác nói riêng. Tất cả đều đã thống nhất trong sứ mệnh tốt đẹp này và tỉ phú Richard Branson hào hứng nói: “Hy vọng chúng ta có thể bắt đầu đảo ngược tình thế trong thời gian tới”.

“Hy vọng chúng ta có thể bắt đầu đảo ngược tình thế trong thời gian tới” - Ảnh: Linh Phạm

Ông John Baker, Giám đốc Điều hành của tổ chức cứu trợ hoang dã WildAid, cũng đồng tình: “Việc buôn bán phi pháp động vật hoang dã đang đe dọa rất nhiều loài thú như tê giác và tê tê. Chúng ta có thể triệt tiêu ngành buôn bán này thông qua việc nâng cao ý thức và thuyết phục mọi người không mua các sản phẩm phi pháp nữa, cũng như tăng cường thực thi pháp luật. Việc các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thực hiện cam kết không mua các sản phẩm đó, đặc biệt là sừng tê giác cho thấy Việt Nam có thể tạo ra sự khác biệt và góp phần bảo vệ loài tê giác”.

Còn bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Change/WildAid Việt Nam, thì cho biết: “Tôi rất vui vì Ngài Richard Branson đã có những hành động thiết thực để kêu gọi các doanh nhân Việt Nam cùng chung tay giải quyết vấn nạn tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã. Điều này là một sự khích lệ để chúng tôi có thêm nhiều hoạt động mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới. Và tôi cũng rất hy vọng sẽ có thêm nhiều doanh nhân nữa cam kết tham gia cùng chúng tôi để tạo ra những làn sóng mạnh mẽ giúp Việt Nam không còn là điểm nóng của vấn nạn này”.

Không chỉ có sừng tê giác, tỉ phú Richard Branson còn tham gia bảo vệ nhiều chủng loài khác. Hằng năm, trên toàn thế giới có tới hơn 70 triệu con cá mập bị giết để lấy vây, nhằm phục vụ cho nhu cầu ẩm thực của một số ít người giàu có. Điều này không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng cho hệ sinh thái đại dương, mà còn có ảnh hưởng lâu dài lên nền kinh tế của các nước đánh bắt cá mập.

Một nghiên cứu của Viện Hải dương học Úc đã chỉ ra rằng, một con cá mập có thể đem lại 1,9 triệu USD nếu được sống để phục vụ du lịch, nhưng chỉ đem lại vỏn vẹn 108 USD nếu bị giết để lấy vây. Tại Việt Nam, số liệu năm 2014 từ các ngư dân ở Phú Quốc cũng cho thấy rằng họ chỉ kiếm được bình quân 2,2 triệu đồng từ mỗi con cá mập đánh bắt được. Từ năm ngoái đến nay, giá vi cá mập cũng đã giảm tới gần 60%.

Vốn rất yêu thích loài cá này, tỉ phú Richard Branson từng nhiều lần bơi với cá mập để kêu gọi ý thức bảo vệ từ mọi người. Ông chia sẻ với NCĐT: “Nếu nhiều người biết rằng việc ăn súp vi cá mập gây thiệt hại như thế nào thì tôi tin rằng họ sẽ ngưng ăn món đó ngay lập tức. Từ những cuộc trò chuyện với người Việt Nam và Trung Quốc, xem ra súp vi cá cũng chẳng phải là món ăn đặc biệt gì, mà chỉ là một dạng truyền thống.”

"Tôi là người không muốn lớn lên"

Sau những câu chuyện về kinh doanh và môi trường, tỉ phú Richard Branson cũng chia sẻ với NCĐT về con người ông. Có một lý thuyết tâm lý nói rằng, bên trong mỗi người đàn ông là ba nhân vật: chàng thợ săn trẻ tuổi thích phiêu lưu, vị quân vương bận rộn xây dựng đế chế và nhà hiền triết già cả muốn được để lại di sản cho các thế hệ sau. Trả lời câu hỏi của NCĐT rằng ông đang là nhân vật nào trong số đó, tỉ phú Richard Branson nói: “Chắc chắn là tôi đang ở độ tuổi của nhà hiền triết rồi” và sau đó mỉm cười: “Nhưng tôi lại là người không muốn lớn lên, nên một phần trong tôi vẫn là chàng thợ săn trẻ tuổi”.

“Chắc chắn là tôi đang ở độ tuổi của nhà hiền triết rồi, nhưng tôi lại là người không muốn lớn lên, nên một phần trong tôi vẫn là chàng thợ săn trẻ tuổi” - Ảnh: Linh Phạm

Ông thừa nhận, vì căn bệnh khó đọc mà ông bị nhiều người xem là kẻ ngốc. Lúc đó, người ta còn chưa biết tới căn bệnh đó và thậm chí chưa có tên gọi chính thức cho nó. Nhưng cũng vì căn bệnh đó, mà ông học được cách phân chia trách nhiệm cho người khác, và luôn cố gắng tìm kiếm những người thật giỏi để làm thay ông những điều mà bệnh khó đọc không cho phép làm. Việc ông công khai chia sẻ về căn bệnh này đã giúp cho rất nhiều trẻ em bị mắc bệnh trở nên tự tin hơn. “Tôi nghĩ rằng nhân cách và cách đối nhân xử thế là quan trọng hơn việc có đánh vần đúng hay không”, ông nói.

Thỉnh thoảng, tỉ phú Richard Branson lại có chút suy tư trong những câu hỏi của chúng tôi về thời trai trẻ của ông, cũng như quan niệm của ông về những người trẻ ở Việt Nam và thế giới. Thái độ không sợ rủi ro khi quyết định hành động cũng là yếu tố mang lại thành công lớn cho ông sau này. Khi được biết ở Việt Nam đang có khá nhiều các bạn trẻ bắt đầu dấn thân vào môi trường kinh doanh, tỉ phú Richard Branson nhớ lại thời trai trẻ của ông với rất nhiều hoài bão. “Khi bạn bắt đầu một doanh nghiệp, nó sẽ rất thách thức. Bạn phải chiến đấu để sống sót, làm việc cả đêm lẫn ngày. Nhưng vì bạn còn trẻ, bạn có thể sẽ làm được”, ông cười nói.

Vậy những thách thức đó là gì? Tỉ phú Richard Branson chia sẻ kinh nghiệm: “Bạn cần tìm thị trường còn bỏ sót. Bạn phải tìm được những người tốt đi theo bạn, ủng hộ bạn và tin vào những gì bạn làm. Cố gắng tìm đủ nguồn tài chính để giúp doanh nghiệp của bạn vượt được qua 1 hay 2 năm đầu. Bạn cũng phải nghĩ đến việc ra tìm ra một cái tên tốt, thú vị để đặt tên cho doanh nghiệp mình và khiến mọi người chú ý”.

Nhưng sau đó, với quá nhiều doanh nghiệp cùng lượng nhân viên lên đến hàng chục ngàn người thì phải làm sao? Tỉ phú Richard Branson đúc kết kinh nghiệm trong cả cuộc đời kinh doanh của ông rằng: “Đó là cách tôi phân công nhiệm vụ cho những người phù hợp. Tôi cảm thấy thật may mắn khi được làm việc với rất nhiều người trẻ, có năng lực tốt. Khi thấy một chỗ nào đó hoạt động chưa tốt thì tôi mới can thiệp vào”.

Theo Tuấn Minh-Ngọc Sơn

Nhịp cầu đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên