MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tịch thu xe của tài xế say xỉn: Xe biển xanh, xe mượn... xử được không?

09-03-2015 - 16:44 PM | Xã hội

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) có những phân tích xung quanh đề xuất tịch thu xe nếu lái xe có nồng độ cồn vượt mức quy định.

Có khá nhiều ý kiến phản đối đề xuất tịch thu phương tiện đối với người điều khiển xe có nồng độ cồn trên 80 mg/100 mililit máu được đăng tải trên các báo. Phó Chủ tịch UBATGTQG, ông Khuất Việt Hùng đã nhiều lần trả lời báo chí về vấn đề này.

Tuy nhiên, những giải thích của ông chưa thuyết phục được nhiều người trong giới luật sư và giới nghiên cứu pháp luật. Để làm rõ thêm vấn đề, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường về vấn đề này.

Đề xuất tịch thu xe của lái xe có nồng độ cồn vượt quá quy định đang thu hút sự tranh luận của công chúng. Nhiều ý kiến cho rằng không khả thi, không có cơ sở pháp lý,... ý kiến luật sư thế nào?

Luật sư Đặng Văn Cường: Pháp luật bảo vệ quyền sở hữu tài sản. Phương tiện tham gia giao thông cũng là một loại tài sản được pháp luật bảo vệ. Việc trưng thu, trưng mua, trưng dụng, tịch thu tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật. Theo quy định pháp luật hiện hành thì nếu phương tiện giao thông mà sử dụng vào mục đích tội phạm, là công cụ, phương tiện phạm tội thì sẽ bị tịch thu, xung công quỹ nhà nước.

Các phương tiện tham gia giao thông có vi phạm hành chính thì sẽ bị xử lý theo Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo đó, ngoài hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức phạt tiền tối đa không quá 40 triệu đồng (theo Điều 21 và Điều 24 Luật xử lý vi phạm hành chính), thì người vi phạm có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là "Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính".

Theo quy định tại Điều 26 luật xử lý vi phạm hành chính thì người vi phạm hành chính có thể bị "Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hoá, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức. Việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được thực hiện theo quy định tại Điều 82 của Luật này".

Như vậy, căn cứ vào Điều 21 và Điều 26 Luật xử lý vi phạm hành chính nêu trên thì Chính Phủ có thể ban hành Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Điều 26 LXLVPHS nêu trên để tịch thu phương tiện, tang vật vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông. Tuy nhiên cần xem xét đến tính khả thi của quy định này trong bối cảnh xã hội ta hiện nay.

Luật sư có đồng tình với cách trả lời của đại diện UBATGTQG - ông Khuất Việt Hùng, khi có những phản biện cho rằng đề xuất này không khả thi?

Luật sư Đặng Văn Cường: Trước thực trạng không kiểm soát nổi tình trạng vi phạm giao thông và số người chết do tai nạn giao thông đáng báo động như hiện nay thì việc Ủy ban an toàn giao thông trăn trở, tìm tòi, kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ những tồn tại này là điều đương nhiên. Tuy nhiên, biện pháp nào, giải pháp nào có tính khả thi và mang lại hiệu quả thì cần phải bàn.

Theo tôi, nếu đưa ra quy định tịch thu phương tiện giao thông khi người tham gia giao thông có nồng độ cồn quá mức cho phép là không phù hợp và sẽ mang lại nhiều hệ lụy cho xã hội. Việc quy định này không có gì dám chắc là giảm số vụ và tính chất của các vụ tai nạn giao thông nhưng chắc chắn sẽ phát sinh nhiều tranh chấp dân sự liên quan tới sở hữu tài sản là phương tiện giao thông.

Quy định trên cũng sẽ làm nảy sinh nhiều tiêu cực trong xử lý vi phạm. Phương tiện như ô tô là tài sản không hề nhỏ, nếu bị tịch thu thì có nhiều gia đình có thể lâm vào tình trạng vỡ nợ, phá sản, tan vỡ hạnh phúc gia đình...

Quy định tịch thu xe như vậy sẽ giống như tịch thu công cụ, phương tiện phạm tội trong luật hình sự và người tham gia giao thông có nồng độ cồn được cho là nguy hiểm cho xã hội như tội phạm hình sự... Vì vậy, nếu đưa dự thảo này ra để lấy ý kiến của nhân dân thì đa số nhân dân sẽ không ủng hộ quy định này.

Đặt trường hợp nếu lái xe "biển xanh" say xỉn thì có bị tịch thu không? Nếu không thì xử lý việc này thế nào?

Luật sư Đặng Văn Cường: Về nguyên tắc pháp luật đã được hiến pháp và các văn pháp luật quy định thì mọi người, mọi chủ thể tham gia quan hệ pháp luật đều bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, không thể ban hành quy định Nhà nước tịch thu tài sản của nhà nước được.

Vì vậy, nếu có quy định về việc tịch thu phương tiện giao thông thì phải có quy định loại trừ trường hợp là xe công, như vậy sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa xe công và xe tư và thực tế việc vi phạm giao thông do xe biển xanh hiện nay không phải là ít.

Ông Khuất Việt Hùng cho rằng, trường hợp nào không thu xe được thì phạt tiền tương ứng với giá trị chiếc xe thì thủ tục định giá xe thực hiện thế nào, hơn nữa theo quy định tại Điều 24 Luật xử lý vi phạm hành chính, mức xử phạt tiền trong lĩnh vực giao thông tối đa không quá 40 triệu đồng, trong đó có những chiếc xe ô tô có thể trên 40 tỉ đồng. Ý kiến của ông Khuất Việt Hùng đưa ra là chưa phù hợp với quy định pháp luật.

Trường hợp thứ 2, một người dân cho mượn xe, người mượn say rượu bia mà cái xe bị tịch thu, vậy chủ nhân thực sự của chiếc xe có bị thiệt thòi và oan ức không?

Luật sư Đặng Văn Cường: Như đã nói ở trên, xe ô tô là tài sản có giá trị lớn, không phải dễ dàng gì mà mua được và không phải chiếc xe nào cũng do chủ sở hữu xe lái (thường là thuê lái xe, nhiều trường hợp là mượn xe). Nếu có quy định tịch thu xe ô tô thì sẽ phát sinh rất nhiều tranh chấp dân sự giữa chủ sở hữu xe với người lái xe, mượn xe có vi phạm.

Việc này sẽ gây ra hệ lụy không nhỏ cho xã hội và có thể phát sinh những vụ án dân sự, thậm chí có thể đâm, chém nhau (hình sự) từ việc cho mượn xe, bị thu xe... hệ lụy khôn lường cho xã hội.

Trong trường hợp một người bị mất trộm xe, tên trộm uống rượu bia lái xe và cái xe bị tịch thu, vậy chủ xe biết đòi xe ở đâu?

Luật sư Đặng Văn Cường: Trong trường hợp chiếc xe là tang vật của vụ án hình sự thì phải áp dụng quy định của bộ luật tố tụng hình sự để trả lại cho chủ sở hữu. Nếu người sử dụng chiếc xe đó vi phạm giao thông mà bị tịch thu thì xảy ra xung đột pháp luật giữa luật tố tụng hình sự và luật xử lý vi phạm hành chính. Khi đó thủ tục xử lý và biện pháp xử lý sẽ rất phức tạp.

Chỉ cần xem lại việc tạm giữ phương tiện để chờ xử lý như hiện nay đã biến bao chiếc xe có giá trị thành đống sắt vụn sau nhiều năm dầm mưa, dãi nắng ở bãi tạm giữ. Nay thêm quy định này thì sẽ phải bổ sung lực lượng đông đảo cho công an, tòa án, kiểm sát, cơ quan thẩm định giá, bán đấu giá để xử lý các thủ tục, tranh chấp phát sinh, đồng thời phải bổ sung kho bãi đề lưu giữ, xử lý.

Những việc phát sinh này tiêu tốn một lực lượng nhân lực khá lớn và phải chi một khoản lớn của ngân sách nhà nước để nuôi bộ máy phát sinh này. Thêm vào đó là những tiêu cực xảy ra giữa người vi phạm và người xử lý để tránh việc bị xử lý, mất tài sản....

Từ những trường hợp này có thể khẳng định việc tịch thu xe là khó khả thi không?

Luật sư Đặng Văn Cường: Không chỉ mình tôi, tôi tin rằng đa số người dân sẽ không đồng tình với đề xuất này và quy định này sẽ không tốt cho xã hội, không phải là giải pháp tốt để đấu tranh với hiện tượng vi phạm giao thông.

Xin cảm ơn luật sư!

>>>“Ô tô, xe máy có đăng ký đầy đủ không thể tùy tiện tịch thu được”

Theo Hồng Chuyên

PV

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên